Tham gia bảo hiểm y tế: Để thoát gánh nặng viện phí

12/11/2016 08:01

Trong bối cảnh giá viện phí đã và sẽ được điều chỉnh tăng lên theo lộ trình, nếu không có thẻ bảo hiểm y tế, người dân sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi ốm đau.



Không tham gia bảo hiểm y tế, người dân sẽ phải chịu gánh nặng về tài chính ngày càng nặng nề hơn khi bị đau ốm

Tỉnh ta hiện vẫn còn gần 20% số dân chưa tham gia bảo hiểm y tế. Trong bối cảnh giá viện phí đã và sẽ được điều chỉnh tăng lên theo lộ trình, nếu không có thẻ bảo hiểm y tế, người dân sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi ốm đau.

Đề xuất tăng viện phí với người chưa có thẻ bảo hiểm y tế

Từ ngày 1-11-2016, giá dịch vụ y tế ở tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh đã  tăng 15 - 20%. Đợt điều chỉnh này chỉ áp dụng đối với những người đã có thẻ BHYT. Những bệnh nhân chưa có thẻ BHYT, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người cận nghèo... chưa bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, theo dự thảo thông tư điều chỉnh giá dịch vụ y tế đang được lấy ý kiến tham gia thì Bộ Y tế đề nghị tăng viện phí đối với nhóm người bệnh không có thẻ BHYT vào đầu năm 2017 theo lộ trình 2 bước: Từ ngày 1-1-2017, viện phí của người không có thẻ BHYT tăng thêm trung bình khoảng 30% so với hiện nay khi tính thêm các chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù. Từ ngày 1-7-2017, khi cộng thêm tiếp các chi phí tiền lương nhân viên y tế, viện phí có thể tăng trung bình khoảng 50% so với giá hiện nay. Theo tính toán của liên Bộ Y tế - Tài chính, sẽ có hơn 1.900 dịch vụ y tế được tăng giá. Ví dụ: Giá nội soi ổ bụng hiện là 575.000 đồng có thể tăng lên theo từng đợt lần lượt là 684.000 đồng và 793.000 đồng; phẫu thuật cắt thực quản giá hiện là 4.056.600 đồng, có thể tăng lên 5.633.000 đồng và sau đó là 6.907.000 đồng...

Việc tăng viện phí nhằm tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT để khuyến khích người dân tham gia BHYT nhiều hơn. Đồng thời, tăng viện phí nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.

Dự thảo thông tư điều chỉnh giá dịch vụ y tế với người không có thẻ BHYT chỉ quy định mức giá tối đa. Khi thông tư được ban hành, Bộ Y tế sẽ quyết định giá cụ thể đối với các bệnh viện thuộc trung ương quản lý. Với những bệnh viện thuộc địa phương quản lý, mức giá cụ thể sẽ do HĐND cấp tỉnh quyết định.

Vai trò đã rõ

Phần lớn người dân đều biết rõ vai trò của BHYT mỗi khi đau ốm, phải nhập viện điều trị. Bà Nguyễn Thị Vị (sinh năm 1955) ở thôn Lai Cầu, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) bị bệnh thiên đầu thống và có một khối u nhỏ trong mũi phải phẫu thuật ngay. Nằm điều trị dài ngày tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhưng gia đình bà Vị chỉ phải chi trả tiền viện phí gần 5 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Hà (con dâu bà Vị) cho biết: “Thấy giá các dịch vụ y tế thường xuyên tăng, lại được sự tư vấn của một người bạn thân nên chúng tôi đã mua thẻ BHYT cho mẹ. Nếu không có thẻ thì đợt này chắc phải mất vài chục triệu đồng”.



Người bệnh sẽ chịu nhiều thiệt thòi nếu không sớm tham gia bảo hiểm y tế


Anh Phạm Sơn Tùng ở thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) cho biết bố anh bị suy thận từ năm 2009. Mỗi tháng phải lọc thận 1 - 2 lần, mỗi lần tiêu tốn vài triệu đồng. Do bố anh đã tham gia BHYT từ nhiều năm trước nên hầu hết viện phí đều được Quỹ BHYT chi trả. Từ khi Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực, bố anh Tùng còn được BHYT thanh toán 100% chi phí do là người bị bệnh nặng và có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên.

Hiện nay, danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế được BHYT chi trả đã bao quát khoảng 95% số dịch vụ y tế. Do đó, người dân có thẻ BHYT sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ chính sách BHYT. Tỉnh ta hiện vẫn còn gần 20% số người dân chưa tham gia BHYT. Nếu không may bị ốm đau phải đi bệnh viện thì những người chưa có thẻ BHYT sẽ phải chịu gánh nặng viện phí rất lớn, nhất là khi viện phí tăng. Trong khi đó, nếu tham gia BHYT thì người dân sẽ được Quỹ BHYT chi trả từ 80% số tiền viện phí trở lên. Vì vậy, trong bối cảnh các dịch vụ y tế liên tục được điều chỉnh tăng thì người chưa có thẻ BHYT cần sớm tham gia.

Bà Đoàn Thị Trinh, Phó Giám đốc phụ trách Bảo hiểm Xã hội tỉnh cho biết ngoài hộ nghèo được hỗ trợ 100% chi phí mua BHYT thì hộ cận nghèo hiện đang được Nhà nước hỗ trợ 70%, Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ 20% và tỉnh hỗ trợ 10%. Nhưng đến năm 2020, khi thời hạn hỗ trợ 20% mua BHYT cho đối tượng cận nghèo của WB hết hạn thì có thể hộ cận nghèo sẽ phải tự bỏ ra một phần chi phí để mua BHYT.

Để khuyến khích người dân tham gia BHYT, các cấp, các ngành, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động người dân. Các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT cần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và thái độ phục vụ để tạo niềm tin cho người dân.

PV


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tham gia bảo hiểm y tế: Để thoát gánh nặng viện phí