Ngày Tết mà mẹ toàn ngồi kể chuyện ngày xưa, những câu chuyện mẹ kể tôi đã thuộc nằm lòng như một bài tập đọc về nhà thời cấp I. Nhưng, đêm giao thừa tôi vẫn nằm im nghe mẹ kể, dẫu cái điện thoại thi thoảng lại rung lên bần bật vì lũ bạn nheo nhéo rủ ra đền hái lộc hay đi xem bắn pháo hoa. Chúng nó trêu:
- Không hiểu sao mày lại có thể ở nhà để nghe kể mấy chuyện vớ vẩn linh tinh ấy được.
Tôi chỉ cười. Tôi bảo, vì tôi đi xa cả năm, chẳng mấy khi có thời gian ở gần người thân nên trong những giây phút thiêng liêng nhất của năm tôi muốn chiều lòng mẹ. Nhưng cũng vì một phần những câu chuyện mà mẹ kể có bóng dáng tuổi thơ tôi vẫn nằm ngủ vừa êm đềm vừa nhức nhối trong vùng ký ức.
Mẹ kể về Tết của những người nghèo khi bố bắt đầu dọn mâm cỗ cúng giao thừa có xôi, có gà và bánh chưng xanh. Hương trên ban thờ toả ra mùi thơm dìu dịu, tôi nhìn chiếc đồng hồ điện tử trên tường đếm lùi từng giây cuối cùng của năm cho đến khi tiếng chúc mừng năm mới ở khắp xóm đã vang lên tôi vẫn thấy ngỡ ngàng vì năm mới đã về. Năm nào cũng là cái cảm giác hồi hộp, thiêng liêng ấy. Mấy anh em cùng chúc Tết bố mẹ. Mẹ rưng rưng nhìn chúng tôi như thể không hiểu sao gia đình chúng tôi lại vượt qua được biết bao nhiêu khó khăn để có được ngày hôm nay no ấm, đủ đầy. Bản nhạc “Happy new year” đã vang lên nhưng trong sâu thẳm đôi mắt mẹ là Tết của vùng ký ức lại ùa về…
*
Mùa xuân đến rồi mà trời vẫn lạnh căm căm, nhân lúc được nghỉ học đón Tết mẹ bảo mấy anh em cởi hết quần áo ấm ra rồi ngồi trong bếp sưởi để mẹ mang đi giặt còn kịp khâu vá lại mới có cái mặc đi thăm ông bà, họ hàng vào ngày Tết. Không bao giờ chúng tôi nghĩ đến việc đòi mua quần áo mới vào ngày Tết. Dẫu sao thì ba anh em tôi cũng thấy mình còn may mắn hơn mấy đứa em nhà dì Hạnh. Chúng nó, dường như mấy Tết rồi vẫn bộ quần áo cũ, nhem nhuốc, chỗ rách từ năm trước đến năm sau lại càng rách to hơn như không ai khâu vá. Năm nào cứ đến 27 Tết là dì lại dắt các em về nhà tôi đón Tết. Nhiều lúc tôi hỏi mẹ:
- Sao dì không ở nhà dì mà ăn Tết lại cứ phải về nhà mình hả mẹ?
Mẹ ra hiệu cho tôi im lặng. Mẹ bảo vì dì muốn về đây ăn Tết có anh có em cho vui, chứ ở bên sông có một mình nên buồn lắm. Tôi tin.
Mấy đứa em nhà dì chúng lầm lì, ít nói. Trong bữa ăn, mỗi lúc mẹ tôi gắp thức ăn cho chúng là chúng lại lấm lét nhìn mấy anh em tôi. Mẹ lúc nào cũng dặn:
- Các con phải yêu thương mấy đứa em nhà dì vì chúng không có bố.
Tôi biết thế nhưng nhiều lúc thấy mẹ chăm sóc chu đáo cho chúng quá cũng đâm ra ghen ghét. Có lúc đi qua đi lại, rình lúc người lớn không ai để ý, tôi lại véo thằng Hà một cái, véo con Hân một cái thật đau vào đúng cái chỗ áo rách nhưng chúng chẳng bao giờ dám khóc. Vậy mà không hiểu sao mẹ biết. Có lần, mẹ gọi tôi lại bảo: “Là anh em các con phải thương yêu nhau chứ”. Tôi lại thấy buồn, nhưng ngày bé tôi chẳng bao giờ buồn lâu được.
