Khi chuyển đồ ra xe gia đình để về quê ăn tết, con trai hỏi tôi: 'Tết này cho con khỏi học bài nhé, anh Mạnh gọi điện ra bảo Tết về rửa lá dong, làm bánh chưng với ông ngoại...'.
Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh, TP.HCM gói bánh chưng tặng cho các gia đình chính sách và học sinh khó khăn dịp Tết Canh Tý 2020
Năm nay nhà tôi về ngoại ăn tết từ 23 tháng chạp. Khi chuyển đồ ra xe gia đình để về quê, con trai tôi hỏi: "Tết năm nay cho con khỏi học bài nhé, anh Mạnh gọi điện ra bảo tết về rửa lá dong, làm bánh chưng với ông ngoại. Anh sẽ dẫn con đi xem đàn bò ăn cỏ...".
Nhìn gương mặt con hớn hở, chờ đợi từng giây từng phút để được về quê ăn tết, tôi không nỡ từ chối. Thằng con trai nhảy lên sung sướng như được quà.
Mấy năm trước, tết về quê là con khệ nệ chất sách vở lên ôtô, cả ngày chủ yếu ngồi bên bàn học. Thi thoảng tôi lại í ới: "Xong chưa con? Nhanh xuống chơi với các anh kìa".
Về quê, có người họ hàng thắc mắc: "Nó kiêu lắm (ý nói con tôi), hỏi gì nói nấy, lớn tướng rồi mà chả biết làm gì". Tôi cười trừ: "Bác thông cảm ạ, cháu nó vừa ở lò công nghiệp về ạ". Trong khi mấy đứa trẻ ở quê mới học lớp 4, lớp 5 đã làm việc nhà nhoay nhoáy thì ngoài chuyện học ra dường như con chẳng biết gì.
Đôi lúc, tôi cũng cảm thấy có lỗi khi để con cặm cụi học ngay cả trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán - nhưng tôi sao có thể làm khác?
Khi con còn nhỏ, tôi nghĩ thôi con cứ học đi, sang năm chơi bù. Tết năm sau tôi lại nghĩ, con vừa học vừa chơi ấy mà, sợ không học rồi tới lại học đuổi theo bạn càng mệt hơn. Năm thì con phải ôn thi, năm thì con phải học bồi dưỡng và chẳng năm nào con có một cái tết ý nghĩa, tròn đầy.
Nhớ lại hôm tết dương lịch vừa rồi, tôi hỏi con: "Bước vào năm mới, con ước điều gì?". Con nhanh nhẩu đáp: "Con chỉ ước không phải học trong các dịp lễ tết".
Tôi đứng hình, chẳng biết phải nói gì với con nữa, nhất là năm nay con đang học lớp 9, đối mặt với kỳ thi vượt cấp với bao áp lực. Dù tôi không ép con phải học tối ngày nhưng với cách học, cách thi như hiện nay, con không học thì khó theo kịp các bạn. Nhìn con cặm cụi bên bàn học, có lúc tôi cũng rất băn khoăn.
Nhìn mấy đứa nhỏ ở quê nhanh nhẹn, hoạt bát, việc gì cũng biết làm, tự nhiên tôi thấy thèm. Con tôi dù rất am hiểu công nghệ và đạt nhiều danh hiệu nhưng việc nhà lại rất kém, thiếu hiểu biết. Con không biết so đũa, không biết giúp ba mẹ dọn nhà, không phân biệt được đâu là cái búa, cái đinh, không gọi tên được các loại rau ngoài vườn.
Nhưng tôi đã kịp thức tỉnh trước nguyện vọng nhỏ của con. Tết năm nay tôi sẽ tự "làm cuộc cách mạng cho mình", sẽ theo nguyện vọng của con là được rời xa sách vở.
Năm nay, ông bà ngoại gói bánh chưng sớm, không khí rộn ràng, tụi nhỏ tíu tít đòi học làm bánh chưng. 15 tuổi đầu nhưng đây là lần đầu tiên con được tận mắt chứng kiến các công đoạn làm ra cái bánh chưng như thế nào.
Con thích thú, hồ hởi còn hơn cả những dịp ba mẹ thưởng cho chuyến nghỉ mát hay được mua quà đắt tiền. Con cũng tập tành học làm bánh, dẫu chiếc bánh chưa vuông vức nhưng đó là thành quả của con. Hóa ra lâu nay con đã bỏ phí những giây phút tận hưởng tết đoàn viên giản đơn như thế.
Con chìa chiếc bánh chưng - sản phẩm của một buổi ngồi tập làm về phía mẹ: "Mẹ nhìn này, bánh con làm đấy, có đẹp không ạ?". Tự nhiên tôi cảm thấy có lỗi với con. Vậy mà bao nhiêu năm qua, con chẳng biết tết là gì, lỗi từ đâu, là ở người lớn?
Theo Tuổi trẻ