Vì cuộc sống mưu sinh, nhiều người đi xuất khẩu lao động đã không thể trở về gia đình hưởng niềm vui đoàn viên trong dịp Tết.
Dù không được nghỉ Tết, nhưng chị Thủy cùng các bạn đồng hương cố gắng tổ chức bữa cơm tân niên ấm cúng
Những lao động này vẫn đang cố gắng làm việc để có nhiều cái Tết đầy đủ, ấm cúng hơn bên gia đình trong tương lai.
Nhớ nhà
8 năm nay, anh Trần Tiến Thành ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) chỉ được đón Tết một lần tại quê nhà. Còn lại 7 cái Tết, anh đón năm mới ở Hàn Quốc với những người bạn đồng hương. Là công nhân sản xuất nhựa, công việc cũng khá vất vả. Người dân Hàn Quốc chỉ dành 3 ngày để đón Tết nên anh Thành phải làm hết ngày 29 mới được nghỉ. Sáng 30 Tết, anh cùng mấy người bạn tranh thủ ra chợ gần nhà trọ mua vài thứ để chuẩn bị đón Tết. Nơi anh Thành ở cũng có cửa hàng bán đồ ăn Việt Nam, tuy giá hơi đắt nhưng các anh cũng cố mua để không khí Tết giống như ở nhà. Mâm ngũ quả với đủ màu sắc được anh Thành bày biện khá đẹp. Ở Hàn Quốc không có nhiều loại quả truyền thống của Việt Nam nên anh chọn những loại khác thay thế để đủ 5 thứ quả gồm chuối, cà chua bi, nho, hồng, dứa. Mâm cơm tất niên do anh Thành cùng bạn bè tự chuẩn bị cũng có nhiều món ăn truyền thống của người Việt như bát canh miến mộc nhĩ, nem rán, thịt gà luộc. Ngoài ra, bánh chưng xanh là món không thể thiếu trong mâm cỗ khá đơn giản của những lao động xa xứ như anh Thành. “Chỉ cần nhìn thấy bánh chưng xanh là đã thấy không khí Tết rồi nên chúng tôi cố gắng duy trì món ăn này”, anh Thành nói.
Những năm mới sang, anh Thành cùng bạn bè cũng trang trí nhà cửa, làm cây hoa đào bằng giấy, tự gói bánh chưng, giò xào… để đón năm mới. Giờ thì đón Tết đơn giản hơn, bởi công việc thường ngày khá bận rộn, sát Tết mới được nghỉ. Mỗi lần Tết về, họ cũng chạnh lòng nhớ nhà, người thân nhưng vì cuộc sống mưu sinh vẫn phải bám trụ nơi đất khách, quê người.
Anh Thành cùng các bạn đi chợ mua sắm đồ ăn chuẩn bị bữa cơm ngày Tết
Không có Tết
Khác với văn hóa Hàn Quốc vẫn đón Tết theo lịch của người châu Á, Nhật Bản đón năm mới theo lịch của người phương Tây. Vì thế, những lao động Việt Nam tại Nhật Bản cũng không được nghỉ Tết. Chị Phạm Thị Thủy ở xã Hưng Thịnh (Bình Giang) sang Nhật Bản được 3 năm thì 2 năm chị không thể về nhà đón Tết cùng gia đình. Là công nhân đóng gói thực phẩm và phải làm theo ca nên chị Thủy cùng các bạn đồng hương không có thời gian để mua sắm. Nhận ca từ 19 giờ hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau, khi về tới phòng trọ, chị và mọi người chỉ muốn đi ngủ nên Tết cũng không khác ngày thường. Năm nay mùng 1 Tết vào ngày thứ bảy nên mọi người được nghỉ cũng chỉ tranh thủ gặp mặt nhau làm bữa cơm sum họp nơi xứ người. “Bên này cũng có nhiều người bán đồ ăn Việt Nam nên đi chợ, mua đồ không khó. Chỉ có điều chúng tôi không được nghỉ, làm việc theo ca nên không có thời gian chuẩn bị hay trang hoàng nhà cửa đón Tết”, chị Thủy chia sẻ. Công việc bận rộn, chị Thủy và các bạn chỉ cố gắng chuẩn bị mâm cơm chào năm mới với nhiều món ăn truyền thống như gà luộc, giò xào, giò lụa, nem rán, xôi gấc…
THANH HOA