Thạch Lam với "Hà Nội 36 phố phường"

07/12/2010 15:03


Phố cổ Hà NộiTranh sơn dầu của Bùi Xuân Phái

Thu này, Thăng Long - Hà Nội tròn một nghìn năm tuổi và cũng tròn một trăm năm, quê hương Hải Dương sinh ra một người con, sau này cho người đọc miên man trong những trang viết trữ tình, mượt mà, đằm thắm với bút danh Thạch Lam. Một trăm năm ngày sinh của ông, lần giở lại những trang viết ông gửi lại cho hậu thế, chợt nhận ra, Thạch Lam với Thăng Long - Hà Nội có mối dây ràng buộc thật gần gũi, thật thân tình, gửi gắm sâu nặng nhất trong tập bút ký nổi tiếng tập hợp những bài viết của ông in trên báo Ngày nay - Tập bút ký "dành riêng cho vẻ đẹp Hà Nội": "Hà Nội 36 phố phường".


Miên man dọc 70 trang viết nhỏ nhắn, xinh xắn của cuốn sách, Hà Nội hiện ra ở nhiều góc cạnh với những đặc trưng riêng không mảnh đất nào có được. Đó là lối kiến trúc độc đáo của các ngôi nhà cũ, dáng vẻ mềm mại của bao con phố nhỏ uốn lượn khắp hang cùng ngõ hẻm, là nét văn hoá ẩm thực tinh tế... giữa không gian êm ả, thanh bình, rộn rã mà trầm mặc. Nói cách khác "Hà Nội 36 phố phường" đã gợi để người đọc nhận ra cả vóc dáng và tâm hồn Hà Nội. Cuốn hút độc giả ngay từ lời đề tựa: "Hà Nội có một sức quyến rũ đối với những người ở nơi khác..." của bài ký đầu tiên “Hà Nội băm sáu phố phường”, Thạch Lam đã mê hoặc người đọc dọc dòng chảy văn chương suốt 21 bài ký. Mỗi bài một cách dẫn dụ, mỗi bài một âm hưởng độc lập nhưng có sức kết dính kỳ lạ trong kết cấu chung của cuốn sách.

Bằng tài năng của mình, như một người dạo phố, nhà văn đã đề cập đến nhiều khía cạnh, dáng vẻ của Hà Nội. Bắt đầu từ việc giới thiệu các tấm biển cửa hàng. Tưởng rất giản đơn, chỉ nhìn gì nói ấy, thẩn thơ ngắm “Biển hàng Hà Nội” dọc phố hàng Đào với những cái tên: Hiệu Bò vàng, hiệu Lạc Đà,, hiệu Con gà trống (Kim kê), Con hươu sao, con Rùa, con vịt, con voi, con tê giác, con phượng hoàng… và bất ngờ … ra tới Bờ Hồ thì hết …con”, Thạch Lam đã khiến người đọc đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác. Không chỉ tả, ông khéo léo gửi gắm ý kiến, thái độ của mình phía sau những câu chữ ông đọc được trên những tấm biển hiệu bởi nó thể hiện văn hoá ứng xử: “Bây giờ các biển hàng viết chữ Pháp đến chín phần mười. Nhiều hàng tuy chỉ giao thiệp với khách Việt Nam thôi cũng đề toàn chữ Pháp, cũng như ngày xưa họ đã dùng chữ Nho”. Không dừng ở đó, với những kẻ lai căng dùng thứ chữ Pháp nửa mùa, Thạch Lam giễu rất tế nhị: “Một hiệu khác tham bác cả tây lẫn ta nên tạo được cái tiếng thần tình này: Satain sup! Hoặc: Toàn những élégancel! Với lối viết nhẩn nha như kể chuyện quanh ấm trà xanh, Thạch Lam thoải mái tạt ngang… tạt ngửa. Đang bàn về cách viết chữ tây trên biển hiệu, ông ngoắt qua nói về lối kiến trúc riêng của các nhà cũ Hà Nội...

