Tháng bảy về, mỗi người dân Việt Nam đều cảm thấy một chút nao nao trong lòng. Thời gian dần trôi theo năm tháng nhưng sự mất mát hy sinh của những thương binh, liệt sĩ, những người con Việt Nam anh dũng quả cảm thì không phai mờ theo tháng năm. Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhân dân ta luôn ghi nhớ và biết ơn họ.
Thời điểm này các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc đều được sửa sang. Nghĩa trang liệt sĩ là nơi vinh danh những anh hùng, những liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh. Mỗi ngôi mộ là một đồng chí, một câu chuyện, một cuộc đời. Họ ra đi và chiến đấu, họ anh dũng hy sinh cho Tổ quốc, bao nhiêu mơ ước khát vọng, bao nhiêu tình cảm hoài bão của họ ở đây, dưới những nấm mồ...
Chúng tôi đi không tiếc đời mình
Tuổi hai mươi làm sao không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?
Những đồng chí ấy biết rõ giá trị tuổi hai mươi của mình. Nhưng, Tổ quốc còn đang trong cơn nguy biến, cần đến sự dốc sức của tất cả mọi người, họ sẵn sàng gác lại ước mơ của mình, sẵn lòng hy sinh không chỉ mơ ước mà còn cả cuộc đời, tính mạng mình nếu như đất nước cần. Chúng ta đã từng chứng kiến biết bao bác sĩ, kỹ sư, bao nhiêu sinh viên đại học hay cả những thanh niên vừa mới có giấy báo trúng tuyển đại học sẵn lòng gác lại ước mơ về tương lai của mình, cầm súng ra tiền tuyến; bao nhiêu thanh niên gác lại ước mơ hạnh phúc, bỏ lại giếng nước, gốc đa, bỏ lại người vợ trẻ "mòn chân bên cối gạo canh khuya", bỏ lại sau lưng "thềm nắng lá rơi đầy" để thực hiện nghĩa vụ với quê hương. Những tấm lòng ấy thật đáng vinh danh biết bao. Và những ngày này là dịp để nhân dân cả nước tỏ lòng tri ân của mình với những người con anh dũng của dân tộc.
Hoà bình đã trở lại hơn ba mươi năm, nhưng ký ức về những ngày tháng gian khổ mất mát không bao giờ phai trong lòng mọi người. Thời gian này, từ Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn đến những nghĩa trang liệt sĩ lớn nhỏ ở khắp các tỉnh, thành phố đều nghi ngút khói hương. Mọi người đến kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Một phần trong dòng người viếng thăm các nghĩa trang liệt sĩ là những chiến sĩ năm xưa đi tìm lại ký ức của mình, ký ức về một thời oanh liệt. Họ trầm ngâm hàng giờ, hồi tưởng lại từng gương mặt đồng đội, muốn nghe lại những giọng nói thân thương của các anh, nhớ lại năm tháng chung nhau từ bức thư nhà, "bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng", khó khăn gian khổ nhưng vẫn ca vang "cuộc đời vẫn đẹp sao!". Năm tháng ấy, ai đã trải qua, không dễ gì quên được. Thế mà bây giờ, ai còn ai mất, người còn sống tiếc thương những đồng đội đã khuất, đồng đội này ngã xuống vào trận đánh ở Vĩnh Linh, đồng đội khác ở chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị.... Đến viếng nghĩa trang còn là con cháu của những người đã khuất, họ đến đây thắp nén nhang thơm cho cha ông, để cảm thấy tự hào về cha ông mình và thầm nhắc nhở bản thân phải biết ơn những người đã ngã xuống, đóng góp những chiến công oanh liệt và thầm lặng. Ta còn có thể bắt gặp hình ảnh những trẻ nhỏ theo cha mẹ tới đây, thành kính thắp hương cho từng hàng mộ, lắng nghe cha mẹ giảng giải về lịch sử, về công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ với cuộc sống thanh bình hôm nay.
Tháng bảy về, những ký ức xưa cũ và oanh liệt ùa về trong lòng mỗi người. Để có được những chiến công vang dội ấy là sự hy sinh mất mát của bao người con anh dũng của Tổ quốc, bao nhiêu gia đình yêu nước, bao nhiêu đơn vị, địa phương anh hùng. Chúng ta, những người con của Tổ quốc hôm nay không chỉ quyết tâm xây dựng đất nước giàu đẹp để xứng đáng với công lao của cha ông mà còn hết lòng tri ân với thế hệ những người đi trước, những người tạo nền tảng cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay.
Tản bút củaVIỆT QUỲNH