Du lịch

Thăm lâu đài 900 tuổi, nơi ở của Napoléon

T.H (theo VnExpress) 26/05/2024 05:47

Lâu đài Fontainebleau, di sản văn hóa thế giới, có lịch sử lâu đời và thăng trầm bậc nhất nước Pháp, gắn liền với vị tướng nổi tiếng Napoléon.

Cầu thang hình móng ngựa nổi tiếng của lâu đài.
Cầu thang hình móng ngựa nổi tiếng của lâu đài

Fontainebleau được xây dựng lần đầu năm 1137 tại vùng quê cách trung tâm thủ đô Paris ngày nay khoảng 60 km. Trải qua gần 900 năm lịch sử, công trình này không ngừng được mở rộng, cải tạo, là nơi ở của 34 vị vua (king) và hai vị hoàng đế (emperor). Vì thế, nơi đây giữ vị trí quan trọng lịch sử đầy biến động của nước Pháp.

bo-thia-dia-va-coc-nuoc-ma-nap-5488-8811-1716375694.jpg
Bộ thìa dĩa và cốc nước Napoléon sử dụng khi hành quân

Rộng hơn Louvre, nhiều hiện vật hơn Versailles, nhưng xa trung tâm hơn nên Fontainebleau không hút khách như hai địa danh trên dù cả ba từng là lâu đài của các vị vua Pháp.

Từ trung tâm Paris, chúng tôi đi tàu điện ngầm đến Gare de Lyon (nhà ga trung chuyển lớn của thủ đô), rồi bắt tàu điện R-Gamo để đến ga Fontainebleau Avon. Ở đây có tuyến xe bus số 1 đến lâu đài. Tổng thời gian hết một tiếng rưỡi, gồm cả đi bộ vào lâu đài. Cơ hội được đến thăm nơi ở của Napoléon không phải lúc nào cũng có được dễ dàng. Nếu mua vé lẻ, hành trình này khoảng 7 euro (182.000 đồng). Chúng tôi đã mua trước vé Paris Visite Travel Pass để đi lại trong toàn Paris từ vùng 1 đến vùng 5, nên không phải chi thêm bất kỳ khoản tiền vé nào cho cả chặng đi và về.

phong-cua-napoleon-francis-jos-1491-8479-1716375695.jpg
Phòng của con trai Napoléon

10h sáng, lâu đài vắng tanh. Nhìn bản đồ hướng dẫn, chúng tôi hơi choáng. Ngoài diện tích khu vườn lớn (130 ha) đi cả ngày không hết, phần công trình cũng rất đồ sộ. Mặt tiền là cầu thang hình móng ngựa - biểu tượng của lâu đài, nơi tiếp đón nhiều đoàn khách quý và chứng kiến bao sự kiện lịch sử trọng đại của nước Pháp. Bên trong, Fontainebleau có 1.500 phòng, ngày nay chỉ mở một số cho khách tham quan, nhưng vẫn có đến 13 khu vực, chia theo lịch sử lâu đài từ thế kỷ XII đến thế kỷ XIX. Khi Versailles được xây dựng, Fontainebleau từng bị thất sủng, nhưng đến nay vẫn được bảo quản gần như nguyên vẹn.

chiec-noi-cua-con-trai-napoleo-4412-2100-1716375695.jpg
Nôi của con trai Napoléon

Dấu ấn của Napoléon Bonaparte, một trong những nhà quân sự nổi tiếng bậc nhất lịch sử nhân loại, để lại đậm nét trong lâu đài. Fontainebleau, nơi ông đã cải tạo kiến trúc và sinh sống trong một thời gian dài, lưu giữ nhiều kỷ vật vô giá của vị hoàng đế này. Chúng tôi thấy bộ quân phục, hòm vật dụng cá nhân và cả những chiếc bát, đĩa, thìa, dĩa từng theo ông ra chiến trường. Người ta còn phục dựng cả căn lều với giường ngủ đơn sơ, bàn làm việc cùng chiếc ghế gỗ mà Napoléon dùng khi ở doanh trại. Tất cả đều được bảo quản trong phòng tối để giảm thiểu tác động của thời gian.

