Nhà thơ Hoài Khánh nằm trong số không nhiều tác giả từ khi cầm bút đến nay, trải mấy chục năm, hầu như chỉ làm thơ cho thiếu nhi. Với anh, trẻ em luôn là người bạn thân thiết nhất. Cũng bởi có những “người bạn thân thiết nhất” mà thơ anh đến được với các em, đồng hành cùng các em cả trong học tập lẫn khi vui chơi, học mà chơi, chơi mà học trong thơ anh hòa quyện một cách tự nhiên như lẽ đời là thế. Có thể thấy khá rõ điều ấy qua bài thơ “Thả diều ở phố” của anh.
Ngay câu mở đầu, nhà thơ đã như khẳng định một đức tính tốt đẹp của người nông dân sau lũy tre làng “Thật thà là giọng thôn quê”. Đức tính ấy được nhân lên khi nhà thơ tôn vinh thành một thứ “bùa mê” đến say lòng để “thả bùa mê lên trời” cho mọi người cùng chiêm ngưỡng. Bởi cái “bùa mê”- cánh diều ấy chính là hồn cốt làng, hiện thân văn hóa làng, nó mang cái đặc trưng nhất, độc đáo nhất của làng quê Việt Nam là cây tre. Mà đã làm diều thì không thể không có tre, mà là bánh tẻ (lá), chứ không thể tre già hay tre còn non được; ở đây nhà thơ dùng chữ “tre lá” là hiểu khá kỹ cách làm diều. Còn “giấy bồi” là thứ giấy bản, dùng nhựa quả cậy (non) phết lên cho hai mặt dính kết lấy khung diều, có thế khi thả lên trời cao cánh mới chịu đựng được với gió. Từ thực tế “tre lá, giấy bồi”, nhà thơ đã nâng sự liên tưởng cánh diều “thành lời quê hương”. Nói tre là vật liệu chính làm nên cánh diều cũng còn vì, đã chơi diều không mấy người không chơi sáo, ít là một bộ, nhiều là hai, ba bộ (sáo đôi, sáo bè) bổng trầm ro ro vang trên trời cao. Từ thực tế “tre lá, giấy bồi”, nhà thơ đã nâng sự liên tưởng về cánh diều bổng trầm tiếng sáo trên không trung “thành lời quê hương”. Thơ đi từ cái thực, giản dị đến cái hư ảo, mông lung. Nhất là khi đọc tiếp sang khổ thơ sau với hai câu: “Cong vành trăng khuyết khiêm nhường/Bay từ một nắng hai sương quê mình”, thì lại càng thấy sự liên tưởng như được chắp cánh, đẩy tứ thơ bay lên theo cánh diều lồng lộng trời cao. Đến đây thì ai từng chơi diều hoặc xem thả diều đều không thể không nghĩ tới một không khí yên bình, tĩnh lặng nơi làng quê ấm êm, trù phú: “Nâng cao mơ ước thanh bình/Lặng nghe thấy cả ân tình nước non”. Quả là cánh diều tiềm ẩn bao điều về cuộc sống, con người nơi làng quê.
Thế nên, dẫu sống giữa ồn ã thị thành thì mỗi khi nghe tiếng sáo diều, nhớ về cánh diều là như thấy hiện về quê hương với tiếng sáo diều - giọng nói quê nhà - với những người thân yêu mà dù có đi bốn phương trời cũng không thể quên nơi chôn nhau cắt rốn. Bốn câu kết là một khổ thơ hay, hòa quyện, nâng toàn bài lên một tầm rộng, sâu lắng, không hề in bóng dáng giáo lý nào về tình yêu quê hương, nhưng lại mang sự khái quát sâu đậm nghĩa tình quê hương, đầy tính nhân văn sâu sắc:
Bồng trầm khúc sáo véo von
Giữa ồn ào phố vẫn còn thiết tha
Ai quen nghe giọng thật thà
Nhìn trời bỗng nhận ngay ra cánh diều.
Ai từng gắn bó với làng quê thì quả là “Nhìn trời cũng nhận ngay ra cánh diều”, và nhận ra cánh diều là như thấy cả quê hương bên mình. Quả là nhà thơ Hoài Khánh viết cho các em, nhưng không chỉ cho các em đọc mà ngay người lớn đọc cũng thấy như có kỷ niệm tuổi thơ mình trong đó. “Thả diều ở phố” là một trong những bài thơ hay viết cho thiếu nhi gần đây.
HOÀI KHÁNH
Thả diều ở phố
Thật thà là giọng thôn quê Chiều nay em thả bùa mê lên trời Đơn sơ tre lá, giấy bồi Gửi vào ngọn gió thành lời quê hương
Cong vành trăng khuyết khiêm nhường Bay từ một nắng hai sương quê mình Nâng cao mơ ước thanh bình Lặng nghe thấy cả ân tình nước non
Bổng trầm khúc sáo véo von Giữa ồn ào phố vẫn còn thiết tha Ai quen nghe giọng thật thà Nhìn trời bỗng nhận ngay ra cánh diều.
|
CAO NĂM