Ngày 17-8-1945 trở thành dấu mốc lịch sử quan trọng đánh dấu thắng lợi vang dội của Hải Dương trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Nhân dân Hải Dương mít tinh chào mừng Cách mạng Tháng Tám thành công. Ảnh tư liệu
Đầu tháng 3-1945, nhân cuộc đảo chính Nhật - Pháp, nhiều cán bộ, đảng viên của Hải Dương từ các nhà tù đã vượt ngục trở về tham gia củng cố phong trào cách mạng địa phương. Bên cạnh lực lượng nòng cốt ở cơ sở, một số cán bộ Việt Minh, học sinh, giáo viên tham gia phong trào cách mạng ở Hà Nội, Hải Phòng cũng về địa phương xây dựng phong trào.
Ngày 14-3-1945, đồng chí Nguyễn Văn Kha được Xứ uỷ Bắc Kỳ cử về Hải Dương xem xét, hướng dẫn phong trào cách mạng. Trung tuần tháng 3-1945, tại nhà số 3 đường Bùi Thị Cúc, các đồng chí: Trần Cung, Hải Thanh, Vũ Duy Hiệu, Nguyễn Công Hoà... dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Kha đã nhóm họp để bàn kế hoạch tập hợp thống nhất các lực lượng cách mạng trong tỉnh và phân công cán bộ về phụ trách các huyện.
Đầu tháng 4-1945, Trung ương cử đồng chí Trần Đức Thịnh, Xứ uỷ viên Bắc Kỳ về trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Hải Dương.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ uỷ, trung tuần tháng 4-1945, Hội nghị cốt cán của tỉnh được triệu tập tại Đông Thôn (Thanh Miện). Hội nghị tuyên bố tái lập Tỉnh uỷ Hải Dương. Ban Tỉnh uỷ lâm thời gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Kha, Vũ Duy Hiệu, Nguyễn Công Hoà, Trần Cung, Hải Thanh, đồng chí Nguyễn Văn Kha làm Bí thư.
Hội nghị đã quán triệt Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Thường vụ Trung ương Đảng. Căn cứ vào nội dung Chỉ thị và tình hình thực tế địa phương, Hội nghị đề ra một số nhiệm vụ trước mắt: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng trong nhân dân; kiên quyết chống lại các luận điệu tuyên truyền lừa bịp của bọn thân Nhật và các đảng phái phản động, hạn chế ảnh hưởng của chúng. Tích cực tìm bắt liên lạc với các tù chính trị, những cơ sở cách mạng cũ, những người có tinh thần yêu nước để đưa vào Mặt trận Việt Minh. Ra sức vận động quần chúng đấu tranh phá kho thóc, chống thuế, chống thu thóc tạ của địch để cứu đói. Thông qua các hình thức đấu tranh trên, phát động tư tưởng, tập dượt cho quần chúng và đưa họ vào các tổ chức Việt Minh, tiến hành xây dựng các đội tự vệ, mua sắm vũ khí, thành lập căn cứ quân sự chờ thời cơ tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Cuối tháng 4 - 1945, Hội nghị cán bộ Việt Minh toàn tỉnh được triệu tập, họp tại Hội Xuyên (thị trấn Gia Lộc). Hội nghị quyết định thành lập Ban cán sự Việt Minh để thống nhất chỉ đạo phong trào toàn tỉnh.
Hai hội nghị trên có ý nghĩa lịch sử rất lớn: chỉ ra phương hướng hoạt động đúng đắn cho phong trào cách mạng trong tỉnh; có tác dụng thúc đẩy phong trào không ngừng tiến lên; lập được cơ quan chỉ đạo thống nhất toàn tỉnh, phong trào quy tụ vào một mối, tạo thành sức mạnh to lớn, nhanh chóng đưa phong trào cách mạng ở Hải Dương tiến tới cao trào.
Đến giữa năm 1945, cục diện chiến tranh thế giới thứ hai nghiêng hẳn về phía Đồng minh. Tháng 5 - 1945, Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt hoàn toàn bọn phát xít Đức. Tháng 8 - 1945, Hồng quân Liên Xô đánh tan hơn một triệu quân Quan Đông của Nhật tại Mãn Châu (Trung Quốc). Ở trong nước, Chính phủ Trần Trọng Kim hoang mang cực độ.