Ngày 27 Tết năm nào bố cũng ra nghĩa trang liệt sĩ tảo mộ cho ông. Anh tôi thường lóc cóc ngồi sau xe đạp xách hoa và hương cho bố. Thằng em trai thì theo mấy chú đi mổ lợn chung trong xóm. Thi thoảng nó lại chạy về nhà dúi cho tôi lúc thì miếng lòng dồi, lúc thì miếng gan luộc vẫn còn nóng hôi hổi, đấy là chiến lợi phẩm của nó sau cuộc tranh giành với lũ trẻ con trong xóm. Thằng bé được cái rất hợp tôi nên có cái gì cũng chia đều cho cô chị hết. Tôi là con gái nên dĩ nhiên là ở nhà cọ lá dong hay ì ạch bê củi vào sân sau để chuẩn bị nấu bánh chưng. Mấy đứa em nhà dì thường ngồi thu lu trong đống rơm ở hiên nhìn mọi người làm việc. Môi chúng tái vì áo không đủ ấm. Đôi lúc, nhìn mấy đứa ngồi tụm lại ủ ấm cho nhau tôi chợt thấy thương thương. Đợi mẹ nhóm xong nồi bánh chưng, tôi kéo chúng xuống ngồi vây quanh bếp sưởi ấm. Một lúc sau, tiếng cười rinh rích đã vang lên ở sân sau. Đôi lúc con Hân ngồi bắt chấy trên đầu thằng Hà, bé út Hương thì dựa vào lưng anh trai thiu thiu ngủ.
Những ngày Tết dì Hạnh là người ủ rũ nhất. Dì chỉ quanh quẩn trong nhà ngoài vườn, làm lụng đủ thứ việc mà không đi đâu cả, kể cả ngày mồng một, mồng hai Tết.
Mẹ tôi cũng dường như tất bật hơn, lo lắng hơn khi năm hết Tết đến. Có lần tha thẩn chơi ngoài sân, tôi nhìn vào trong thấy mẹ đang ngồi đếm từng đồng tiền lẻ cất kỹ trong cái hòm đạn. Mẹ ngẩn người ra một lúc rồi nói với bố:
- Mình ơi, có khi năm nay lại phải sang bà Khanh vay nặng lãi lấy ít tiền thôi. Rồi ra giêng bán đàn lợn đi sẽ trả. Chứ chỉ có bấy nhiêu thì làm sao lo vừa cái Tết. Cả năm nhà dì mới sang ở vài ngày Tết, chẳng nhẽ lại ăn cơm rau muối.
Tôi thấy bố thở dài, chỉ ngồi hút thuốc lào rồi nhìn mênh mông ra khoảng nắng trước nhà. Mãi một lúc sau bố mới lên tiếng, giọng bố trầm trầm:
- Phải vay thì cứ đi vay chứ biết làm sao được. Bao giờ nhà mình mới thoát khỏi cái cảnh này không biết nữa. Nhà mình cứ ốm đau quanh quẩn nên mới đến nông nỗi này, chứ làm vất vả cả năm trời… Đúng là, không ốm không đau làm giàu mấy chốc. Thôi mẹ nó cũng đừng suy nghĩ nhiều, cứ đi vay về lo cho các con, các cháu có một cái Tết đầy đủ không lũ trẻ là nó dễ tủi thân lắm.
Rồi bố lại vác cuốc đi làm, mẹ vẫn ngồi tần ngần bên xấp tiền lẻ cóp nhặt cả năm. Khi đó tôi đã mười ba tuổi.
*
Tết năm tôi mười bốn tuổi, đến chiều 30 Tết vẫn không thấy mấy mẹ con dì đi đò sang ăn Tết. Cả nhà tôi ai cũng thấy bồn chồn, đứng ngồi không yên, riêng tôi ngồi đun nồi bánh chưng mà nước cạn lúc nào cũng không biết nữa. Bố gói cho mẹ ít đồ đạc bảo sang sông xem thế nào. Mẹ tôi đi từ mờ sáng thì trưa đã thấy về. Mẹ về một mình, đầu tóc rũ rượi. Vừa đi đến đầu hiên thì mẹ ngã xuống, bám vào bố khóc vật vã. Tôi linh tính có điều gì không hay đã xảy đến với gia đình dì nên nước mắt đã lăn dài trên má.
Chiều đó, cả nhà tôi đóng cửa sang sông. Mấy anh em tôi vừa đi vừa i ỉ khóc, thi thoảng lại nhìn nhau rồi khóc nấc lên không thành tiếng, thấy quãng đường sang nhà dì sao ngăn sông cách trở, đi mãi vẫn không thấy đến. Con sông qua trận mưa bão lớn vẫn còn đầy nước, cây cối, nhà cửa hai bên sông đổ ngổn ngang. Có nhiều người sang sông mặt cũng buồn rười rượi, thi thoảng lại lấy vạt áo lau nước mắt. Mẹ tôi dường như đã đuối sức quá nên gục mặt xuống hai đầu gối, thi thoảng người lại run lên bần bật. Nhìn dải cát ven sông trải dài, heo hút gió, lòng tôi chợt thấy ân hận vô cùng khi ngày xưa từng bắt nạt mấy đứa em, véo nó tím tái cả thịt da đúng cái chỗ áo rách. Cảm giác tội lỗi ấy càng làm cho quãng đường xa hơn, nỗi buồn mất mát trong tôi lớn hơn.