Hai mươi mốt bài viết nhỏ như 21 lát cắt chi tiết dựng vóc hình Hà Nội, nhưng ấn tượng nhất, ám ảnh người đọc nhất trong "Hà Nội 36 phố phường" của Thạch Lam là những trang về văn hoá ẩm thực của người nơi này, đặc biệt là các loại quà Hà Nội - những món quà nếu không phải là "mê hồn thì cũng là mê bụng". Sẽ là không quá lời khi khẳng định đây là những trang viết đặc sắc nhất của ngòi bút Thạch Lam trong cuốn bút ký. Tâm huyết của Thạch Lam gửi gắm vào đây không chỉ thể hiện ở số lượng bài dành cho đề tài này lớn: 18/21 bài viết, mà đó còn là những trang viết Thạch Lam gửi: “Bao nhiêu ý tốt, tình hay”. Từ bài đặt vấn đề đầu tiên “Quà Hà Nội”... ông đưa người đọc dạo quanh phố phường mà thưởng thức “Vẫn quà Hà Nội”; với những món ăn cụ thể trong các bữa sáng, trưa, chiều, tối: “Phụ thêm vào Phở”; “Bổ khuyết - Vẫn về món quà Phở”; rồi “Bún sườn và canh bún”; rồi “Bánh đậu”; “Bánh khảo, kẹo lạc”; "Một thứ quà của lúa non: Cốm"… “Quà Hà Nội – bánh cuốn Thanh Trì”. Viết về những món cụ thể dường như chưa đủ, Thạch Lam gói tất cả tinh hoa ẩm thực Hà Thành trong “Những thứ chuyên môn - cũng vẫn viết về các loại quà Hà Nội”; rồi "Vài thứ chuyên môn nữa"; để rồi đẩy những món ăn ấy lên một tầm cao hơn khi khẳng định: "Quà ... tức là người", để kéo người thưởng thức đến gặp "Bà cụ bán xôi", "Hàng nước cô Dần" hay tới cả "Những chốn ăn chơi", "Chợ Mát ban đêm" hay "Các hiệu cao lâu khách"... Có lẽ, nếu chỉ là kể lại, tả lại các món ăn trong thói quen sinh hoạt thường ngày của dân Hà Thành, ngòi bút Thạch Lam chắc chẳng mất sức miêu tả thật kỹ lưỡng cái cách mà người Hà Nội làm các loại quà và thưởng thức chúng ra sao đến thế. Với Thạch Lam, đó không đơn thuần chỉ là sản vật kết tụ lại trong trời đất, đó còn là tinh hoa, là thần thái, là nét văn hoá trong cách thưởng thức khi "Ăn quà cũng là một nghệ thuật: Ăn đúng cái giờ ấy và chọn đúng người bán ấy mới là người sành ăn". Món ăn đã không còn là thứ nguyên liệu đơn thuần mà với cách chế biến khéo léo, cách thưởng thức tinh tế... đã thể hiện cốt cách của con người.

Đọc "Hà Nội 36 phố phường", độc giả gặp lại giọng văn mượt mà, đầy cảm xúc của ngòi bút Thạch Lam. Giọng văn ấy chất chứa, hoà quyện trong khả năng quan sát tỉ mỉ, tinh tế, trong lối suy nghĩ, phân tích chặt chẽ, lô-gích dựng lên những trang văn thuần khiết, dư âm. Mỗi món ăn, góc phố qua ngòi bút Thạch Lam trở nên có sắc màu, hương vị, hồn vía, đọng mãi trong tâm trí người đọc. Hãy xem ông viết về "Một thứ quà của lúa non: cốm": "Cốm là thứ quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê, nội cỏ Việt Nam.... Ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ. Lúc bấy giờ, người ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ; trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc. Thêm vào cái mùi thơm ngát của lá sen già, ướp lấy từng hạt cốm một, còn giữ lại cái ấm áp của những ngày mùa hạ trên hồ."

Ta gặp lại trái tim nhân ái của Thạch Lam trong những trang viết của "Hà Nội - 36 phố phường". Hai mươi mốt bút ký là hai mốt nỗi niềm xót thương ông gửi gắm đến với những con người lam lũ, tảo tần một nắng hai sương kiếm sống trong xã hội. Hình ảnh những người đi bán hàng trong đêm được Thạch Lam miêu tả bằng ngòi bút của một hồn thơ đầy cảm xúc. Sáng lên trong trang viết của Thạch Lam là hình ảnh hai chấm lửa hỏa lò đung đưa đi trong đêm Hà Nội và chân bước "nhẹ như chân ma" của người bán hàng đêm. Thạch Lam đã dành cả tấm tình của trái tim mình, cả sự trân trọng của ông để viết những câu văn tả những người lao động. Qua mạch văn của Thạch Lam, họ không còn là "bố cu", "mẹ đĩ" mà đã trở thành những nghệ sĩ lấy bàn tay, đôi vai mình, chuyên chở "cái lộc của trời, cái khéo léo của người và sự cố tiềm tàng nhẫn nại của thần lúa" từ khắp nẻo đường đồng quê để "hiến cho sự thưởng thức sành sỏi của người Hà Nội". Nhưng có lẽ, tấm lòng nhân hậu của Thạch Lam day dứt nhất trong "Hà Nội - 36 phố phường" được thể hiện khi ông viết về những tiếng rao hàng. "Tiếng rao của người bán bánh Tây lẫn với tiếng chổi quét đường... Tiếng rao của bà đội thúng ngô, tay thủ vào cái áo cánh bông, cất tiếng rao, tựa như không phải tiếng người, một tiếng rao đặc biệt và kỳ lạ, cứ Eéé... éc, Eéé... éc", tiếng rao "lanh lảnh, kéo dài, kỳ lạ: "lốc bểu" của hàng bánh cuốn rong", tiếng rao "Sacốcmày, nửa Tàu nửa Mán" của chú khách bán chè, tiếng "chê cà cô" của người bán bánh làm bằng bột có men"...  Giữa Hà thành đông đúc, náo nhiệt, tiếng rao của những người bán hàng cứ níu giữ, cứ gom góp, vấn vít thành cái hồn riêng của phố phường Hà Nội, của đất kinh kỳ văn hiến trong bề dày của đất nước mấy nghìn năm.

Nếu không phải người yêu Hà Nội, gắn bó với Hà Nội, hẳn Thạch Lam không viết được về Hà Nội tỉ mỉ, chi tiết, mềm mại và thiết tha như thế!

HOÀNG THƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thạch Lam với "Hà Nội 36 phố phường"