HĐBA LHQ đã thông qua nghị quyết về việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria nhưng không tự động cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt hoặc sử dụng vũ lực.
Ngoại trưởng Anh (trái) và Mỹ biểu quyết cho nghị quyết về Syria. Ảnh: Reuters
Rạng sáng 28-9 (giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua nghị quyết về việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria (Xi-ri) nhưng không tự động cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt hoặc sử dụng vũ lực. Nghị quyết này được xem là một thắng lợi tiếp nối của Nga khi luôn giữ quan điểm không mở một cuộc tấn công chớp nhoáng vào Syria nếu không có sự cho phép của HĐBA LHQ.
Bước đột phá của NgaPhát biểu sau cuộc bỏ phiếu về nghị quyết Syria, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon (Ban Ki Mun) gọi đây là “tin tốt lành đầu tiên về Syria sau một thời gian dài bế tắc”. Phát biểu từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Obama cũng gọi nghị quyết là “thứ mà nước Mỹ đã tìm kiếm bấy lâu nay”. Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Xéc-gây La-vrốp) nói với Đài Voice of Russia đây là một thành công, và điều quan trọng là “việc tự động áp dụng chương VII Hiến chương LHQ đã bị loại bỏ".
|
|
Ban đầu, 3 quốc gia gồm Mỹ, Anh và Pháp muốn nghị quyết áp dụng chương 7 Hiến chương LHQ, vốn cho phép các hành động quân sự và phi quân sự nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh. Tuy nhiên, Nga đã phản đối quan điểm này và buộc Mỹ cùng các nước phương Tây phải từ bỏ một số đòi hỏi ban đầu. Theo đó, nghị quyết chỉ ghi, nếu Syria không tuân thủ nghị quyết thì cần có biện pháp trừng phạt bổ sung do HĐBA LHQ đề nghị chứ không phải là bắt buộc phải có ngay hành động quân sự chống lại Damascus (Đa-mát). Tuy nhiên, theo New York Times, nghị quyết này mới chỉ là thành công bước đầu từ phía Nga và Syria. Muốn tránh một cuộc tấn công quân sự trong tương lai phải phụ thuộc rất nhiều thái độ hợp tác của Damascus. Syria cần phải thực hiện theo đúng lộ trình giải giáp vũ khí hóa học đã thông qua từ trước đó.
Theo các nhà phân tích, nghị quyết này cũng cho thấy Mỹ và châu Âu đã “lực bất tòng tâm” khi không thể áp đặt một cuộc tấn công quân sự nhằm trừng phạt Syria. Nó xuất phát từ việc Nga đã trở nên mạnh hơn khi chứng tỏ sức nặng về mặt ngoại giao và kinh tế trong khi châu Âu vẫn còn lo giải quyết hậu quả khủng hoảng và Mỹ xem ra không còn đủ sức để phiêu lưu mạo hiểm như ở Iraq (I-rắc), Afghanistan (Áp-ga-ni-xtan).
Đầu những năm 1990, cường quốc hàng đầu thế giới tin rằng các cuộc xung đột địa phương có thể được giải quyết bằng cách can thiệp, hậu thuẫn phe có lợi thay vì thỏa thuận hay thương lượng. Nhưng nay, can thiệp quân sự đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Mỹ và châu Âu đều cảm thấy mệt mỏi sau làn sóng "Mùa xuân Ả-rập", Trung Đông và Bắc Phi vẫn tiếp tục rơi vào những cuộc khủng hoảng và các quốc gia này trở thành tâm điểm của sự chỉ trích khi trước đây lên tiếng hoặc ủng hộ quân sự nhằm lật đổ các chính phủ cũ nhằm mang đến cái mà họ gọi là tự do dân chủ theo kiểu phương Tây.
Bên cạnh đó, sau những cuộc chiến bị sa lầy, Mỹ đã nhận ra rằng nước này không thể “một mình thống trị thế giới” như trước đây. Hơn nữa, vốn đã quá chán nản với vai trò lãnh đạo toàn cầu và đang phải chật vật để phục hồi, người Mỹ không còn “nhiệt tình” bành trướng ảnh hưởng ra nước ngoài như trước. Những gì diễn ra tại Syria cho thấy, không một quốc gia nào có thể áp đặt ý chí của mình đối với toàn thế giới vì thiếu đòn bẩy thật sự. Bằng chứng rõ nét nhất là Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) gần như bị cô lập khi kêu gọi mở cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria từ đầu tháng 9. Chỉ trừ có nước Pháp, cả phương Tây gần như quay lưng lại lời kêu gọi của ông Obama.
Phe đối lập Syria tan rãTheo một tuyên bố được ghi hình đăng trên mạng in-tơ-nét, hơn 30 nhóm phiến quân đã cắt đứt quan hệ với tổ chức đối lập Syria được phương Tây hậu thuẫn và cánh quân sự của tổ chức này. Tuyên bố do sĩ quan Ammar al-Wawi (Am-ma an Oa-vi) trong hàng ngũ quân nổi dậy đọc đã viện dẫn “thất bại thê thảm” của Liên minh Dân tộc Syria và Hội đồng Quân sự tối cao, cánh quân sự của liên minh này.
Nội bộ phe nổi dậy Syria trong suốt cuộc nội chiến kéo dài hơn 2,5 năm qua luôn chứng kiến những mâu thuẫn, chia rẽ sâu sắc. Thậm chí, đã không ít lần các phe nhóm trong lực lượng này đấu đá nội bộ đến mức lao vào xâu xé nhau. Tình trạng “huynh đệ tương tàn” được thấy rõ nhất giữa các nhóm nổi dậy Hồi giáo cực đoan có sức mạnh chiến đấu lớn và những nhóm theo đường lối ôn hòa.
Hồi đầu tuần này, 13 nhóm nổi dậy, trong đó có những thành phần có ảnh hưởng nhất và lớn nhất, bao gồm tổ chức Mặt trận Nusra có liên quan đến Al-Qaeda đã tuyên bố tách ra khỏi liên minh nổi dậy được phương Tây hậu thuẫn và thành lập một liên minh mới trong khuôn khổ của đạo Hồi. Đây được xem là khởi đầu của tiến trình “không đánh mà tự diệt” của phe nổi dậy. 30 nhóm vừa cắt đứt quan hệ với lực lượng nổi dậy được xem là tương đối nhỏ hơn và ít ảnh hưởng hơn so với 13 nhóm đầu tiên.
PHƯƠNG LINH(biên soạn)