Lúa mùa cực ngắn ngày được ưu tiên gieo cấy trên các chân đất trồng cây vụ đông sớm.
Nông dân nên gieo vãi hoặc cấy mạ non các giống lúa cực ngắn ngày ở vụ mùa
Theo Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, để thâm canh lúa thuần ngắn ngày trong cơ cấu vụ mùa cực sớm và mùa sớm đạt hiệu quả nông dân cần lưu ý:
- Gieo cấy: Đối với các giống lúa cực ngắn ngày ở vụ mùa (thời gian sinh trưởng 90-95 ngày) sau khi gieo mạ khoảng 32 ngày đã phân hoá đòng nên cần phải gieo vãi, hoặc cấy mạ non (3 lá).
- Tuỳ theo chất lượng đất mà có thể cấy từ 50 - 55 khóm/m2. Cấy nông tay, 2 - 3 dảnh/khóm. Hoặc gieo thẳng để đạt khoảng 300 bông/m2 (khoảng 50 - 55 kg/ha).
- Bón phân: Phải bón phân sớm theo quy trình để lúa đẻ tập trung, bông dài hơn. Nếu bón muộn thì năng suất sẽ thấp. Lượng phân cụ thể cho 1 sào (360 m2) tùy theo chân đất có thể tham khảo một mức bón như sau: Phân hữu cơ vi sinh: 16 - 18 kg; urê 7 - 8 kg, super lân 15 - 18 kg, kali clorua 6 - 8kg. Nếu có phân tổng hợp NPK thì càng tốt. Lượng bón căn cứ vào chất tác dụng ghi trên vỏ bao để tính toán cụ thể, khoảng 25 kg/sào (loại 16:16:8). Cách bón như sau:
+ Lót: 100% phân vi sinh (hoặc phân chuồng) + 100% lân +70% đạm + 70% kali (bón trước bừa cấy).
+ Bón đón đòng: Trước khi lúa phân hoá đòng 5 ngày (sau khi gieo cấy 27 - 30 ngày): 30% đạm + kali.
+ Bón nuôi hạt: Khi lúa trỗ hoàn toàn, nếu lúa xấu thì bón thêm 1 kg urê/sào hoặc có thể phun phân qua lá.
- Phòng trừ sâu bệnh: Cần thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Khi phải dùng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật cần đúng theo hướng dẫn của từng loại thuốc.
- Khử lẫn là loại bỏ các cây khác dạng, cây bệnh, cây khác giống, lúa cỏ, lồng vực... khỏi ruộng lúa giống để bảo đảm độ thuần cho ruộng lúa.
- Thu hoạch: Sau khi lúa trỗ hoàn toàn 28 ngày là có thể gặt được, không nên gặt muộn hơn vì lúa dễ bị rụng ngoài đồng và chuột phá hoại. Trước khi đưa lúa vào máy tuốt phải vệ sinh máy, sân phơi, bao bì và các dụng cụ khác để tránh lẫn tạp.
KS. TRẦN THỊ LIÊN
(Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)