Như thường lệ, hôm nay ông Quang và ông Phú lại ngồi nhâm nhi cà phê ở cái quán quen. Nói là quen vì có đến ba năm hầu như sáng nào hai ông cũng ngồi ở đây, ở chính cái bàn nằm khiêm nhường áp sát hè. Các ông uống quen ở đây chẳng phải vì cái vị trí quán đẹp, đành rằng ở trung tâm thành phố vị trí này thật đắc địa. Quán nằm ngay góc đường, nhìn ra một dòng sông nhỏ. Cũng chẳng phải vì cà phê ngon hay vì cô bán hàng xinh xắn mà đơn giản là vì nó tiện. Ông Phú sáng nào cũng thũng thẵng đến tay không, trái lại ông Quang lúc nào cùng kè kè một cái túi to đùng. Nhìn cung cách của hai ông, cô chủ quán nghĩ ngay tới dáng dấp những văn nghệ sĩ nửa mùa. Lâu dần thì hình như không phải, đôi lúc họ nhìn thấy bạn bè hai ông tấp vào đông lắm, phải kê dồn ba cái bàn mới đủ chỗ. Trong số đó có cả những quan chức cấp tỉnh đã nghỉ hưu. Chuyện trò cười nói thoải mái, chả có sự ngăn cách nào. Đôi khi cao hứng họ còn đọc thơ, ông Quang thì rút giấy bút trong túi ký họa chân dung bạn bè, vui đáo để. Hai ông trở thành khách ruột của nhà hàng và cô bán hàng cũng nhận ra họ là những vị khách rất nghiêm cẩn.
Đã qua ngày ông Công, ông Táo, đoạn đường phía trước quán nơi tiếp giáp bờ sông được dành cho chợ hoa Tết, khách vào quán đông hơn, nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường.
- Ông Phú này, hình như Tết năm nay đến sớm thì phải? Hoa Tết, cây cảnh đã ngập cả thành phố.
- Năm nay nhuận, Tết đến như thế là muộn, nhưng sớm hay muộn với tôi chả quan trọng gì. Đào, hoa đã có con lo, bánh chưng thịt mỡ đã có vợ chuẩn bị, mình có nhúng tay vào cũng chẳng ai khiến, thành ra cứ thong dong như không.
- Tôi thì cũng vô tích sự như ông. Nhưng, nhìn mọi người vội vàng chuẩn bị Tết, tôi lại nhớ cái Tết cách đây đã hơn bốn mươi năm.
–—
Quang là anh lính chạy loong toong ở Ban Tuyên huấn của một binh trạm hậu cần. Chả là, nhờ có tý hoa tay vẽ vời, kẻ chữ, cắt chữ mà không phải đi xúc đất đá ngoài mặt đường. Khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, trưởng ban đưa cho một tờ quyết định và nói:
- Quân khu mở lớp bồi dưỡng nòng cốt văn hóa - văn nghệ cơ sở ở Quảng Bình, binh trạm cử cậu đi học. Chuẩn bị xong lúc nào đi lúc ấy, đang mùa khô xe vào xe ra nhiều đi nhờ cũng dễ. Nếu không, chờ hai ngày nữa binh trạm có xe ra ngoài ấy thì theo đi luôn.
Đúng là một tin vui bất ngờ. Chờ hai ngày nữa thì không được, nhỡ các bố lại thay đổi không cho đi là hỏng bét, thế là Quang nhanh chóng chuẩn bị, ngay buổi chiều đã ba lô gọn gàng ra đường tuyến vẫy xe nhờ đi ra Bắc.
- Nhờ đi đâu đấy? Bê "quay" hả?
- Bác tài ơi! Hiệp định Pa-ri ký rồi, ai lại còn phải Bê "quay". Em được cử đi học ngoài Quảng Bình, có giấy tờ đàng hoàng, bác xem thì biết.
- Thì tao hỏi thế thôi! Lên xe đi, ngồi trong ca bin cho khỏi bụi, buồn ngủ cứ tự nhiên, tao quyết định đi một mạch ra ngoài đó, rồi xin đi tranh thủ thăm mẹ đĩ, còn ba ngày nữa là Tết rồi.
Đường xấu, xe to vật lộn suốt cả ngày đêm. Sáng sớm hôm sau đã có mặt ngoài hậu cứ, Quang nhanh chóng gặp ban tổ chức, cầm tờ giấy giới thiệu, đồng chí trưởng ban vui vẻ.
- Đồng chí ở B4 ra à! Đã có nhiều anh em đến tập trung. Đúng sáng ngày mùng bảy Tết ta khai giảng. Những ai ở gần quê đã tranh thủ về thăm nhà. Đồng chí tính toán xem, nếu không tranh thủ về được thì chúng tôi sắp xếp chỗ ăn, chỗ nghỉ, cũng nhờ vào dân cả thôi! Tết năm nay dân mình chuẩn bị sớm và chu đáo lắm.
