Từng vàng son một thời nhưng giờ đây xiếc xứ Đông đang thăng trầm, trôi nổi. Loại hình nghệ thuật nghiệt ngã này đang rất cần một chính sách để bảo tồn những giá trị tinh hoa của nghề.
Một tiết mục tại Liên hoan ca nhạc - xiếc - tạp kỹ chuyên nghiệp ngoài công lập Hải Dương năm 2016
Có một thời khi nói tới Hải Dương, khách trầm trồ ngợi ca và tôn vinh 3 đặc sản: quả vải thiều, bóng bàn và xiếc! Xiếc cha truyền con nối, anh dạy em… họ bươn chải trên con đường mưu sinh, bằng nghị lực phi thường và tình yêu nghệ thuật.
Một loại nghệ thuật nghiệt ngã
Xiếc là nghệ thuật tổng hợp sử dụng xảo thuật kết hợp âm thanh, ánh sáng, phục trang… để tạo ra hình tượng bất ngờ, vô lý, kỳ lạ, đem đến cho người xem cái đẹp cao cả có ý nghĩa thẩm mỹ nhân văn.
Khác với nghệ thuật chèo, kịch nói, xiếc mang tính khắt khe, nghiệt ngã. Tuy không lời nhưng xiếc vẫn luôn ở trạng thái động. Động và mạo hiểm đã dẫn tới tính cẩn trọng, dũng cảm và tinh xảo của nghệ sĩ. Diễn viên xiếc khi ngậm kiếm đu quay, răng cắn miếng da ở trên cao quay tít, thì chỉ sơ ý một phần nghìn giây cũng có thể “tan nát một đời hoa”. Vì thế người làm xiếc còn có một đức tính nữa là gan dạ, biết xả thân vì nghề.
Đã có một thời vàng son đối với xiếc xứ Đông. Chuyện kể rằng, đầu những năm 30 thế kỷ XX ở xã Cao Thắng (Thanh Miện), có người thanh niên nhà nghèo đi làm thuê cho một gánh xiếc. Ông chủ giao cho anh làm những việc lặt vặt và chăm sóc những con thú. Vốn say mê nghệ thuật, lại là người thông minh nên sau 5 năm sống trong gánh xiếc rong, anh nắm được một số bí quyết cơ bản của nghề và quyết tâm trở về quê, xây dựng gia đình và lập một gánh xiếc mưu sinh. Đó là gánh xiếc của nghệ nhân Trương Văn Sản (sinh năm 1916).
Ban đầu, diễn viên chính là Trương Văn Sản, cũng với những tiết mục uốn dẻo, đi trên dây chão, phi qua vòng lửa… Ngoài ra, có thêm mấy người gõ trống đánh chiêng. Xiếc hấp dẫn thu hút người xem rất đông. Ngày ấy, các quan lại trong huyện đến xem đều thích thú, đến nỗi viên tri huyện sở tại còn cấp giấy phép cho gánh xiếc đi lưu diễn trong vùng.
Khi các con ra đời và khôn lớn, ông Sản cứ lần lượt truyền nghề để thành gánh xiếc gia đình ngày càng đông, tiết mục càng phong phú. Ông có 7 con trai, 2 con gái, người nào cũng thạo biểu diễn xiếc. Năm 1958, ông Sản xin phép thành lập đoàn xiếc mang tên thật ý nghĩa “Cao Thanh Hải”. Ông ghép những chữ đầu tên xã Cao Thắng (Thanh Miện) để ghi nhớ quê hương. Rồi từ xiếc, gia đình, cứ dần dần mở rộng quy mô, tiến tới sự ra đời “Đoàn xiếc Hải Hưng” sau này, điều đặc biệt là anh Trương Việt Hòa (con trai ông Sản) được cấp trên giao cho chức vụ trưởng đoàn.
Sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, xiếc Hải Hưng vào thời kỳ vàng son, nở hoa bung lụa. Đoàn được cử vào các tỉnh phương Nam biểu diễn, được chọn những tiết mục xuất sắc mang sang Liên Xô (cũ), Đông Âu, Lào… lưu diễn dài ngày. Khi ấy, nghệ nhân Trương Văn Sản đã cao tuổi, nhưng con cháu ông toàn là diễn viên tài giỏi, đã từng mang về nhiều giải thưởng trong các kỳ hội diễn xiếc toàn quốc... Tiếng tăm xiếc Hải Hưng in dấu ấn trong Liên đoàn Xiếc Việt Nam và khán giả trong nước.
