Dù có nhiều cảnh báo, khuyến cáo trong sử dụng kính áp tròng nhưng nhiều người, nhất là giới trẻ vẫn vô tư dùng vật dụng này như một phụ kiện thời trang thay vì sản phẩm y tế điều trị tật khúc xạ cho mắt. Điều này có thể dẫn tới nguy hại khó lường.
Trào lưu chưa lỗi mốt
Là học sinh THPT, mới phát hiện bị cận thị nhưng bạn Nguyễn Diệu Anh ở TP Hải Dương đã sở hữu cả một bộ sưu tập kính áp tròng với nhiều loại khác nhau. Vốn là người quan tâm, chú trọng tới nhan sắc, ngoại hình nên khi bị cận, Diệu Anh cảm thấy tự ti và áp lực vì phải đeo kính gọng. Vì thế, bạn lựa chọn kính áp tròng như công cụ cứu cánh.
Mới đầu, Diệu Anh chỉ đeo kính áp tròng để nhìn rõ hơn nhưng sau khi tìm hiểu sâu hơn, thấy được sự đa năng của loại kính này. Diệu Anh khoe: “Em có nhiều loại kính áp tròng. Ngoài chữa cận thị, kính áp tròng còn có thể điều chỉnh kích cỡ mắt và thay đổi màu mống mắt. Quan trọng hơn cả là kính áp tròng giúp em tự tin, thoải mái trong cuộc sống hằng ngày”.
Thực tế, không phải bây giờ kính áp tròng mới thịnh hành mà đã xuất hiện hơn 10 năm trước. Nhiều người bị tật khúc xạ về mắt tìm đến kính áp tròng không chỉ để cải thiện tầm nhìn mà còn vì thẩm mỹ. Hiện nay, kính áp tròng có mẫu mã đa dạng, giá cả phải chăng, chỉ từ 50.000-500.000 đồng/cặp (trừ kính cứng phục vụ điều trị) nên được ưa chuộng. Vì vậy, dù là xu hướng làm đẹp đã lâu nhưng kính áp tròng vẫn chưa bị lỗi mốt.
Chị Nguyễn Thị Chi, 33 tuổi ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) sử dụng kính áp tròng gần 10 năm nay. Bị cận thị từ khá sớm song khi biết tới kính áp tròng thì chị Chi đã bỏ kính gọng để dùng loại này. Chị Chi cho hay kính gọng ngoài thiếu thẩm mỹ còn rất bất tiện. Vui chơi ngoài trời hay hoạt động thể thao đeo kính gọng không thoải mái, luôn phải dè chừng vì sợ rơi kính. Đi dưới trời mưa, mắt kính bị mờ khiến quan sát khó khăn. “Lúc mới dùng kính áp tròng, tôi cũng lóng ngóng vì thấy phức tạp. Thế nhưng lâu dần thành quen, quen rồi thành nghiện. Giờ tôi dùng kính như phụ kiện thời trang. Mỗi ngày đổi một loại, thay đổi màu mắt để phù hợp với trang phục”, chị Chi chia sẻ.
Không chỉ các bạn nữ có nhu cầu dùng kính áp tròng mà ngay cả nam giới cũng hứng thú với loại kính này. Anh Nguyễn Văn Mạnh, 23 tuổi ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) bị cận thị khá nặng. Vì thế, anh Mạnh khó chịu khi phải đeo cặp kính dầy. Kính áp tròng đã giải quyết được nhược điểm của kính gọng nên anh rất thích. Trước khi sử dụng kính áp tròng, anh Mạnh cũng tham khảo phương pháp chữa cận thị bằng cách phẫu thuật. Dù vậy, khi đọc các thông tin mổ cận có thể gây nhiều biến chứng, lại dễ tái cận nên anh chọn đeo kính áp tròng. Anh Mạnh cho biết mới đầu còn ngại ngùng và dè dặt khi dùng kính áp tròng vì luôn phải vệ sinh kính. Về sau khi đã thành thạo các thao tác đeo, tháo kính thì thấy sử dụng đơn giản.
Điều đáng nói, một số người dù không bị cận song có thói quen sử dụng kính áp tròng như phụ kiện làm đẹp. Trước đây, chị Nguyễn Bích Hạnh, 30 tuổi ở xã Thanh Hải (Thanh Hà) luôn tự ti về đôi mắt một mí và màu mắt nâu của mình. 5 năm trước trong một lần chụp ảnh kỷ niệm với bạn bè, chị được nhân viên trang điểm gợi ý dùng kính áp tròng sẽ khiến mắt to, long lanh, màu mắt đẹp hơn. Sau lần đó, chị sử dụng kính áp tròng nhiều hơn để tự tin trong giao tiếp, làm việc với đối tác.
Nguy hại được báo trước
Dù là trào lưu, xu hướng làm đẹp nhưng trong quá trình sử dụng, kính áp tròng gây ra không ít phiền toái cho người dùng. Từ những biểu hiện khó chịu ban đầu, về lâu dài có thể gây ra những hiểm hoạ khó lường cho đôi mắt.
Khi dùng kính áp tròng, chị Hạnh đôi lúc cảm thấy cộm mắt, chảy nước mắt. Song vì ưu điểm mà loại kính này mang lại nên chị sẵn sàng đánh đổi. Hồi đầu năm 2023, khi mắt đỏ hoe, sưng tấy, khó chịu, chị đi khám tại bệnh viện chuyên khoa thì được chuẩn đoán bị viêm giác mạc. Nguyên nhân do sử dụng kính áp tròng thường xuyên. “Sau khi điều trị khỏi, tôi đã hạn chế đeo kính áp tròng. Tuy nhiên, khi có sự kiện quan trọng, tôi vẫn dùng đến loại kính này để che khuyết điểm nhưng thận trọng hơn trong sử dụng”, chị Hạnh nói.
Anh Phạm Văn Dương, chủ cửa hàng kính mắt ở đường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) có thâm niêm, kinh nghiệm và kiến thức về các sản phẩm kính mắt. Anh Dương cho hay cửa hàng của anh đang phân phối, bán nhiều loại kính áp tròng từ kính trắng, kính màu, giãn tròng… Khách hàng chọn loại kính này chủ yếu là giới trẻ. Thế nhưng, anh luôn tư vấn chỉ sử dụng kính áp tròng trong trường hợp thật sự cần thiết, chứ không nên lạm dụng. Để bảo vệ mắt thì kính gọng vẫn là giải pháp tối ưu. Mặt khác, nguồn gốc, xuất xứ của kính áp tròng cũng là điều đáng bàn. Hiện nhiều cửa hàng lưu niệm, mỹ phẩm cũng bày bán kính áp tròng với giá rẻ, phù hợp với túi tiền học sinh, sinh viên. Những loại kính áp tròng không được kiểm định chất lượng làm gia tăng nguy cơ gây hại cho mắt khi sử dụng.
Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương tiếp nhận nhiều người tới điều trị mắt trong tình trạng viêm, loét, thủng giác mạc do sử dụng kính áp tròng. Đa số các trường hợp tìm đến bệnh viện tư vấn, điều trị khi tình trạng bệnh đã nặng. Do đó, việc điều trị phức tạp và thời gian phục hồi cũng lâu hơn. Nguy hiểm hơn khi có trường hợp bị nhiễm amip ăn giác mạc vì dùng kính áp tròng. Loại bệnh này có thể gây mù loà nếu không được điều trị kịp thời.
Theo bác sĩ Trần Thị Tuyến, Trưởng Khoa Khám bệnh cấp cứu (Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương), hiện kính áp tròng được sử dụng với hai mục đích chữa cận thị và tăng độ thẩm mỹ. Kính chữa cận thị phải được khuyến cáo sử dụng theo lộ trình, dưới sự giám sát, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Có trường hợp giảm thị lực cũng không thể đeo kính áp tròng do có thể gây dị ứng, viêm nhiễm. Loại kính này được chỉ định cho người có đôi mắt khoẻ, không bị viêm, khô mắt. Các bác sĩ cũng khuyến cáo nếu bị tật khúc xạ thì kính gọng vẫn là giải pháp tối ưu, trừ trường hợp bắt buộc không thể dùng kính gọng.
Kính áp tròng được dùng với mục đích thẩm mỹ thường có chất liệu kém nên khi tiếp xúc trực tiếp với mắt có thể gây xước giác mạc hoặc các bệnh lý nặng hơn. Mặt khác, nếu dùng kính áp tròng trong thời gian dài sẽ gây thiếu oxy cho giác mạc. Thời gian sử dụng kính áp tròng trong 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 1 năm, 3 năm… Với kính áp tròng thời trang thường chỉ dùng trong 1 ngày. Tuy vậy, không ít bạn trẻ tiếc tiền, giữ lại sử dụng nhiều lần. Thậm chí, có người còn quên không tháo kính, vẫn đeo qua đêm. Điều này rất nguy hiểm.
Kính áp tròng được cung cấp bởi các cơ sở y tế, địa chỉ tin cậy cũng không thể bảo đảm an toàn cho mắt vì còn phụ thuộc vào người sử dụng. Quá trình lắp, tháo kính không cẩn thận sẽ làm trầy xước mắt, nặng hơn sẽ thành sẹo, gây viêm loét giác mạc. Ngoài ra, vệ sinh kính không theo đúng hướng dẫn thì khả năng mắt bị nhiễm nấm, vi khuẩn, virus từ dung dịch rửa kính rất cao. Do đó, dù kính áp tròng có bảo đảm chất lượng thì vẫn có nguy cơ gây tổn hại cho mắt.
Kính áp tròng (còn được gọi là lens, kính tiếp xúc) là loại kính ôm sát vào giác mạc, hình chảo, có độ cong phù hợp với giác mạc và không cần gọng đỡ. Nếu đeo kính không đúng cách có thể khiến giác mạc bị trầy xước, viêm loét hoặc nhiễm trùng. Kính khó đeo, đặc biệt là với những người lần đầu tiên sử dụng. Cần vệ sinh kính hằng ngày nên khá bất tiện với những người bận rộn, không có nhiều thời gian. Không được sử dụng kính đã quá hạn; vệ sinh tay sạch sẽ trước khi đeo kính.