Vào ở nhà dân, ông chủ đon đả:
- Quê xa thì ở lại ăn Tết với gia đình tôi. Hiệp định Pa-ri ký rồi, Mỹ phải cút hết, thằng ngụy thì sức được mấy nả mà đương đầu với quân giải phóng. Thắng lợi đến gần lắm rồi, cứ coi Tết này là cái Tết hòa bình cũng được, tha hồ mà vui.
Nhìn cái không khí Tết, Quang thấy nhớ nhà quá. Đã hơn bốn năm anh xa quê, tính toán một lúc Quang dứt khoát:
- Em phải tranh thủ tạt qua nhà mấy ngày Tết, dù chỉ được ở nhà một ngày cũng mãn nguyện rồi.
- Thế thì đi luôn bây giờ đi, cái gì không cần thiết thì để lại tôi giữ cho! Ông chủ nhà xuống bếp mang lên một cặp bánh tét: "Cầm đi mà ăn đường, hàng quán mất thời gian lắm, phải tranh thủ, lên xe tôi đèo ra ngoài quốc lộ".
Ngồi sau chiếc xe đạp của ông chủ nhà mới quen, chừng ba mươi phút sau Quang đã có mặt bên đường Một. Cũng chả nhớ là đi nhờ bao nhiêu chặng xe, ngủ lúc nào, thức lúc nào, mãi chập tối ngày mồng hai Tết, Quang mới có mặt ở nhà. Cả nhà mừng lắm, chuyện trò ran ran, bố Quang cao giọng:
- Sáng mai thịt con lợn, cứ phải có lòng lợn tiết canh mới ra cái Tết. Mời hết họ hàng, làng xóm đến, cứ coi như nhà mình ăn Tết muộn, muộn mà vui.
Tắm rửa qua loa, Quang lên giường thiếp đi lúc nào không biết, người ra vào tấp nập chuyện trò cứ um cả lên. Ai đến mẹ cũng nhắc:
- Cháu nó mệt, ngủ thiếp đi rồi, có hỏi han chuyện trò gì cứ để đến sáng mai.
Tiếng lợn kêu, tiếng rậm rịch làm Quang bừng tỉnh giấc. Cái không khí Tết quê hương làm cho anh tỉnh hẳn. Cứ tưởng bố nói đùa nào ngờ bố thịt lợn thật. Ngày Tết ngày nhất, thức ăn thiếu gì mà các cụ lại còn quật thêm một chú lợn đến bốn năm chục cân. Quang sà vào chỗ này, mời nước tiếp chuyện chỗ kia, nhoáng một cái đã đi tong buổi sáng mùng ba Tết. Cỗ được dọn lên, khách khứa đông đủ cả, cô dì chú bác vào thăm hỏi, cái không khí Tết của cả làng như dồn cả vào nhà Quang. Ông bố dõng dạc:
- Mời tất cả mọi người vui Tết với gia đình tôi, cháu Quang được cử đi học, nó tranh thủ về Tết, mai lại đi rồi nên chắc là không thăm hỏi được hết bà con họ hàng xóm láng. Tôi mời mọi người bữa cơm Tết cũng là dịp để cháu nó gặp gỡ, thăm hỏi, chuyện trò, hoàn cảnh nó như thế mong mọi người thông cảm.
- Có gì mà phải văn hoa thế. Đã gọi là tranh thủ thì thời gian eo hẹp là cái chắc. Quân lệnh như sơn. Ngày mai cháu cứ việc lên đường cho đúng hẹn, không đến thăm chúng tôi được thì giờ chúng tôi đến thăm cháu có sao đâu. Nhà này năm nay ăn Tết muộn, muộn nhưng mà vui, có phải không bà con?
- Muộn gì mà muộn. Hiệp định Pa-ri ký rồi, chắc chắn bộ đội sẽ được đi phép. Thằng Cả nhà tôi về lúc nào là tôi mổ lợn lúc ấy, cứ coi như là Tết, mà còn vui hơn Tết ấy chứ!
- Ái chà chà! Cứ thế này thì năm nay làng mình ăn Tết quanh năm bà con ạ!
Mấy bà đã kịp đảo qua về nhà, chạy vội sang đon đả.
- Ngày Tết chả có gì, cháu cầm lấy cái bánh chưng mang đi ăn đường.
- Thôi bác ơi! Nhiều lắm rồi, nặng quá cháu đem đi sao được.
- Cứ nhận lấy cho bác vui, mấy năm rồi ở nơi hòn tên mũi đạn trở về, ngày Tết chả mời được cháu bữa cơm thì cũng phải có chút quà chứ!
