Một loại thực vật đã tuyệt chủng, được cổ văn Ai Cập, Hy Lạp và La Mã mô tả là thần dược giúp tăng cường khả năng chăn gối và chữa bách bệnh, bất ngờ hồi sinh dưới chân một ngọn núi lửa.
Theo Ancient Origins, loài thực vật đó có tên là silphion (tên khoa học là Ferula drudeana, còn được gọi là lazewort hay silphium) từng được cả người Ai Cập, Hy Lạp và La Mã săn lùng. Nó được dùng để tạo ra một loại kẹo cao su vô cùng giá trị, vừa có tác dụng làm thuốc kích thích tình dục, vừa để tránh thai, ngoài ra còn được cho là chữa bách bệnh.
Cây Silphion hiện đại ở Thổ Nhĩ Kỳ và hình ảnh được mô tả trên một cổ vật - Ảnh: ANCIENT ORIGINS
Cây silphion với hoa màu vàng rực đặc trưng từng mọc khắp vùng Cyrene của Libya khoảng 2.500 trước và được nhà biên niên sử người La Mã Pliny the Elder mô tả chỉ tiết, kèm theo tiết lộ rằng Hoàng đế Nero lừng danh đã tiêu thụ những cây silphion cuối cùng trên thế giới.
Loài thực vật có giá trị cao này đã hoàn toàn biến mất khỏi thế giới cổ đại khoảng 2.000 năm về trước.
Thế nhưng mới đây, giáo sư Mahmut Miski, nhà thực vật học từ Đại học Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ, tuyên bố đã phát hiện ra silphion hồi sinh mạnh mẽ gần núi Hasan ở miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ.
Một quần thể "thần dược" silphion ở Thổ Nhĩ Kỳ, giấc mơ của nhiều thương nhân cổ đại - Ảnh: ANCIENT ORIGINS
Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã kiểm tra dược tính của những cây silphion thời hiện đại lên chuột và khẳng định chiết xuất từ cây này thực sự tăng cường hành vi tình dục. Tác dụng của loài cây này mạnh mẽ đến mức họ tuyên bố ủng hộ "cả hai tay" các tuyên bố cổ xưa về thần dược này.
Như vậy, loài thực vật này đã trở thành một trong những phương thuốc điều trị rối loạn chức năng tình dục cổ xưa nhất thế giới.
Theo một bài báo từ nhóm của giáo sư Miski đăng trên National Geographic, ngoài ứng dụng tăng cường chức năng tình dục, silphion còn được các thần thuốc Hy Lạp cổ đại dùng để trị đau dạ dày hoặc mụn cóc. Vào thời La Mã, nó được dùng làm gia vị cho một số món ăn.
Những cây silphion được cho là giá trị ngang với bạc và Hoàng đế Julius Caesar nổi tiếng của người La Mã đã tích lũy được một khối tài sản khổng lồ nhờ kinh doanh loại cây này.
Sau khi nó biến mất, nhiều cuộc thám hiểm đã được cố săn tìm một vùng đất mà họ hy vọng silphion còn ẩn nấp, nhưng đều vô vọng.
Thế nhưng gần 2.000 năm sau, vào năm 1983, giáo sư Miski đi bộ dưới chân núi Hasan, một ngọn núi lửa đang hoạt động ở vùng Cappadocia, miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ, ông bất ngờ thấy một thảm cây hoa vàng. Nhưng mãi hai thập kỷ sau ông mới nhận ra nó rất giống mô tả về silphion cổ đại và tìm cách nghiên cứu, chứng minh sự hồi sinh ngoạn mục này.
Theo Người lao động