Tết năm Thân đến sớm

07/02/2016 06:29




Gặp ông ở chợ hoa thành phố, tôi hỏi vui:

- Hôm nay mới là hai sáu tháng chạp, bác đi mua hoa Tết sớm thế, mà lại lên tận chợ thành phố thế này. Tết năm nay nhà mình chắc là có điều gì vui lắm?

- Tết thì chắc chắn là vui rồi, riêng năm nay là cái Tết đặc biệt, ngày mai chúng tôi ăn Tết rồi. Chú nhớ về vui với chúng tôi nhé!

Chính vì cái "đặc biệt" ấy mà tôi nhận lời.

Ông Tâm là người làng tôi. Tôi cũng biết ông có cái hội gọi là "bạn chiến đấu Mậu Thân 1968". Bây giờ có nhiều hội lắm: hội đồng ngũ thì lấy ngày nhập ngũ để gặp mặt, hội cùng đơn vị thường lấy ngày 22 - 12 để chung vui. Riêng cái hội của ông Tâm lại chọn ngày 27 tháng chạp âm lịch để những người tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968 ở trong huyện gặp nhau. Chả là ngày ấy cách đây gần năm chục năm, cả chiến trường tổ chức ăn Tết sớm để đi chiến dịch. Ông nói vui:

- Chúng mình tổ chức ngày này vì có lẽ lịch sử dân tộc mình chỉ có hai lần ăn Tết sớm của lính tráng. Một là từ thời Quang Trung, vua cho ăn Tết sớm để tiến vào Thăng Long đánh đuổi quân Thanh. Hai là Đảng và quân đội ta tổ chức ăn Tết sớm để bộ đội ta làm cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968 long trời lở đất. Năm nay là Bính Thân, bọn mình chủ động gặp mặt và tổ chức ăn Tết hẳn hoi.

- Sao các cụ không chờ đến năm Thân sau vừa là năm chẵn, lại đúng là Mậu Thân thì ý nghĩa vô cùng.

- Ôi dào! Chú mày nhìn kỹ những gương mặt này đi, liệu mười hai năm nữa còn sót lại được bao nhiêu? Mà có còn thì chắc gì đã bò đi được. Vì vậy năm Thân này bọn mình tổ chức ăn Tết sớm.

****


Cái Tết Mậu Thân 1968 ấy là cái Tết không thể nào quên. Những con người đang nói cười ầm ĩ kia khi đó còn rất trẻ, đang phơi phới tuổi thanh xuân. Được thông báo là ăn Tết sớm, lính tráng cả chiến trường miền Tây Thừa Thiên đều ngạc nhiên và hồi hộp, đoán già đoán non đủ chuyện. Có người nghe lỏm được là ăn Tết xong sẽ hành quân xuống đồng bằng. Cũng là nghe lỏm thế chứ bí mật quân sự có trời mới biết được. Tuy nhiên, cái tin xuống đồng bằng làm cho ai nấy đều háo hức lạ thường. Bao nhiêu năm trên rừng, nếm trải bao gian khổ, hy sinh ác liệt, xuống đồng bằng nghĩa là đánh lớn rồi. Thôi thì cũng phải làm một trận cho ra trò, biết đâu đấy lại là trận cuối cùng để đi đến thắng lợi.

****


Những con người gặp mặt nhau hôm nay không phải là cùng một đơn vị, cũng chẳng phải là cùng nhập ngũ. Họ tìm đến nhau chính là vì cái mùa xuân 1968 ấy đặc biệt quá. Chiến thắng cũng lớn mà hy sinh cũng không hề nhỏ. Mỗi người góp một kỷ niệm, vui có, buồn có. Đến hôm nay, kỷ niệm nào cũng quý báu và cần phải nâng niu, gìn giữ.

- Có thằng nào nhớ chuyện "chè thằng Bình, cháo cụ Hòa" kể cho mọi người nghe đi! Phải nói đúng sự thật, cấm thêm dấm thêm ớt đấy.

- Chuyện "chè thằng Bình" là ở đơn vị tôi. Chả là khi ăn cơm chiều xong, đơn vị tổ chức liên hoan văn nghệ, hát hò, ngâm thơ ầm ĩ. Giữa nhà có một đống lửa, trên đống lửa là nồi chè to đùng dành để kết thúc liên hoan. Xung quanh bếp lửa anh em tranh thủ hơ giày, tất, quần áo... Bỗng thằng Bình nói với tiểu đội trưởng: "Đôi tất của em rơi đâu mất rồi?". Tiểu đội trưởng bảo: "Có khi mày giặt để quên dưới suối". Thằng Bình thần mặt ra một lúc rồi nói quả quyết là nó đã mang về lấy thanh củi chống lên hơ ở quanh nồi chè. "Thế thì cứ vui đi, sáng mai tìm chắc chắn là sẽ thấy". Khi ăn chè, múc đến lượt thứ ba thấy lằng nhằng dưới đáy nồi, nuôi quân tuyên bố là chè có cháy, ai cũng chìa bát xin. Nào ngờ múc lên lại là đôi tất của thằng Bình. Tất cả cười lăn, cười bò, có người giật giọng: "Mày có giặt sạch không đấy hả Bình?". Bình nói là nó giặt rất sạch. Thôi thì, sạch bẩn gì cũng thành chè và vào bụng anh em cả rồi.

- Này, chuyện ấy có bịa không đấy!

- Không bịa một chút nào. Tôi còn ước nếu bây giờ có cái nồi chè ấy, tôi sẽ giữ để ăn dần, trước khi ăn tôi sẽ gọi tên nó. Mọi người có biết không, cả tiểu đội của nó đã hy sinh ở cửa Đông Ba.

Đang ồn ào thế mà tất cả lặng đi, mắt người nào cũng ầng ậc nước. Cái ác liệt của năm ấy vẫn ăm ắp trong tâm trí mọi người, cứ nhắc đến là lại trào ra không sao ghìm lại được.

Giọng ông Tâm lạc đi:

- Thôi đi nào, mừng xuân đón Tết thì phải vui, những bạn bè nằm xuống không muốn chúng ta buồn bã mãi đâu. Ai nhớ rõ chuyện "cháo cụ Hòa" thì kể đi.

- Chuyện "cháo cụ Hòa" buồn cười lắm! Chả là khi ấy khu ủy có chủ trương ghép một số cán bộ tuyên huấn, báo chí, văn nghệ đi cùng với đơn vị chiến đấu để tác nghiệp. Tôi làm liên lạc trung đoàn, mọi người đón cụ rất thân mật. Gọi là cụ cho vui chứ tuổi tác so với trung đoàn trưởng cũng ngang nhau. Quân nhu cấp cho cụ đầy đủ quân tư trang như một người lính. Trước khi đi ngủ, cụ mang ra thử, áo bỏ trong quần, giày cao cổ nai nịt gọn gàng. Chả hiểu trời xui đất khiến thế nào cụ cứ để nguyên như thế lăn ra ngáy khò khò. Gần sáng có tiếng bom nổ phía xa, theo phản xạ tự nhiên cụ nhảy khỏi giường lao ra hầm. Không ngờ, hai chân cụ cho cả vào nồi cháo thịt hộp anh em nuôi quân nấu sẵn để bộ đội ăn sớm lên đường. Cũng may nồi cháo đã nguội, chân cụ không hề hấn gì nhưng làm sao lo được bữa sáng cho anh em? Cụ buột miệng: "Từ lúc xỏ giầy đến giờ tớ chưa hề đi xuống đất, có lẽ cháo vẫn còn ăn được". Sáng hôm sau mọi người xì xụp húp, chỉ có mấy người biết chuyện là tủm tỉm cười. Khi bát cháo cuối cùng ăn xong, tiếng cười mới vỡ ra làm cả đơn vị ngơ ngác, phải một lúc sau mới rõ mọi chuyện. Cụ Hòa bối rối, luôn mồm: "Tôi có lỗi, tôi có lỗi". Ngược lại, trung đoàn trưởng vui vẻ như không có vấn đề gì, bảo là: Ông không có lỗi gì cả, biết đâu đó lại là một điềm may. Chả biết có phải may không, cái mùa xuân 1968 ấy, sự sống như hạt gạo trên sàng, vậy mà kết thúc chiến dịch hai ông vẫn còn nguyên vẹn.