Nhoáng một cái mà đã hết ngày mồng ba Tết. Cái mệt, cái buồn ngủ sầm sập kéo đến. Ông bố dứt khoát:
- Thôi, đi ngủ sớm lấy sức mai còn đi. Bố mẹ nhớ con lắm, về được thế này là mừng rồi, ai chẳng muốn giữ con ở lại vài ngày nhưng đã là bộ đội thì không thể sai hẹn. Quà Tết cứ mang cho anh em, đầy một ba lô bánh chưng là được, nặng nhẹ đã có tàu xe nó chịu. Sáng mai bố con mình một xe đạp, con út mượn thêm chiếc xe của bác đội trưởng đèo ba lô bánh chưng ra ga.
–—
- Sao ông đi sớm thế, mới là ngày mồng bốn Tết, ở thêm một ngày không được à? - Tiếng ông Phú kéo ông Quang về thực tại.
- Ông tưởng ngày xưa đi lại dễ dàng lắm sao? Mấy chặng tàu xe, mà tàu xe lại chậm như rùa, may mà chỗ nào mình cũng được ưu tiên nên tối ngày mồng sáu đã có mặt. Sáng hôm sau lên lớp, buồn ngủ rũ ra, ngồi học toàn ngủ gật, may mà mấy ông giáo viên và bạn bè thông cảm, phải mất đến một tuần tôi mới trở lại bình thường.
Vừa lúc ấy, một ông chắc cũng là chỗ quen biết bước vào:
- Chào hai ông! Cho tôi xin ly cà phê, chọn từ sáng, đi mỏi cả chân mà chưa kiếm được cây đào ưng ý.
- Chắc là ông kén chọn quá! - Ông Phú trêu.
- Cái giống đào ngày Tết nó lạ lắm! Khi ở ngoài chợ, kén chọn mặc cả thì chê lên chê xuống, vậy mà khi đã mua xong đặt ở nhà thì ai đến cũng khen. Nào là: "Cây đào của bác năm nay đẹp quá, đủ cả lộc, cả nụ, cả hoa thật là tuyệt". Hay như: "Cây đào nhà bác tuy ít nụ, ít hoa nhưng cái thế của nó thì không chê vào đâu được, chọn đào như thế mới gọi là chọn chứ", lại nữa "Cây đào nhà bác năm nay to thật, đặt vào phòng khách cứ ngợp lên, thật hoành tráng". Hoặc giả "Cây đào nhà bác nhỏ mà xinh, đặt trong nhà thật là hợp lý, cân đối, đúng là người có mắt thẩm mỹ". Nếu đào không được khen thì sẽ là "Bác có cái chậu trồng đào thật là độc đáo, màu men nhã nhặn, kiểu dáng giản dị mà kiêu sa, bác mua ở đâu mà khéo thế, sang năm tôi phải cố kiếm bằng được".
- Đúng là cái giọng văn sĩ! Biết là châm chọc mà cứ phải dỏng tai lên nghe, tức mà lại vui. Tôi cố chọn vì năm nay cháu nó đưa cả nhà từ châu Âu về ăn Tết. Chả là con lớn nhà này sang đấy làm ăn lâu rồi, lấy chồng Tây, chồng con nó chưa biết thế nào là Tết Việt Nam nên mình cũng phải lo cho chu đáo. Vậy mà vẫn có chuyện nằm ngoài tính toán của mình mới chán chứ?
- Sao lại như vậy!
- Chả là chúng nó đã đặt vé, hẹn chiều ba mươi đón ở sân bay, nào ngờ lại xảy ra đình công ở cái hãng máy bay ấy. Hàng trăm chuyến bay bị hoãn, bị hủy, nên chúng nó bảo phải chiều mồng hai Tết mới về đến Việt Nam. Các thứ bánh trái, hoa quả, thịt cá thì có thể để dành lại được, riêng cái không khí của đêm giao thừa thì đành chịu, níu kéo làm sao được cơ chứ! Năm nay nhà tôi đành phải ăn Tết muộn.
- Tôi cứ nghĩ, cách đây trên bốn mươi năm, đất nước còn chiến tranh, đi lại khó khăn nhà tôi mới phải ăn Tết muộn. Nào ngờ, sang thế kỷ hai mốt rồi, "thế giới phẳng" như cái bàn tay mà gia đình ông cũng phải ăn Tết muộn. Chuyện chả biết đâu mà lần.
- Có gì mà phải lo. Ai cũng bảo "vui như Tết", nhà ông ăn Tết muộn có nghĩa là Tết nhà ông dài hơn Tết những nhà khác, thế là niềm vui nhà ông cũng được dài hơn còn gì. Nghĩ như thế cho nó thoáng.
- Nói như ông đúng là hòa cả làng.
Tất cả cùng cười. Hình như tiếng cười không bao giờ đến muộn.
Truyện ngắn của NGUYỄN PHÚ NINH