Em Hân mất, cái đứa em vẫn thường vạch đầu bắt chấy cho anh nó những khi ngồi canh nồi bánh chưng ngày 27 Tết, và dang tay ủ ấm cho đứa em út trong đống rơm trước hiên nhà tôi. Giờ nó nằm đấy, mặt tím tái, người trương phềnh. Tôi hầu như không còn nhận ra nét gì trên khuôn mặt nó ngoài cái áo bông cũ kỹ lại bị rách chỗ dì Hạnh đã khâu năm ngoái, cái chỗ tôi mấy lần véo nó đau tím tái. Dì tôi ngồi đó không khóc nhưng đôi mắt đã dại đi. Tôi thấy dì vừa cứng cỏi vừa tội nghiệp. Tôi khóc gọi “Dì ơi”, dì ôm tôi bảo:
- Con gọi em nó đi! Gọi nó một lần cuối cùng đi con.
Rồi dì gục lên vai tôi nức nở. Mãi mãi sau này, tôi không làm sao quên đi cái hình ảnh đau buồn ấy, nó cắn vào tim tôi nhói buốt về sự buồn đau, ảm đạm của những tháng năm nghèo khó.
Em tôi mất vì theo lũ bạn ra sông vớt củi sau trận lụt, thấy gần giữa sông có cái áo bông trôi nên bảo đứa em út đứng trên bờ rồi mang cây gậy ra vớt áo. Nhưng không ngờ dòng nước xoáy đã cuốn em tôi, khi mấy đứa trẻ con cất tiếng kêu cứu cũng là lúc người ta không còn nhìn thấy em trên dòng nước. Năm ấy không có Tết, dì Hạnh ngồi trong ngôi nhà lá trống huếch hoác của mình cứ nhìn lên ban thờ mà khóc. Tôi ngồi nghe dì khóc, hướng cái nhìn ra phía sông, gió thổi buồn hun hút…
Mồng một Tết mà không thấy trẻ con mặc áo mới ra đường, không thấy bóng cành đào nào, dù chỉ là loài đào vườn còi cọc. Thi thoảng thấy dăm ba cụ già cúi mặt đi, anh tôi bảo họ đi ra đền hái lộc cầu năm mới no ấm, tôi chẳng buồn tin điều gì nữa. Tất cả mấy anh em chúng tôi quây vào ủ ấm cho nhau. Thi thoảng thằng Hà lại khóc nấc lên ừng ực, nó dụi vào lưng tôi, nước mũi chảy đầy ra áo. Nhưng lần đầu tiên tôi không mắng nó. Con bé Hương chỉ nằm im nhắm mắt nhưng nước mắt thì cứ chảy tràn, suốt hai ngày trời nó không nói không rằng, mẹ tôi bắt nó ăn nó cũng vừa ăn vừa khóc. Tôi vuốt mái tóc bết đầy đất cát của nó mà thương. Dì tôi vẫn ngồi trông lên ban thờ nghi ngút khói.
Mẹ tôi kể ngày xưa dì tôi cũng rất đẹp. Thời thanh niên, dì theo lũ bạn đập đá thuê cho công ty xi-măng trên huyện, rồi quen chú tôi cũng là công nhân đập đá. Lấy nhau được sáu, bảy năm trời chú bắt đầu phát bệnh ho lao. Nhà thì nghèo, vừa không có tiền mua thuốc, lại phải quần quật làm việc quanh năm nên chú tôi qua đời sớm, để lại cho dì ba đứa con thơ và món nợ những ngày tháng chú ốm đau nằm liệt giường. Với cuộc sống khó khăn ăn bữa nay lo bữa mai như vậy, dì hầu như không có khả năng lo cho các con một cái Tết như bao đứa trẻ khác trong làng, nên năm nào bố mẹ tôi cũng bảo dì sang đón Tết chung. Mẹ nói trong nước mắt:
- Ngày xưa, lúc các con còn bé, nhà mình nghèo, chú dì còn khoẻ mạnh, hai vợ chồng làm ăn cũng có của ăn của để nên Tết năm nào cũng mua cho các con áo mới và bánh kẹo. Mỗi lúc các con ốm đau, dì thức cả đêm trông trên bệnh viện, khóc thương sưng húp mắt. Ai ngờ, số dì lại đâm ra khổ nhất nhà. Sau này các con lớn lên, dù giàu nghèo cũng hãy nhớ đến dì, hãy thương lấy mấy đứa em mồ côi mồ cút ấy.