Trước tình thế rất khẩn trương của cách mạng, được sự chỉ đạo của Xứ uỷ Bắc Kỳ, Tỉnh uỷ Hải Dương triệu tập Hội nghị cán bộ Việt Minh toàn tỉnh từ ngày 13 đến 17 - 8 tại Đông Thôn (Thanh Miện) để kiểm điểm lực lượng, chuẩn bị mọi mặt đợi lệnh lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền toàn tỉnh. Khi nhận được tin Nhật đầu hàng Đồng minh, hội nghị quyết định phát động toàn dân trong tỉnh khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị kết thúc nhanh chóng vào ngày 15 - 8 - 1945 để cán bộ kịp thời về các địa phương chuẩn bị lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa.
Trong các ngày 17, 18 - 8 - 1945, tin khởi nghĩa ở một số nơi và cuộc biểu tình của Việt Minh ở Hà Nội dội tới càng thôi thúc cán bộ phụ trách các huyện nhanh chóng chớp thời cơ, lãnh đạo nhân dân vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền.
Ngày 17 - 8 - 1945, huyện Cẩm Giàng khởi nghĩa, mở đầu cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Dương. Cùng ngày, ở các huyện Kim Thành, Kinh Môn, quần chúng cách mạng cũng nổi dậy giành chính quyền thắng lợi.
Tại thị xã Hải Dương, trong mấy ngày này không khí chuẩn bị khởi nghĩa rất sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân. Đúng 15 giờ ngày 17 - 8 - 1945, cuộc mít tinh do chính quyền bù nhìn tổ chức đã diễn ra. Chúng tập trung ở câu lạc bộ An Nam (nay là Thư viện tỉnh ở phố Nguyễn Du) định diễu qua các phố lớn rồi về mít tinh ở sân Vọng Cung (nay là Nhà hát Nhân dân). Khi đoàn biểu tình đi tới phố Quang Trung thì có súng hiệu nổ. Lực lượng của ta bố trí hai bên đường nhập vào đoàn biểu tình cùng với số người đã bố trí trước trong đoàn biểu tình, hạ cờ “quẻ ly” xuống và giương cờ đỏ sao vàng lên. Những khẩu hiệu “Đả đảo Chính phủ Trần Trọng Kim”, “Ủng hộ cách mạng, ủng hộ Việt Minh” vang lên khắp đường phố. Bọn tay sai Nhật hoảng sợ không dám chống lại, cúi đầu đi trong đoàn biểu tình hoặc rút lui trước khí thế mạnh mẽ của quần chúng cách mạng.
Lá cờ đỏ sao vàng dẫn đầu đoàn biểu tình tuần hành qua các phố lớn và dừng lại trước vườn hoa Bảo Đại (nay là Quảng trường Độc Lập). Đại biểu Việt Minh đứng lên nói rõ 10 chính sách cứu nước của Mặt trận Việt Minh, báo tin Nhật đầu hàng Đồng minh và kêu gọi mọi người tham gia, ủng hộ Việt Minh giành độc lập cho dân tộc. Âm hưởng của làn sóng cách mạng mạnh như thác lũ lan nhanh khắp thị xã. Các đường phố đỏ rực màu cờ cách mạng và biểu ngữ, quần chúng vô cùng phấn khởi. Sáng sớm ngày 18 - 8 - 1945, hàng vạn người thuộc mọi tầng lớp nhân dân trong thị xã Hải Dương đã tề tựu đông đủ tại vườn hoa Bảo Đại dự cuộc mít tinh mừng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hải Dương. Cùng với các tỉnh Bắc Giang, Hà Tĩnh và Quảng Nam, Hải Dương là một trong 4 tỉnh lỵ giành chính quyền thắng lợi đầu tiên trong cả nước.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Hải Dương có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Nó làm cho bọn ngụy quyền và các tổ chức phản động ở địa phương càng thêm hoang mang, rệu rã, tất thảy nhân dân đều vui mừng, nô nức trong không khí chiến thắng của cách mạng. Ngày 17 - 8 - 1945 trở thành dấu mốc lịch sử quan trọng đánh dấu thắng lợi vang dội của Hải Dương trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
TRỊNH XUÂN HUẤN