Thăng trầm của “nữ hoàng cách mạng Cam”

12/10/2011 17:40

Ba lần được bình chọn là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, “nữ hoàng cách mạng Cam” gặp vô vàn trắc trở trên con đường chính trị.

Sinh năm 1960, lập gia đình khi còn là sinh viên với ông Oleksandr Tymoshenko năm 1979 và sinh được một cô con gái tên là Eugenia năm 1980. Bà từng làm Giám đốc điều hành của Công ty khí đốt Ukraine dưới thời Liên Xô cũ năm 1991. Năm 1996,  Tymoshenko bước vào chính trường khi được bầu vào nghị viện Ukraine với số phiếu lên đến 92,3% - Ảnh: RIAN
Cuối năm 1997, bà từng bị Viện công tố Ukraine đề nghị loại tên khỏi nghị viện vì có lời buộc tội bà buôn lậu tiền từ Ukraine sang Matxcơva (Nga). Tuy  nhiên, một năm sau đó, bà tiếp tục được bầu lại vào đảng Hromada và trở thành nhân vật nổi bật của đảng này. Khi Hromada tan rã vì chủ tịch đảng chạy trốn sau những lời buộc tội tham nhũng, Tymoshenko đã thành lập nên phe Đất mẹ thống nhất toàn Ukraine - Ảnh: RIAN
Từ cuối năm 1999 đến đầu năm 2001, Tymoshenko làm Phó Thủ tướng trong nội các của cựu Tổng thống Viktor Yushchenko, từng loại bỏ nhiều hoạt động kinh doanh mờ ám trong ngành năng lượng nước này. Nhưng tháng 1-2001, bà bị Tổng thống lúc đó là Leonid Kuchma sa thải vì gây mâu thuẫn với các trùm năng lượng Ukraine. Ngay sau đó, bà lãnh đạo Ủy ban cứu rỗi Ukraine và hoạt động tích cực trong phong trào vì một Ukraine không có Kuchma - Ảnh: RIAN
Giữa tháng 2-2001, Tymoshenko bị bắt vì có lời buộc tội bà giả mạo giấy tờ và buôn lậu khí đốt khi làm chủ tịch Hệ thống năng lượng thống nhất Ukraine giai đoạn 1995-1997. Nhưng bà được thả sau đó vài tuần - Ảnh: RIAN
Vào mùa thu năm 2001, bà Tymoshenko và ông Viktor Yushchenko đã hợp tác để tạo ra phe phái đối lập lớn nhằm loại bỏ ông Kuchma trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2004. Khi lập liên minh Lực lượng của nhân dân, ông Yushchenko hứa sẽ đưa bà Tymoshenko lên làm Thủ tướng nếu ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử.

Tháng 11-2004, khi ông Viktor Yanukovich giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống, phe của bà Tymoshenko đã cáo buộc có gian lận trong kết quả kiểm phiếu. Cuộc biểu tình đòi bỏ phiếu vòng hai do bà Tymoshenko phát động thu hút đến 500.000 người và được gọi là cuộc cách mạng Cam. Sau đó, ông Viktor Yushchenko đã vượt qua Viktor Yanukovich để trở thành Tổng thống Ukraine.

Tháng 1-2005, bà Tymoshenko được lên làm Thủ tướng như đã hứa. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, các mâu thuẫn nội bộ của liên minh cầm quyền đã khiến chính quyền của bà Tymoshenko tan vỡ, buộc Tổng thống Yushchenko phải thay thủ tướng khác. Ông Yushchenko cho rằng bà Tymoshenko đã gây ra các mâu thuẫn chính trị và sự phát triển kinh tế yếu kém - Ảnh: RIAN

Bà Tymoshenko vẫn tuyên bố sẽ trở lại chức Thủ tướng. Nhưng trong cuộc bầu cử nghị viện năm 2006, ông Yanukovich giành được chiếc ghế này. Ngay lập tức, bà Tymoshenko tuyên bố chống lại chính phủ Yanukovich. Cuộc khủng hoảng chính trị 2007 ở Ukraine yêu cầu quốc gia này phải tổ chức bầu cử mới. Tháng 10-2007, bà Tymoshenko và Tổng thống Yushchenko lại bắt tay để tạo liên minh chống lại Yanukovich. Tháng 12-2007, Tymoshenko lại một lần nữa trở lại làm Thủ tướng.

Trong thời kỳ 2007-2010, mối quan hệ giữa Tymoshenko và Tổng thống Yushchenko lại phát sinh nhiều mâu thuẫn, nhất là khi bà đề nghị thông qua luật giảm quyền lực Tổng thống và tăng quyền lực cho Thủ tướng. Nhận thấy bất đồng về quan điểm, bà Tymoshenko tuyên bố chạy đua chức Tổng thống năm 2010

Tuy nhiên, sau hai vòng bầu cử tháng 1-2010, bà Tymoshenko chỉ giành được 45,4% số phiếu bầu, trong khi đối thủ Yanukovich giành được 48,95%. Đảng của bà tiếp tục cho rằng có gian lận trong kiểm phiếu nhưng tòa án tối cao Ukraine bác đơn kiện của bà Tymoshenko đối với Yanukovich. Bà Tymoshenko từ chức Thủ tướng ngày 4-3-2010.

Tymoshenko chưa làm được gì để loại bỏ những người đứng đầu mà bà cho là “tham lam, ăn cướp của người giàu Ukraine nhưng bạc đãi người lao động nghèo” thì bị cáo buộc lạm quyền trong hợp đồng khí đốt với Nga năm 2009. Tòa án Ukraine vừa tuyên 7 năm tù giam với người mà phương Tây mệnh danh là “nữ anh hùng của cách mạng Cam”. Ảnh: RIAN
Ngay lập tức, Liên minh châu Âu, Mỹ và Nga đã bày tỏ thái độ “thất vọng” với phán quyết của toàn án. Ngày 11-10, Nhà Trắng cho rằng họ “thất vọng sâu sắc với bản án”, cho rằng vụ việc “có động cơ chính trị” và yêu cầu Ukraine thả bà Tymoshenko

Liên minh châu Âu cho biết sẽ chấm dứt các thỏa thuận hợp tác với Ukraine vì vụ việc trên, trong khi Nga cho rằng quyết định của tòa án Ukraine là nhằm chống nước Nga vì các thỏa thuận đã ký năm 2009 là hoàn toàn hợp pháp.

Các chính đảng Nga cũng cho rằng bản án đối với bà Tymoshenko là hành động trả thù chính trị và có thể làm cho tình hình chính trị Ucraine thêm phức tạp.

PHAN ANH(TT)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thăng trầm của “nữ hoàng cách mạng Cam”