Bên cạnh khu vực của Napoléon là một không gian ngập tràn ánh sáng - phòng của Hoàng hậu Marie Louise, phu nhân của Napoléon. Kế đó là phòng của con trai họ, Napoléon Francis Joseph Charles, người sinh ra đã được phong là Đức vua của La Mã (Le Roi de Rome), về sau trở thành Napoléon Đệ nhị. Những căn phòng này đều xa hoa, trang nhã, nội thất cầu kỳ và phong cách trang trí lộng lẫy. Điển hình như chiếc nôi của thái tử được làm bằng gỗ quý đính kim loại tinh xảo vẫn còn nguyên vẹn, hoàn hảo. Nhiều gian phòng được giữ nguyên trạng như khi Napoléon còn sống.

thu-vien-fontainebleau-voi-nhi-4900-3305-1716375695.jpg
Thư viện Fontainebleau

Fontainebleau cũng bảo tồn vô số các phòng ốc, đồ gỗ, đồ gia dụng từ các triều vua trước và sau Napoléon. Bước vào phòng khách của Anne d'Autriche, vợ của vua Louis XIII, mẹ của Đức vua Mặt Trời Louis XIV, du khách sẽ đắm chìm trong vẻ diễm lệ của những tấm thảm dệt lộng lẫy, phủ toàn bộ tường và sàn của căn phòng, cùng chiếc bàn lớn mà chỉ riêng vật liệu chế tác đã đáng giá cả một gia tài. Còn phòng ngủ của Marie de Medici, vợ của vua Henri IV, lại là nơi trình diễn của nghệ thuật phối trộn giữa các màu sắc, chất liệu, hình khối qua bàn tay điêu luyện của những nghệ nhân bậc thầy người Italy và Pháp.

Ấn tượng nhất đối với chúng tôi chính là phòng khiêu vũ (ballroom) hơn 300 m2 của lâu đài, nơi các gia đình quý tộc Pháp thể hiện ở tầm cao nhất đời sống vương giả giàu có. Chỉ riêng các bức tranh tường của căn phòng đã đủ lập một bảo tàng nghệ thuật nhỏ, chưa kể đến vô số đèn chùm lộng lẫy, và toàn bộ trần nhà được ốp nổi gỗ quý và kim loại quý, tất cả đều khiến du khách choáng ngợp.

Đã đến Fontainebleau, không thể bỏ qua thư viện của lâu đài, nơi lưu giữ 4.500 cuốn sách lịch sử, khoa học, địa lý, cũng là tiền thân của Thư viện quốc gia Pháp và Nhà nguyện Chúa ba ngôi, nơi tôn giáo giao thoa nghệ thuật trở thành một không gian tôn nghiêm mà lãng mạn. Hai khu vực này là nét độc đáo của Fontainebleau, thể hiện mức độ giàu có và vị thế của các triều vua, khác biệt so với rất nhiều lâu đài đồ sộ khác tại Pháp.

Những dãy hành lang dài ngập tràn ánh sáng và nhiều căn phòng lớn của lâu đài ngày nay trở thành phòng trưng bày, quy tụ nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc, chân dung các nhân vật lịch sử dưới thời các vua Francois, Henri, Louis và Napoléon. Những tác phẩm này, cùng với phong cách kiến trúc và trang trí ở đây thậm chí còn được đặt hẳn một cái tên riêng là "trường phái Fontainebleau", sau này có ảnh hưởng rộng rãi đến nghệ thuật của toàn châu Âu.

Lâu đài mở cửa tất cả các ngày trong tuần trừ thứ ba, từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm, trong khung giờ 9h30 đến 17h còn từ tháng 4 đến tháng 9 là 9h30 đến 18h. Giá vé 14 euro một người lớn. Du khách có thể mua vé Paris Museum Pass để tham quan 55 điểm du lịch nổi tiếng nhất Paris với tổng chi phí thấp hơn so với mua lẻ vào cửa từng địa điểm.

T.H (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thăm lâu đài 900 tuổi, nơi ở của Napoléon