Cờ bạc, lô đề, đặc biệt cá độ bóng đá là một trong những trò khiến nhiều sinh viên phải “lận đận” trong vòng xoáy vay nặng lãi...
Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Hải Dương tham gia tuyên truyền phòng, chống ma túy, HIV/AIDS
Ảnh: PV
Tại khu vực gần chợ Thanh Bình (TP Hải Dương) có khá nhiều sinh viên các trường: Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, Cao đẳng Hải Dương, Trung cấp Y tế Hải Dương, Cao đẳng Dược Trung ương… thuê trọ. Khoảng 16 giờ 30 ngày 6-11, trong vai người khách vào uống trà đá tại quán nước nhỏ nằm ngay góc đường Vũ Hựu, gần chợ Thanh Bình, chúng tôi chứng kiến cảnh ghi lô đề diễn ra khá công khai. Không ít khách hàng của quán là sinh viên. Khoảng 15 phút sau, có một nhóm sinh viên vào ngồi uống nước và không quên mượn bảng kết quả xổ số ngày hôm trước để “nghiên cứu”. Một anh nói: “Hôm qua tao đánh 20 điểm lô con 28, tối soi toét mắt mà không có, nuôi nó đi đứt cả tháng tiền ăn mà không được. Hôm nay, chúng mày có thích con nào để tao "đập" gỡ”. Đám bạn ngồi có vẻ trầm tư, người thì hô 33, người thì phán 63: “Hôm qua tao để ý về đầu 5 rồi thì hôm nay khó về lắm, mấy hôm nay chưa thấy đầu 6, đuôi 3 về hôm nào nên kiểu gì tối nay cũng có, đánh ngược 36 nữa là OK", một sinh viên phân tích. Cuộc tranh luận của những sinh viên này càng trở nên sôi nổi, dường như mỗi sinh viên là một "chuyên gia" trong lĩnh vực này.
Các quán nước, tiệm cầm đồ xuất hiện khá nhiều gần trường đại học, cao đẳng
Theo một sinh viên đang học tại Trường Đại học Thành Đông chia sẻ thì để có kinh nghiệm phán đoán, chọn số như hiện nay, chiếc xe máy Dream của cậu cũng ra vào quán cầm đồ tới 3-4 lần, còn máy vi tính được cho đi “ở” bao nhiêu lần thì cậu không nhớ. “Nếu trúng lô đề thì bọn em có tiền chuộc, không thì về nhà nói phải học thêm tiếng Anh, tin học để xin tiền bố mẹ, kiểu gì cũng phải chuộc mà”, cậu sinh viên này chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng Công an phường Thanh Bình cho biết: Hiện tại, trên địa bàn phường có rất nhiều cửa hàng dịch vụ in-tơ-nét, cầm đồ mà đối tượng phục vụ chủ yếu là học sinh, sinh viên. Lực lượng công an phường đã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở những hộ kinh doanh vi phạm giờ mở cửa, tuy nhiên, nhiều hộ sử dụng mánh khóe để qua mặt lực lượng chức năng. Như ở các quán kinh doanh in-tơ-nét cứ tới 23 giờ là họ đóng cửa, tắt điện im lìm, nhưng bên trong mọi hoạt động chơi game vẫn diễn ra. Kể cả những quán ghi lô, đề đều hoạt động trá hình như bán xổ số, xổ số lô tô và chúng sử dụng điện thoại để giao dịch nên lực lượng chức năng rất khó xử lý...
