Tết Đoan ngọ, tìm đến gia đình gần 70 năm làm cơm rượu nếp

03/06/2022 05:56

Cơm rượu nếp là món ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình trong ngày Tết Đoan ngọ, bởi theo quan niệm dân gian, món ăn này có thể tiêu diệt ký sinh trùng, mầm bệnh trong cơ thể.


Gia đình cụ Bầm đã có gần 70 năm làm nghề bán cơm rượu nếp

Cứ vào dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5.5 âm lịch), nhiều người lại tìm đến gia đình cụ Vũ Thị Bầm ở khu 3, phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) để tìm mua cơm rượu nếp bởi hương vị thơm ngon đặc trưng từ bí quyết gần 70 năm làm nghề của gia đình.

Gần 1 tuần nay, gia đình cụ Bầm tấp nập người ra vào, vừa để mua cơm rượu nếp, vừa để hỗ trợ gia đình cụ bán hàng.

Cụ Bầm năm nay đã ngoài 80 tuổi cho biết cụ làm cơm rượu nếp bán từ năm 13 tuổi. Ngày còn trẻ, cụ gánh cơm rượu nếp len lỏi khắp các con phố ở TP Hải Dương. Sau này cụ truyền lại nghề cho con gái lớn là chị Đinh Thị Tuyết. Đến nay chị Tuyết cũng theo nghề ngót 20 năm và chỉ bán tại nhà.


Chị Tuyết theo nghề mẹ gần 20 năm nay

Chị Tuyết bảo bán cơm rượu nếp quanh năm suốt tháng, nhưng đến ngày Tết Đoan ngọ sẽ đông khách hơn hẳn. Ngày thường chị chỉ bán được khoảng chục cân cơm rượu nếp thì đến Tết Đoan ngọ chị phải bán được khoảng 300 kg.

Cơm rượu nếp có hai loại là nếp trắng và nếp cẩm. Theo chị Tuyết, cơm nếp cẩm đắt hơn nhưng lại được nhiều người chọn mua hơn. Năm nay mỗi kg cơm rượu nếp cẩm có giá 70.000 đồng, còn cơm rượu nếp trắng là 60.000 đồng. 

Theo kinh nghiệm làm nghề của cụ Bầm, muốn cơm rượu nếp ngon, chín vừa tới cần phải nấu 2 lần, thời gian vừa đủ thì cơm rượu mới không nát hoặc sống. Cơm rượu nếp nấu chuẩn có thể để tủ lạnh ăn cả tháng cũng không bị sượng.


Cơm rượu nếp được ủ trong lá sen

Khi cơm nếp chín tới được đổ ra nia cho nguội và ủ men, sau đó được gói trong lá sen để hương nếp hòa cùng hương lá sen làm rượu càng thơm hơn. Còn phần nước cốt sẽ để riêng, khi nào khách mua mới rưới vào cho cơm mềm dẻo.

Ngồi bên cạnh nghe mẹ nói chuyện với khách, chị Tuyết tay thoăn thoắt dùng đũa bới cơm rượu ra lá sen, rồi rưới nước cốt vào bán cho khách. Chỉ chưa đầy 15 phút, đã có gần chục lượt khách ra vào hỏi mua cơm rượu nếp. Chị Tuyết bảo khách của chị chủ yếu là khách quen, mua từ nhiều năm nay, biết nhà tìm đến mua chứ chị không cần quảng cáo.

Trong ngôi nhà của mẹ con cụ Bầm luôn thoang thoảng hương thơm của gạo nếp quyện với lá sen cùng hương rượu nồng ấm, mang đến một không khí ấm cúng ngày Tết đặc biệt này.

Tết Đoan ngọ là ngày Tết truyền thống của một số quốc gia Đông Á. Ở Việt Nam, Tết Đoan ngọ hay còn được gọi với cái tên dân dã là “Tết giết sâu bọ” với ý nghĩa đây là ngày tiêu diệt bớt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng. Vào ngày này, người dân thường ăn một bát cơm rượu nếp vào buổi sáng để “giết sâu bọ”, sau đó sẽ thưởng thức các loại hoa quả đầu mùa như mận, vải, xoài…

LINH LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tết Đoan ngọ, tìm đến gia đình gần 70 năm làm cơm rượu nếp