Tháng 8 về nơi khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên 

19/08/2022 07:45

77 năm đã trôi qua nhưng khí thế về ngày khởi nghĩa giành chính quyền vẫn sục sôi trong các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Cẩm Giàng mỗi khi nhớ lại sự kiện trọng đại này. 


Ông Trần Quang Thông, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ thị trấn Cẩm Giàng cùng các cán bộ địa phương ôn lại lịch sử cuộc khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 ngay tại nơi từng là huyện đường Cẩm Giàng

5 hướng tấn công

Thị trấn Cẩm Giang là nơi đầu tiên khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Dương. Những ngày này, khắp các đường làng, ngõ xóm, cờ Tổ quốc tung bay phấp phới như nhắc nhớ thế hệ hôm nay về một thời lịch sử vàng son của quê hương, dân tộc. 

Cứ mỗi độ tháng 8 đến, trong lòng ông Trần Quang Thông (sinh năm 1949), nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ thị trấn Cẩm Giàng (nay là thị trấn Cẩm Giang) lại rạo rực niềm vui, tự hào. Suốt nhiều năm trước, ông Thông cùng một số người am hiểu lịch sử đã dày công tìm hiểu, sưu tầm tài liệu về ngày khởi nghĩa giành chính quyền tại thị trấn Cẩm Giàng năm 1945 để phục vụ biên soạn cuốn lịch sử địa phương. Ông cho biết từng được nghe một số người trực tiếp tham gia cuộc khởi nghĩa kể lại thời khắc quan trọng ấy. Từ những thông tin có được, ông Thông còn vẽ được tấm bản đồ mô tả 5 hướng tấn công của Mặt trận Việt Minh và quần chúng cách mạng vào huyện đường tại thị trấn Cẩm Giàng, gồm: Ngọc Liên - Cẩm Hưng - Thạch Lỗi - Cẩm Hoàng - Kim Giang. “Huyện đường ngày ấy nằm gần khu vực đường tàu, thuộc khu Trường Tiểu học thị trấn Cẩm Giang và một số vùng lân cận ngày nay. Nghe các cụ kể từ lâu mà giờ mỗi lần nhớ lại vẫn cảm nhận được khí thế cách mạng sục sôi và thấy tự hào về quê hương”, ông Thông nói.

Ngày 17.8.1945, huyện Cẩm Giàng khởi nghĩa, mở đầu cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Dương. Theo lịch sử Đảng bộ huyện Cẩm Giàng và cuốn “Đất và người Cẩm Giàng”, ngày ấy dưới sự lãnh đạo của Chi bộ huyện Cẩm Giàng, trực tiếp là Mặt trận Việt Minh, quần chúng tự vệ kéo từ nhiều hướng tiến vào huyện đường tại thị trấn Cẩm Giàng thu vũ khí, sổ sách, triện bạ của chính quyền thực dân. Tri huyện Nguyễn Thiện Thuật hoảng sợ, tháo chạy…

Bài “Những ngày cách mạng sục sôi” của tác giả Phạm Văn Bút đăng trên cuốn “Thị trấn Cẩm Giàng - 50 năm xây dựng và phát triển” ghi lại lời kể của bà Ba Miễn, Bí thư Chi bộ đầu tiên của huyện Cẩm Giàng về cuộc khởi nghĩa. Bài viết có đoạn: “Cán bộ chúng tôi đi sát phổ biến cho quần chúng nắm được ngày giờ khởi nghĩa để phối hợp thật sát sao. Lực lượng của ta tiến vào huyện đường, thu chiếm lợi phẩm gồm 15 khẩu súng, công văn giấy tờ và 2 con lợn… Đêm hôm đó, anh em tự vệ giải tên Thuật về. Nó trốn xuống thuyền định chuồn qua Hải Dương nhưng đến Mao Điền thì bị ta tóm. Khởi nghĩa thắng lợi, nhân dân vui sướng không sao tả được. Họ vây kín huyện đường vỗ tay, reo hò vang dậy. Đó là những chuyện chưa bao giờ thấy ở người dân Cẩm Giàng…”.

Sau Cẩm Giàng, nhân dân khắp nơi trong tỉnh Hải Dương cũng nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Hải Dương thắng lợi chiều 17.8.1945. 

Phát huy truyền thống

Thị trấn Cẩm Giang nay đã thay da đổi thịt, trở thành một trong những địa phương phát triển ở Cẩm Giàng. Đi trên con đường trục trung tâm vừa được đổ nhựa phẳng lì, hai bên là nhà cửa cao tầng san sát, Bí thư Đảng uỷ thị trấn Cẩm Giang Phạm Thanh Tùng nói: “Truyền thống cách mạng được gìn giữ, phát huy, chính là động lực to lớn giúp cán bộ và nhân dân địa phương chúng tôi đoàn kết vượt qua nhiều khó khăn để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Những ngày mùa thu tháng 8, người Cẩm Giàng rạo rực niềm vui, tự hào về truyền thống cách mạng. Đồng chí Đoàn Đình Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện khẳng định người dân Cẩm Giàng từ đời này qua đời khác luôn biết trân trọng, gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng. Trải qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hàng nghìn người trong huyện đã lên đường tòng quân đánh giặc. Huyện có 2.475 liệt sĩ, 1.372 thương binh, bệnh binh, 221 Bà mẹ Việt Nam anh hùng…

Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ huyện Cẩm Giàng đã và đang lãnh đạo nhân dân vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đoàn kết xây dựng quê hương đạt nhiều thành tựu về mọi mặt. Kinh tế của huyện tăng trưởng vượt bậc. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm... phát triển đồng bộ. Cẩm Giàng là địa phương phát triển công nghiệp mạnh của tỉnh với 7 khu công nghiệp, 4 cụm công nghiệp và hơn 500 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm cho hàng vạn người dân. Năm 2018, huyện về đích nông thôn mới, sớm 2 năm so với mục tiêu. 

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháng 8 về nơi khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên