Những ngày tháng 2 lịch sử, nhắc về cuộc chiến biên giới phía Bắc 43 năm về trước không phải khơi lại hận thù, mất mát, mà để tri ân những người đã không tiếc máu xương và tuổi trẻ bảo vệ miền biên cương Tổ quốc!
Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, nơi yên nghỉ của 1.850 anh hùng liệt sĩ
Tháng 2, những vạt đào rừng nở muộn vẫn bừng sáng suốt dải biên cương phía Bắc. Nơi ấy tròn 43 năm về trước, với khí thế của những Chi Lăng, Bạch Đằng lịch sử, quân và dân ta đã anh dũng đẩy lùi cuộc chiến tranh phi nghĩa do nhà cầm quyền Trung Quốc gây ra.
"Ta chưa về khi Tổ quốc chưa yên"
Rạng sáng 17.2.1979, nhà cầm quyền Trung Quốc bất ngờ phát động chiến tranh, đồng loạt tấn công xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, thì ngay đêm đó, ông Hoàng Văn Động, sinh năm 1959, nay là hội viên Hội Cựu chiến binh thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) cùng đơn vị từ Chí Linh cấp tốc hành quân lên biên giới. Khi ấy, ông Động là lính thông tin phòng không của Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 327. Đoàn quân mải miết xuyên mưa, xuyên giá rét qua Bắc Giang, men theo quốc lộ 1 rồi ngược lên phía Bắc. Cũng ngay đêm đó, ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” của nhạc sĩ Phạm Tuyên ra đời: Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới/ Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới... như thúc giục các chàng trai, cô gái hừng hực khí thế lên đường.
Ông Động kể, đoàn hành quân đến Na Dương, Lộc Bình (Lạng Sơn) khi trời tờ mờ sáng và lập tức thiết lập trận địa pháo phòng không. Dù lùi sâu yểm trợ lực lượng bộ binh đang trực tiếp chiến đấu ở tiền phương, nhưng Tiểu đoàn 14 đã bị thiệt hại nặng nề bởi pháo binh Trung Quốc. Anh Sĩ, người Thái Bình, Đại đội trưởng của ông Động hy sinh ngay bên mâm pháo. Đến năm 1982, khi tiếng súng thưa dần, ông Động mới trở về. Suốt 43 năm qua, ông Động vẫn nhớ như in những bữa cơm vương mùi thuốc súng dưới tầm đạn quân thù, nhớ gương mặt trai trẻ của những người đồng đội cùng một chiến hào. Và ông luôn đau đáu vì chưa được một lần trở lại Na Dương để chứng kiến chiến trường xưa hồi sinh sau cuộc chiến.
Khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, ông Nguyễn Văn Thanh, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) đang là chiến sĩ đặc công biệt động 1 thuộc Binh chủng Đặc công. Lúc này, đơn vị ông đang làm nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam đã theo đoàn quân chủ lực ngược ra phía Bắc. Làm nhiệm vụ luồn sâu qua biên giới, không trực tiếp chiến đấu, song ông Thanh vẫn nhớ những làng mạc, những con đường bị tàn phá khi quân địch đi qua, hay hình ảnh đi ngược với những đoàn quân lên biên giới là những đoàn người lặng lẽ sơ tán về xuôi.
Nhập ngũ năm 1972, đi suốt Trung Lào, Hạ Lào rồi lại ngược ra các tỉnh biên giới phía Bắc, ông Thanh bảo, khi quân chủ lực ở biên giới Tây Nam đã hy vọng một ngày trở về quê hương sau bao năm đi qua khói đạn chiến tranh chống Mỹ thì lại xảy ra cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc. Gác lại nỗi nhớ quê nhà, những người lính lại lên đường với tâm thế "Ta chưa về khi Tổ quốc chưa yên". Những người đi qua 2 cuộc chiến như ông nhiều lắm. Đồng đội, đồng hương của ông nhiều người tòng quân lên biên giới phía Bắc vào mùa xuân ấy, có người mãi mãi dừng lại ở tuổi 20 yêu dấu, có người trở về nhưng gửi lại một phần máu thịt trên rẻo đất biên cương phía Bắc.
"Dòng tên anh khắc vào đá núi"
Năm 1979, trên suốt chiều dài 1.200 km từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh), các trận chiến ác liệt xảy ra trong 30 ngày đêm đỏ lửa và kéo dài suốt 10 năm sau đó. Cuộc chiến tranh đẩy lùi quân Trung Quốc xâm lược đã ghi nhận sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ thuộc 32 tỉnh, thành phố từ Bình Trị Thiên trở ra phía Bắc, trong đó có nhiều bộ đội chủ lực, cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ, dân công hỏa tuyến người Hải Dương.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, Vị Xuyên (Hà Giang) là chiến trường khốc liệt nhất, khi chúng ta hứng chịu hàng loạt trận tấn công ồ ạt, cấp tập của địch. Nằm cạnh quốc lộ 2, cách TP Hà Giang khoảng 18 km về phía Hà Nội, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên được xây dựng trên diện tích 1,2 ha, đã trở thành mái nhà chung của 1.850 anh hùng liệt sĩ. Do địa hình phức tạp, nhiều khu vực vẫn còn bom mìn sót lại nên việc quy tập hài cốt liệt sĩ rất khó khăn. Nhiều người còn nằm lại khắp các con sông, dòng suối hay trên những dãy núi tai mèo hiểm trở. Vì thế, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên đang được mở rộng để tiếp tục đón các anh, các chị trở về.
Theo Ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, tại đây hiện có hơn 400 ngôi mộ chưa xác định được thông tin, 1 ngôi mộ liệt sĩ tập thể hy sinh tại Hang Sập, bình độ 400, thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên). Trong hàng nghìn ngôi mộ đó, có liệt sĩ Nguyễn Đình Doanh, quê xã Phượng Hoàng, nay là An Phượng (Thanh Hà); liệt sĩ Nguyễn Văn Đức, ở xã Nhật Tân (Gia Lộc)... Các anh nằm lại biên cương khi là những chàng trai mười tám, đôi mươi. Máu xương của các anh đã hòa vào dòng sông Lô lịch sử, tạc thêm vào dáng hình hiên ngang của dãy Tây Côn Lĩnh linh thiêng và hùng vĩ.
Chiều tháng 2 biên giới, trong mịt mờ khói hương trầm ấm áp, đâu đó vang lên những câu thơ: Mênh mông trên những triền đồi/ Trập trùng bia mộ dưới trời lặng yên/ Mộ có tên mộ không tên/ Nối nhau dằng dặc ở trên đất này... Chiến tranh đã lùi xa, biên giới quốc gia đã được xác lập bằng máu xương và tinh thần quả cảm của hàng vạn đồng bào, chiến sĩ. Những ngày tháng 2 lịch sử, nhắc về cuộc chiến 43 năm trước không phải khơi lại hận thù, mất mát, mà để tri ân những người đã không tiếc máu xương và tuổi trẻ bảo vệ miền biên cương Tổ quốc!
TIẾN HUY