Khi mẹ tôi ngồi kể câu chuyện đời dì bên chậu than ủ gốc cây khói mịt đêm đông thì gió ngoài trời rất mạnh. Tôi chợt nghĩ về căn nhà trống huơ trống hoác của dì nằm gần triền sông hun hút gió…
Tết ấy có lẽ là cái Tết buồn bã nhất trong ký ức đời tôi.
*
Hơn mười năm trôi qua, từ ngày em Hân mất, thì Tết đến mấy mẹ con dì không còn sang sông đón Tết chung với gia đình tôi nữa. Tôi nhớ mình rất lâu mới có thể quên được cái cảm giác đứng nghe lén dì ôm các con hát câu gì nghe buồn lắm. Cũng rất lâu mới quên được hình ảnh mấy đứa em ngồi ôm nhau trên đống rơm sau nhà và ngồi bắt chấy cho nhau bên nồi bánh chưng ngày 27 Tết.
Ngày theo bố sang sông lợp lại căn nhà lá của dì, thấy khoảng trống mênh mông trong đôi mắt hai đứa em khi nhìn ra bến sông mong manh nắng. Dì lại càng cúi mặt hơn sau một mất mát nữa của cuộc đời. Tôi thay Hân lôi mấy đứa em ra sân gội đầu cho chúng, thấy những sợi tóc tơ rơi xuống chậu nước đục màu phù sa sông mà cay cay mắt. Sau này, mỗi khi nghe một ai đó ngâm câu thơ, hát khúc hát về một dòng sông nào đó tôi lại gặp lại cái cảm giác ban đầu ấy.
Dì tôi giờ cũng đã bước sang cái tuổi tóc hoa râm hắt nắng. Nhiều lúc thấy bóng dì hắt ra bờ sông ngong ngóng như chờ đợi một ai đó, chờ đợi một điều gì… Dường như cái bóng dáng của thuở nghèo khó vẫn chìm khuất trong dì dù cuộc sống đã đỡ vất vả hơn nhiều. Các em tôi cũng đã lớn, đứa đi học, đứa thì đi làm xa nhà, có khi cả năm cũng chỉ về nhà vào dịp năm hết Tết đến. Chúng tôi gặp nhau tránh không nói đến ký ức, đến những chuyện buồn nhưng thi thoảng dường như chúng tôi vẫn gặp nhau trong thẳm sâu ánh mắt.
*
Đã sang ngày đầu tiên của năm mới được mấy tiếng đồng hồ. Đón giao thừa xong, nhiều nhà đã tắt đèn đi ngủ rồi mà dưới đường vẫn không ngớt xe cộ chạy thẳng ra đền thắp hương xin lộc đầu năm. Tôi nằm gần mẹ ngửi thấy mùi lá hương nhu, mùi hương hoa bưởi trái mùa trên tóc mẹ. Tôi vừa thấy ấm lòng vừa thấy buồn một nỗi buồn vu vơ. Bây giờ, Tết đến không còn phải lo làm sao có tiền mua ít thịt lợn, cái chân giò thắp hương đêm giao thừa như ngày xưa nữa. Tết bây giờ mọi người đều đã thảnh thơi lo mua sắm, lo tắm gội tất niên bằng thứ hương thơm mà mình thích, lo làm sao mua cái gì thật đẹp, thật ngon.
Mẹ đã kết thúc câu chuyện ngày xưa từ lâu, rồi giục tôi ngủ đi mai còn sang chúc Tết ông bà nội ngoại và sang sông thăm dì với các em. Nhưng tôi thấy mẹ cũng trằn trọc mãi, thi thoảng nén tiếng thở dài nhè nhẹ. Dưới đường xe cộ vẫn ầm ầm chạy qua, thanh niên đi chơi thâu đêm giao thừa. Phải rồi, cả năm vất vả mới có ba ngày Tết, vui chơi cho thoả. Tiếng đàn chuột đã ngửi thấy mùi Tết trong các xoong nồi, tủ chạn. Tôi định dậy bật điện đuổi chúng đi nhưng mẹ bảo đã cất kỹ cả rồi, còn ít thịt mỡ vụn để trong cái âu dưới đất thì cứ để chúng ăn. Phải rồi! Tết mà!
Tôi vừa nhắm mắt lại, định ngủ một giấc thật sâu thì lại nghe thấy tiếng gió sông thổi ù ù hai bên tai, tôi thở dài. Mẹ giục:
- Ngủ đi con, ngủ đi mai còn sang sông nữa.
Truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG