Theo kế hoạch mới nhất được công bố, tàu vũ trụ Starliner của Boeing dự kiến sẽ rời khỏi Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) trong ngày 6/9 và trở về Trái Đất.
Danh tiếng của Boeing đã bị ảnh hưởng nặng nề sau sự cố của Starliner, theo đó trục trặc động cơ đẩy đã làm rò rỉ khí helium trên đường lên ISS vào tháng 6. Sau sự cố, ban đầu, hai phi hành gia Butch Wilmore và Suni Williams dự định sẽ ở lại ISS trong khoảng một tuần, tuy nhiên thời gian đã bị kéo dài cho đến tháng 2 năm sau. NASA đã quyết định sẽ đưa phi hành đoàn trở về trên tàu vũ trụ Crew Dragon của SpaceX vào năm tới.
Dự kiến, Starliner sẽ tự động tách khỏi trạm vũ trụ vào khoảng 18 giờ 04 phút theo giờ miền Đông (5 giờ 04 phút sáng 7/9 giờ Việt Nam), và hạ cánh tại Cảng vũ trụ White Sands ở New Mexico vào khoảng 4 giờ 03 phút sáng 7/9 ( theo giờ GMT, tức 11 giờ 03 trưa 7/9 theo giờ Việt Nam).
NASA đã quyết định đưa tàu về nhà mà không có các phi hành gia do xác định vẫn có nhiều rủi ro, mặc dù Boeing đảm bảo chuyến bay an toàn. “Ông lớn” hàng không đã tiến hành thử nghiệm trên mặt đất nhằm mục đích mô phỏng lại những trục trặc kỹ thuật mà tàu Starliner đã gặp phải khi bay lên, qua đó đưa ra các kế hoạch để ngăn ngừa các rủi ro tiềm ẩn.
Dự kiến, sau khi tách khỏi trạm, tàu Starliner sẽ thực hiện một cú "đốt phá" mạnh mẽ để bắn ra xa khỏi khu vực phóng, đồng thời ngăn chặn mọi khả năng va chạm. Tàu Starliner cũng được kỳ vọng sẽ thực hiện thành công cuộc hạ cánh với sự hỗ trợ của dù và túi khí - giống như trong hai cuộc thử nghiệm không người lái trước đó vào năm 2019 và 2022.
Các nhóm chuyên gia mặt đất sẽ kiểm tra kỹ lưỡng hiệu suất của động cơ đẩy, đặc biệt là trong quá trình "đốt phá quỹ đạo" khi tàu vũ trụ quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất.
Cách đây hơn một thập kỷ, NASA đã ký với Boeing và SpaceX các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD để phát triển tàu vũ trụ đưa các phi hành gia đến và đi từ ISS, sau khi tàu con thoi ngừng hoạt động. Tuy nhiên, kể từ năm 2020, tập đoàn SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã “vượt mặt” Boeing, khi đã đưa thành công hàng chục phi hành gia vào vũ trụ.