****


Bà Tâm đã chuẩn bị xong mâm cỗ cúng gia tiên. Ông Tâm quần áo chỉnh tề xì xụp khấn vái trước bàn thờ đặt trang trọng ở gian chính giữa nhà. Xong xuôi, ông giục anh em bê chiếc bàn ra đặt giữa sân, một mâm cỗ nữa được đặt lên, mỗi người một nén hương lần lượt vái lạy. Tất cả đứng thành một hàng ngang, ông Tâm đứng giữa, chả nghe rõ ông lầm rầm những điều gì, đến đoạn cuối bỗng ông cao giọng:

- Năm nay là năm Thân, bốn mươi tám năm về trước, cũng ngày này toàn chiến trường tổ chức ăn Tết sớm để tiến xuống đồng bằng, giải phóng thành phố Huế. Cuộc chiến ác liệt quá, anh em hy sinh nhiều. Những người còn sống đến hôm nay làm mâm cơm mời những đồng đội đã khuất về cùng vui Tết. Lòng thành này xin kính mong vong linh chứng giám.

Sau một phút im lặng, có người lên tiếng:

- Lẽ ra, chúng ta phải kiếm được ít rau tàu bay, phải làm thêm bát canh môn thục để nhớ lại cái thời gian khổ ác liệt. Mấy thứ bia lon, Cô ca, rượu Tây này sợ bạn bè dưới ấy chưa quen.

- Đất nước hòa bình, cuộc sống phải đi lên chứ! Nhớ về quá khứ là rất đáng trân trọng. Nhưng cứ quẩn quanh với nó mãi không khéo lại trở thành lẩn thẩn đấy.

- Chỉ tiếc là không được đốt pháo. Thời bọn mình những năm còn nhỏ thì bánh pháo tép, tràng pháo chuột là không thể thiếu trong đêm giao thừa và sáng sớm mồng một Tết. Vào chiến trường, bom pháo đinh tai nhức óc suốt ngày suốt tháng. Mà sao chúng nó lắm bom đạn đến thế không biết. Tổ cha cái thằng "kỵ binh bay" đối mặt phía trước, nó đổ quân ngay sau lưng mình. Trực thăng cứ vè vè bâu đến như ruồi. Quần nhau với nó thật là mệt.

- Cái lão này già rồi nên lẫn thì phải, cứ chuyện nọ xọ chuyện kia, cấm đốt pháo là có nhiều lẽ, ai cũng đã biết. Nếu lão thèm tiếng nổ quá thì sang vùng Trung Đông đi, ở đó bom pháo ùng oàng suốt ngày đấy.

Mỗi người một câu, mỗi người một ý, mặt thì già mà nói chuyện thì trẻ, có lúc cứ như trẻ con. Chất lính vẫn còn rất đậm trong những cựu chiến binh này.

Cơm nước xong, ông Tâm tuyên bố:

- Tết năm nay với bọn mình như thế là xong. Phần còn lại vợ con làm gì tùy ý. Tất cả anh em, đúng sáng mồng một tập trung tại đây, chỉ đi xe đạp thôi, chúng ta sẽ lần lượt thắp hương cho tất cả các nghĩa trang liệt sĩ trong huyện.

- Có lẽ phải mất đến mấy ngày mới đi hết lượt.

- Chứ sao, bọn mình ăn Tết rồi. Mấy ngày nghỉ năm nay chỉ dành cho duy nhất có việc ấy.

Tất cả cùng đồng ý. Tiếng cười làm cho những gương mặt già nua giãn ra đôi chút, trẻ trung đôi chút, đưa họ về những năm tháng phơi phới tuổi xuân nơi chiến trường, đưa họ về với cái quá khứ gian khổ, ác liệt, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào.

NGUYỄN PHÚ NINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tết năm Thân đến sớm