Nhạt mờ đời xiếc
Từ khi có cơ chế mới, các đơn vị nghệ thuật tự chủ kinh phí hoạt động kinh doanh và khi trên các kênh truyền thông xuất hiện nhiều loại hình giải trí… thì xiếc hoạt động cầm chừng rồi teo tóp dần. Cuối cùng năm 1992, Đoàn xiếc Hải Hưng giải thể.
Nghệ sĩ xiếc bỗng hẫng hụt, bơ vơ, xẻ nghé tan đàn. Nhưng máu nghề vẫn sôi sục trong huyết quản. Một số người kiên quyết tìm mọi cách giữ nghề. Họ thành lập các nhóm, các đoàn xiếc tư nhân, mà chủ yếu là những người có quan hệ gia đình, anh em, bạn bè tin cậy. Họ được một số cơ quan nhà nước bảo lãnh và được pháp luật bảo hộ. Họ dắt nhau lên đường, vào các làng bản thật xa, thật sâu, tìm điểm diễn. Những nơi nào không có ti vi, văn công đến… thì có xiếc.
Họ tự bươn chải trên con đường sinh nhai và chịu va đập khắc nghiệt của cuộc đời. Tất cả đồ nghề, trang thiết bị loa đài, sân khấu lỉnh kỉnh hòm đồ, trang phục, điện máy… cả vợ chồng con cái, nồi xoong bát đĩa quăng cả lên xe tải, xe ca... Đi vài chục cây số tìm điểm diễn, vậy mà có điểm cũng chỉ vỏn vẹn dăm chục người xem.
Rất ít ai biết rằng, xiếc bây giờ đang thăng trầm, trôi nổi. Ở Hải Dương, lúc đỉnh cao có gần 20 đoàn, nay chỉ còn một số đoàn xiếc tư nhân. Trong đó, Đoàn xiếc Đại Dương (một thời mang tên Bông Hồng Trắng) tiêu biểu cho sự thăng trầm giàu nghị lực. Xiếc Đại Dương có 12 người, là vợ chồng, anh em họ, ở phố Trần Văn Giáp (TP Hải Dương). Đấy là trên giấy tờ pháp lý, còn quanh năm họ tung hoành khắp nơi lưu diễn. Họ tự mua sắm đạo cụ, trang phục, phương tiện vận chuyển, luyện tập, xây dựng tiết mục. Vé từ 20.000-40.000 đồng/suất, có điểm diễn thu được 4-5 triệu đồng, có khi còn ít hơn.
Anh Khương Đình Kiên, Trưởng Đoàn xiếc Đại Dương kể: “Em là trưởng đoàn, phải làm diễn viên kiêm MC, còn vợ là nghệ sĩ Nam Phương đảm nhiệm biểu diễn tiết mục đu bay, ngậm kiếm... Đoàn thành lập từ năm 1997, cứ thế mà tồn tại 25 năm nay, khi trong Nam ngoài Bắc, lên rừng xuống bể, đâu có điểm diễn là đến. Khi các con còn nhỏ, gửi ông bà nuôi, để cha mẹ lưu diễn, thỉnh thoảng mới về thăm con. Nay chúng đã trưởng thành".
Thời điểm dịch Covid-19, các đoàn xiếc tạm ngừng lưu diễn, nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Những nghệ sĩ vẫn khổ công “văn ôn võ luyện” chờ thời, chờ dịch yên bình, lại rong ruổi trên đường kiếm sống. Có người phải kiếm việc khác làm tạm qua ngày…
Đào tạo nghệ thuật xiếc là đào tạo tinh hoa, cần có hướng lâu dài. Vẫn biết nhờ xã hội hóa mà xiếc Hải Dương tồn tại đến nay. Dẫu thế, cần có chính sách và ngân sách để bảo tồn xiếc.
KHÚC HÀ LINH