Trải qua bao thăng trầm lịch sử, dù không còn giữ được kiến trúc vốn có, nhưng với người dân khu La Tỉnh nói riêng, thị trấn Tứ Kỳ nói chung, đình La Tỉnh vẫn mang một giá trị tinh thần lớn lao.
Đài kỷ niệm lịch sử cách mạng huyện Tứ Kỳ đặt trong khuôn viên đình La Tỉnh
Đình La Tỉnh, thị trấn Tứ Kỳ (Tứ Kỳ) nằm khiêm nhường trong khu dân cư nhộn nhịp La Tỉnh Bắc. Đây là nơi thờ ba vị Thành hoàng là Trung đẳng thần gồm Chí tôn Công chúa Vạn Phúc phu nhân cùng hai người anh em trai đã có công phù Lý diệt Lương, gây dựng nên đất nước Vạn Xuân.
Ông Ngô Văn Hưởng, 78 tuổi, ở khu La Tỉnh tiếc nuối khi nhắc về hình ảnh của ngôi đình nằm trong ký ức. “Thuở nhỏ, tôi thường theo bố mẹ ra đình. Ngôi đình thời ấy lớn lắm, tường được xây bằng gạch, trên lợp mái ngói, cột đình làm bằng gỗ lim hai người ôm không xuể. Bên trong đình có nhiều tượng gỗ lớn, nhỏ cùng các đồ thờ cúng. Trước đình là một khoảng sân rộng với cây đa cổ thụ. Tiếc là sau này, thực hiện chính sách tiêu thổ kháng chiến chống thực dân Pháp, ngôi đình đã bị dỡ bỏ” ông Hưởng kể lại.
Theo tư liệu địa phương còn lưu giữ, ngôi đình đã trải qua nhiều biến cố ở các thời kỳ lịch sử. Trước thế kỷ XVI, đình La Tỉnh chỉ làm bằng tranh tre, nhỏ gọn ở Đường Đình Long thuộc cánh đồng Bục (gần sông Vạn Yên), sau chuyển về xóm Sặt (có giếng Sặt), tiếp theo chuyển về xóm Chợ gọi là đình Chợ, rồi chuyển về giếng Chợ, chính là khu vực đình hiện nay.
Người dân dâng hương tạ Thành hoàng làng
Theo lệ làng xưa, bất cứ ai đi qua cổng đình làng đều phải xuống ngựa. Tuy nhiên, đầu thế kỷ XVI, một viên quan triều đình nhà Lê đi tuần du qua trước đình La Tỉnh đã không thực hiện điều này, bị dân làng không may đánh chết. Sự việc tới tai vua nên nhà vua đã ra chiếu chỉ đuổi hết dân làng đi nơi khác. Từ đó làng La Tỉnh bị xóa sổ, ngôi đình cũng bị phá và trở thành phế tích.
Tới đầu thế kỷ XVII, một viên quan giữ chức Vệ úy ở thời Lê Trịnh đã tâu với vua xin xóa tội cho dân làng La Tỉnh để họ được về quê làm ăn sinh sống. Lời tâu trình được chấp thuận. Làng La Tỉnh được tái lập.
Khi nghỉ việc quan, ông định cư ở xóm Thung và cùng dân làng dựng lại ngôi đình cũ. Ông còn cúng cho làng 3 mẫu ruộng đẳng điền để dân có hoa lợi cúng tế và tu sửa đình làng. Do có công với làng nên dân làng nhớ ơn, gọi ông là già Vệ và tôn ông là Hậu làng. Khi ông qua đời, dân làng cúng vào ngày 25 tháng 7 âm lịch. Từ khi xây dựng lại đình, dân làng La Tỉnh tổ chức lại lễ tế Thành hoàng và duy trì mọi nghi lễ truyền thống văn hóa của địa phương.
Đầu thế kỷ XX, thấy đình làng xuống cấp, chính quyền đương thời và nhân dân đã xây dựng lại ngôi đình mới to, đẹp hơn. Đình làng mới được xây bằng gạch, hình chữ đinh với 5 gian, có hậu cung thờ Thành hoàng. Công trình làm bằng gỗ lim, cột hai người ôm không hết, mái đình lợp ngói mũi. Đình rộng trên 200 m2 tọa lạc trên đất đình cũ rộng khoảng 1.700 m2. Xung quanh đình trồng nhiều cây cổ thụ tôn lên vẻ đẹp linh thiêng, uy nghi của đình.
Tuy nhiên, tới cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đình một lần nữa bị dỡ bỏ theo chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”.
Hòa bình lập lại, nhưng vì nhiều lý do, đình vẫn chưa được xây dựng. Năm 1995, chính quyền và nhân dân La Tỉnh xây dựng ngôi nhà 5 gian bằng gạch chỉ, mái lợp ngói xi măng với tổng diện tích 110 m2 để làm nhà văn hóa. Tuy là nhà văn hóa, nhưng nơi đây vẫn được người dân xây dựng theo lối đình với một gian hậu cung để làm nơi thờ Thành hoàng làng và duy trì lễ hội.
Đình La Tỉnh hiện nay
Hiện đình chỉ còn giữ được 5 đạo sắc phong từ thời Nguyễn, tượng gỗ Thành hoàng làng, hai chĩnh gốm, một bình hương thờ Hậu thần làng (ông già Vệ) cùng hai bài thơ tương truyền là của vua Trần Nhân Tông và vua Tự Đức viết tặng.
Đình còn là di tích cách mạng, là nơi ghi nhiều dấu ấn, những sự kiện lịch sử quan trọng trong xây dựng và phát triển phong trào cách mạng của huyện Tứ Kỳ. UBND huyện Tứ Kỳ cũng đã xây dựng một đài kỷ niệm bằng đá tại sân đình để ghi lại dấu ấn lịch sử cách mạng vẻ vang của huyện.
Theo ông Ngô Văn Hưởng, trước khi có dịch bệnh Covid-19 lễ hội đình được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch. “Ngôi đình đã không còn giữ được nét kiến trúc xưa, cộng với sân đình nhỏ hẹp nên mỗi lần tổ chức lễ hội là người dân phải đứng tràn ra cả đường quốc lộ, gây mất an toàn giao thông. Nguyện vọng của chúng tôi là phục dựng lại ngôi đình và mở rộng thêm không gian sân đình để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, đồng thời tưởng nhớ, tri ân công lao của các bậc tiền nhân” ông Hưởng chia sẻ.
Theo bà Đặng Thị Khánh, Bí thư Đảng ủy thị trấn Tứ Kỳ đình La Tỉnh là chứng tích văn hóa, lịch sử của đất và con người thị trấn Tứ Kỳ qua bao biến cố lịch sử. Từ nguyện vọng của nhân dân nên chính quyền địa phương đã vận động kinh phí xã hội hóa để có thể phục dựng ngôi đình nhằm tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân, vừa tạo dựng nơi chốn nhắc nhở thế hệ mai sau về nguồn cội.
Theo đó, đình La Tỉnh dự kiến sẽ được tu bổ, phục dựng vào đầu năm 2022 với kinh phí trên 8 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Khuôn viên sân đình cũng sẽ được mở rộng hơn để phục vụ việc tổ chức các nghi lễ và sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân.
TRƯỜNG THÀNH