Các chính sách hỗ trợ người nghèo trong dịch bệnh COVID-19 đang ngày càng đa dạng, không chỉ hỗ trợ khẩn cấp mà còn nhiều chính sách hỗ trợ sinh kế, việc làm, ưu đãi vay vốn để thoát nghèo.
Cây “ATM gạo” hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)
Năm nay, tháng cao điểm "Vì người nghèo" diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động nặng nề đến người nghèo, hộ gia đình khó khăn khiến nhiều lao động bị mất việc làm, không có thu nhập để bảo đảm cuộc sống. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cũng vì thế mà đang thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế hơn.
Tiếp sức cho người nghèo trong đại dịchTháng cao điểm “Vì người nghèo” bắt đầu từ 17.10.2021 đến 18.11.2021 do MTTQ Việt Nam phát động là phong trào nhằm tạo nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người bị thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai.
Các hoạt động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2021 nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức và hành động tích cực tham gia hưởng ứng Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”, vận động ủng hộ các nguồn lực cùng với ngân sách nhà nước hỗ trợ cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương
MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết năm nay việc tổ chức vận động được thực hiện theo hướng đối với các tỉnh, thành phố trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 phải thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh (tính từ ngày 27.4.2021) thì tiếp tục vận động nguồn lực ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19.
“Đối với các tỉnh, thành phố trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 chưa phải thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh, thành phố thì tổ chức vận động ủng hộ Quỹ ‘Vì người nghèo’ để có thêm nguồn lực chăm lo cho người nghèo vượt qua đại dịch,” ông Lê Tiến Châu cho hay.
Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương
MTTQ Việt Nam, phương châm để kêu gọi, ủng hộ cho người nghèo năm nay không nhất thiết là phải ủng hộ vào Quỹ vì người nghèo mà có thể đóng góp bằng kinh phí, bằng hiện vật. Ai có gì thì ủng hộ cái đó, chia sẻ cho các địa phương đang gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 và thực hiện theo đúng mục tiêu là không để bất cứ người nghèo nào, người khó khăn nào mà không được quan tâm, hỗ trợ; góp phần để làm ấm lòng những hộ gia đình khó khăn có những động lực, có niềm tin để vươn lên trong cuộc sống.
Cùng với tổ chức vận động đóng góp ủng hộ, trong Tháng cao điểm “Vì người nghèo”,
MTTQ các cấp sẽ tổ chức các hoạt động từ thiện, nhân ái, tặng quà cho các hộ nghèo, cận nghèo người gặp thiên tai hoạn nạn bằng hiện vật như tặng lương thực, thực phẩm, cây, con giống, vật tư sản xuất, vật liệu sửa chữa nhà ở, sách giáo khoa, thiết bị học tập trực tuyến, quần áo ấm... và tổ chức tọa đàm, biểu dương các hộ gia đình có nhiều cố gắng thoát nghèo để khích lệ thoát nghèo bền vững.
Trao sinh kế, tạo việc làm để thoát nghèoNăm nay, bên cạnh việc hỗ trợ khẩn cấp để người nghèo vượt qua đại dịch, các địa phương đang hướng đến hỗ trợ bằng việc trao sinh kế, tạo việc làm để người dân có thể sớm ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Là thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, TP Hồ Chí Minh đang triển khai các chính sách hỗ trợ sinh kế để người dân thoát nghèo bền vững. Bên cạnh các chương trình hỗ trợ khẩn cấp cho người nghèo, Ủy ban
MTTQ TP Hồ Chí Minh vừa trao tặng 30 phương tiện làm ăn, phương tiện sinh hoạt cho người khuyết tật, người nghèo.
TP Hồ Chí Minh trao tặng phương tiện sinh kế cho người dân trong chương trình an sinh. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Chủ tịch Ủy ban
MTTQ TP Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu cho biết nhằm đẩy mạnh các hoạt động chăm lo người nghèo, thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố, trong "Tháng hoạt động cao điểm vận động, chăm lo người nghèo" từ ngày 17.10 đến 18.11, Ủy ban
MTTQ TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung trao tặng kinh phí xây dựng nhà ở, phương tiện sinh kế cho người nghèo có điều kiện sớm ổn định, vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho rằng công tác giảm nghèo bền vững trong giai đoạn hiện nay là một thách thức lớn, có tác động không nhỏ đến vấn đề an sinh xã hội. Thời gian qua, bằng những việc làm thiết thực, các cấp chính quyền, mặt trận tổ quốc của thành phố đã phối hợp vận động đóng góp hàng chục tỷ đồng để chăm lo hộ gia đình chính sách, hộ nghèo trong dịch COVID-19.
"Tuy nhiên, các đợt hỗ trợ chỉ mang ý nghĩa hỗ trợ khẩn cấp cho người dân khó khăn vượt qua lúc bức bách, ngặt nghèo. Vấn đề quan trọng là phải tập trung tạo công ăn việc làm như việc trao phương tiện để từ đó người dân có điều kiện nỗ lực vươn lên thoát nghèo,” ông Lê Minh Tấn nhấn mạnh.
Trong bối cảnh dịch bệnh, người nghèo càng bị tác động dữ dội, những hộ nghèo, hộ cận nghèo không có tích lũy vì thế nguy cơ nghèo, tái nghèo là điều khó tránh khỏi. Một nghiên cứu mới đây do Trung tâm Phân tích và Dự báo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) thực hiện cho thấy tỷ lệ nghèo về thu nhập tạm thời đã tăng từ mức 10% trước đại dịch lên 33,4% vào tháng 08 năm 2021 (dựa trên chuẩn nghèo 2021-2025 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành).
Để hỗ trợ khẩn cấp cho người dân, Chính phủ đã triển khai Nghị quyết 68 với gói hỗ trợ lên tới 26.000 tỷ đồng hay mới đây là gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19. Chính quyền các tỉnh, thành phố cũng trích ngân sách địa phương có nhiều gói hỗ trợ người dân để vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội đều có các hoạt động thiết thực hỗ trợ những người khó khăn, yếu thế, người lao động tại các khu nhà trọ bị mất việc làm.
Bên cạnh việc hỗ trợ khẩn cấp, các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo dài hơi hơn cũng đang được các cơ quan chức năng triển khai.
Nhằm tiếp sức thêm cho người nghèo vượt qua khó khăn do COVID-19, Ngân hàng chính sách xã hội đang xây dựng kế hoạch giảm 10% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Số tượng tiền lãi hỗ trợ trong 3 tháng cuối năm dự kiến là hơn 432 tỷ đồng cho khoảng 6,4 triệu đối tượng. Mới đây, Bộ Tài chính và một số bộ, ngành liên quan cũng đề xuất gói hỗ trợ 3.500 tỷ để mang máy tính đến với học sinh, sinh viên nghèo...
Có thể thấy, các chính sách hỗ trợ người nghèo đang ngày càng đa dạng để phù hợp với tình hình khó khăn do COVID-19. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, để chăm lo tốt cho người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau còn rất sự chung tay, góp sức nhiều hơn nữa của cả xã hội để họ vươn lên vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Theo Vietnam+