Các khu trọ cho sinh viên thuê xung quanh Trường Đại học Sao Đỏ (Chí Linh) cũng không thiếu các quán nước, điện tử, game online và những cửa hàng cầm đồ. Theo quan sát của chúng tôi, dọc con đường từ cổng Trường Đại học Sao Đỏ ra tới đường quốc lộ chỉ chưa đầy 300 m đã có gần 10 quán game online tầm 4 -5 giờ chiều, những quán này luôn đông khách. Có rất ít sinh viên vào những quán này để tìm tài liệu phục vụ cho học tập. Tiếp tục trong vai người khách vào thuê máy chơi game lúc 9 giờ sáng tại một quán game ngay gần cổng trường, chúng tôi thấy quán có khá đông khách đang say mê các trò đánh, giết trên mạng. Qua câu chuyện giữa những người ngồi trong quán, chúng tôi được biết, đây là những sinh viên bỏ học ra chơi game. Một chủ quán nước kiêm chủ cửa hàng nét cho biết: “Giờ này là còn ít, chủ yếu sinh viên ra chơi vào tầm chiều cho đến khi quán đóng cửa. Lắm cậu chơi từ sáng tới tối, ăn uống thì có quán bánh mỳ ngay cạnh, đói thì gọi, vừa ăn vừa chơi game. Nhiều khách nợ tiền nhưng đầu tháng là thanh toán”. Không chỉ nghiện game online, cũng có nhiều sinh viên lao vào trò điện tử xèng. K., sinh viên Trường Đại học Sao Đỏ, cho biết: “Chơi trò điện tử xèng cũng dễ ăn thua cay cú, càng thua càng muốn gỡ nên nhiều khi chỉ chơi xèng cũng mất toi 400-500 nghìn đồng, hết cả tháng tiền thuê nhà”.
Cá độ bóng đá cũng là một trong những trò khiến nhiều sinh viên phải “lận đận” trong vòng xoáy vay nặng lãi. Cứ sau mỗi giải bóng đá ngoại hạng Anh lại có không ít gia đình phải mang tiền lên "trả nợ đậy" cho con vì "nghiện" cá độ. Ông Trần Văn Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sao Đỏ cho biết: Trường nằm ở khu vực nóng về an ninh trật tự, an toàn giao thông, nhiều tệ nạn xã hội tác động đến học sinh, sinh viên. Số lượng học sinh, sinh viên ngày càng tăng, khu nội trú chỉ đáp ứng được 5%, còn lại 95% số học sinh, sinh viên phải thuê nhà ở trong khu dân cư nên rất khó quản lý. Theo thống kê của Phòng Công tác học sinh, sinh viên Trường Đại học Sao Đỏ thì hằng năm trung bình nhà trường có 10 - 13 nghìn học sinh, sinh viên thuê nhà trọ tại 530 gia đình, ở trên 5.000 phòng trọ.
Trong khi các tệ nạn không ngừng “tấn công” vào các làng sinh viên, các nhà trường, các tổ chức Đoàn, Hội cũng đã có nhiều biện pháp nhằm giảm bớt những ảnh hưởng xấu tới sinh viên. Bên cạnh việc thường xuyên tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên thực hiện lối sống lành mạnh, giáo dục truyền thống trong các buổi sinh hoạt Đoàn, Hội, nhà trường còn tổ chức giao ban an ninh theo quý về tình hình an ninh trật tự trong sinh viên ngoại trú giữa lãnh đạo nhà trường, trưởng, phó phòng, khoa chuyên môn, bí thư, lớp trưởng các lớp, đội thanh niên xung kích với đại diện khu phố, công an thị xã, công an phường. Đoàn kiểm tra gồm đại diện khu dân cư, công an phường, đại diện nhà trường tổ chức kiểm tra khu vực ăn ngủ của sinh viên. Qua những buổi kiểm tra, giao ban, nhà trường nắm bắt tình hình của sinh viên ngoại trú, kịp thời nhắc nhở.
Tuy nhiên, để tránh xa tệ nạn thì phải từ chính ý thức của các sinh viên. Chị Nguyễn Tuyết Mai, sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương cho biết: “Đi học xa nhà các bạn sinh viên sẽ phải sống tự lập, tự mình đối mặt với những cám dỗ, điều đó đòi hỏi các bạn phải có bản lĩnh, có kỹ năng sống để tỉnh táo không bị xoáy theo những trò chơi đỏ đen”.
TÂM PHÚC