“Tết! Tết! Tết! Tết đến rồi!”, mỗi lần nghe câu hát ấy, con lại thấy bồi hồi vô cùng mẹ ạ. Năm nay con 12 tuổi, nghĩa là con đã được đón 12 cái Tết ấm áp và yêu thương trong vòng tay bố mẹ. Mỗi khi nhắc về thời gian, mẹ thường kể lại chuyện ngày xưa, khi mới sinh ra, con khó nuôi vì hay đau ốm thế nào. Có một bài thơ mẹ viết cho con có những câu: “Ba tháng chưa biết lẫy/Bẩy tháng chẳng biết bò/Mỗi lần trời trở gió/Mẹ lại tìm thuốc ho”. Mẹ bảo ngày ấy, mùa đông với những đợt rét đậm, những cơn gió mùa đông bắc ào về là nỗi ám ảnh sợ hãi của mẹ. Vì những ngày như thế, kiểu gì con cũng ốm. Mỗi đợt ốm dai dẳng đến hàng tuần. Kèm theo đó là biếng ăn, sút cân, thậm chí đi bệnh viện. Mẹ phải bỏ việc cơ quan ở nhà chăm con, phải theo con “đi thăm” hết bác sĩ này đến bệnh viện kia. Nhưng rồi thời gian trôi nhanh, mỗi cái Tết qua đánh dấu con thêm một tuổi. Con lớn lên và cũng khoẻ hơn lên. Không còn cảnh mẹ ngồi ôm con hằng đêm trong lúc con sốt cao, mê sảng nữa. Không còn cảnh con biếng ăn, biếng ngủ khiến mẹ lo lắng bơ phờ nữa… Hôm qua xem lịch, mẹ bảo Tết đến nơi rồi. Tết này con trai mẹ tròn mười hai tuổi. Mẹ gọi con lại để đo. Mẹ vui khi thấy con đã cao gần bằng mẹ. Mẹ đùa: con sắp sửa thành một chàng trai rồi!
Con cũng thấy vui rộn ràng khi Tết đến. Một niềm vui thật khó diễn tả thành lời. Em Bình rất háo hức với Tết, vì theo em ấy, Tết được mẹ sắm cho quần áo đẹp, được về quê ăn Tết với ông bà, được đi thăm họ hàng, thậm chí còn được cho quà, được tiền mừng tuổi. Thì con vẫn vui cùng những niềm vui thơ bé của em, lại có những cảm xúc thật khác với em. Con biết, Tết là con thêm một tuổi, nghĩa là con đã lớn hơn. Trong mắt bố mẹ, con không còn là một đứa trẻ nữa, mà đã dần trở thành một “chàng trai” như lời mẹ vẫn đùa. Mẹ giao cho con nhiều việc nhà hơn. Mẹ để con tự quyết định nhiều việc của cá nhân hơn. Và mẹ cũng hỏi ý kiến con nhiều hơn trong mọi việc. Điều đó làm con rất vui. Thời gian trôi qua đã khiến con trưởng thành hơn nhiều lắm. Con đã biết tự tay làm những tấm bưu thiếp chúc Tết cho bè bạn và thầy cô. Con đã biết tự giác học hành không cần mẹ phải nhắc nhở nữa. Con đã biết thương mẹ mỗi khi mẹ đi làm từ cơ quan về lại phải tiếp tục làm biết bao việc nhà vất vả…
“Tết! Tết! Tết! Tết đến rồi!”, hôm nay nghe câu hát rộn ràng ấy, tự nhiên con lại thấy bâng khuâng. Bởi vì mẹ vừa gội đầu xong. Mẹ xoã tóc ngồi hong, hương lá bưởi toả khắp nhà. Mẹ nhờ con nhổ những chiếc tóc trắng trên tận đỉnh đầu. Mẹ đùa đó là những chiếc tóc trắng đầu tiên trong đời của mẹ. Tự nhiên con nghĩ về thời gian mà thấy mắt cay cay. Con dần khôn lớn thì mẹ cũng dần già đi. Làm thế nào để con vẫn lớn còn mẹ thì không già đi nữa? Mẹ có tin rằng sợi tóc biết nói không? Sợi tóc trắng của mẹ đã nói với con biết bao điều về năm tháng nhọc nhằn của mẹ. Về vết hằn của thời gian đã in dấu, dù rất nhẹ, rất kín đáo, nơi mái đầu của mẹ… Tự nhiên con muốn bật khóc. Tiếng hát vẫn vọng ra trên chiếc loa công cộng treo ngay đầu ngõ nhà mình: “Tết! Tết! Tết! Tết đến rồi!"… Và con chợt hiểu, Tết đến đánh dấu một mốc thời gian quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người. Một tuổi đã qua đi, đón tuổi mới về, không chỉ là thời gian trôi, mà là mỗi con người phải biết ý thức rằng khi lớn hơn lên, khi thêm tuổi mới, thì mình cũng có nhiều việc phải làm hơn. Và có nhiều trách nhiệm hơn.
Tết này con mười hai tuổi. Tết này con lớn thêm lên. Có phải vì thế mà con biết thương ba mẹ nhiều hơn? Con yêu hơn gia đình ấm áp của mình. Tết nhắc con nhiều điều về tình yêu, về thời gian mẹ ạ!
(Nguyễn Đức Hải Dương, lớp 6A, Trường THCS Bình Minh)