Trước khi Quốc hội (QH) khóa 13 thông qua bản Hiến pháp năm 2013, chúng ta cũng đang thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường ở 10 tỉnh, thành phố.
Bộ Nội vụ đã có những ý kiến đánh giá rằng việc bỏ HĐND ở quận, huyện, phường là hiệu quả, góp phần giảm biên chế. Nhưng sau đó, QH khóa 13 đã rất sáng suốt quyết định phải giữ nguyên mô hình HĐND ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Không những thế, QH đã quyết định tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách ở cả 3 cấp, nâng cấp vị trí Ủy viên Thường trực HĐND ở cấp tỉnh và cấp huyện lên thành Phó Chủ tịch HĐND, tăng số lượng trưởng, phó ban chuyên trách ở cấp tỉnh và cấp huyện. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã quy định 2 Phó Chủ tịch HĐND, mỗi ban có 2 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách, đồng nghĩa với việc tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách trong tổ chức bộ máy của HĐND các cấp.
Ở địa phương chúng ta vẫn nói rằng: “Tất cả ở xã, vất vả ở huyện, lắm chuyện ở tỉnh”. Các khiếu kiện của nhân dân nếu có thì tuyệt đại đa số đều xuất phát từ cơ sở, có liên quan đến chính quyền địa phương. Nay nếu ta cắt giảm số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND đi thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta làm suy yếu cơ quan đại diện của nhân dân. Tôi đề nghị Chính phủ cần đánh giá tác động của quy định tăng thêm Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, huyện, Phó Trưởng ban HĐND một cách nghiêm túc và khách quan. Đồng thời, cân nhắc kỹ lưỡng việc sửa đổi về tổ chức chính quyền địa phương khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới thực hiện được hơn nửa nhiệm kỳ. Phải chỉ ra được cái được và cái mất của việc tăng, giảm là gì để các đại biểu QH có cơ sở, căn cứ để quyết định.
Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương nêu rõ: Nghiên cứu, thực hiện giảm hợp lý số lượng đại biểu HĐND các cấp và giảm đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, Nghị quyết 18 không chỉ đích danh giảm đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Bộ Nội vụ cho rằng Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định số lượng Phó Trưởng các Ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chuyên trách đã làm tăng biên chế của chính quyền địa phương trong bối cảnh cả nước thực hiện Nghị quyết của Trung ương về tinh giản biên chế. Vấn đề là giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp hay giảm đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách?
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định 2 Phó Chủ tịch HĐND, thực chất là không tăng thêm so với Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003. Chức danh Ủy viên Thường trực HĐND các địa phương phản ánh là “chơi vơi” không rõ thẩm quyền nên được nâng lên thành Phó Chủ tịch. Điều đó khẳng định chức năng, nhiệm vụ của HĐND, Thường trực HĐND được bổ sung rất nhiều, tính chuyên sâu, chuyên nghiệp được nâng lên. Những năm qua, chức danh Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện thường do Bí thư cấp ủy hoặc Phó Bí thư thường trực kiêm nhiệm. Do đó, cần giữ nguyên 2 Phó Chủ tịch HĐND như hiện nay mới bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định các Ban HĐND là cơ quan của HĐND, điều đó khẳng định rõ địa vị pháp lý và tạo điều kiện về đại biểu hoạt động chuyên trách (Trưởng ban có thể hoạt động chuyên trách và 2 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách). Nay nếu quy định còn 1 Phó Trưởng ban chuyên trách thì lại quay về Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, một Phó Trưởng ban khó có thể đảm nhiệm được khối lượng công việc rất lớn, chủ yếu vẫn do đại biểu chuyên trách làm.
Để tinh gọn thì cần đánh giá lại khách quan cả bộ máy nhà nước, cả hệ thống chính trị, những nơi nào cần giảm, đáng giảm thì phải cương quyết giảm, còn những thiết chế như QH, HĐND thì không những không giảm mà còn cần phải tăng cường thêm đại biểu chuyên trách, nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường tính chuyên nghiệp, chuyên sâu của đại biểu và các cơ quan giúp việc để bảo đảm hiệu quả giám sát, thẩm tra, bảo đảm thực quyền của các cơ quan dân cử. Do vậy, tôi đề nghị QH cần hết sức thận trọng trong việc cắt giảm đại biểu HĐND chuyên trách các cấp.
HOÀNG QUỐC THƯỞNG
Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương