Cuối năm, nhiều làng nghề ở Hải Dương chạy đua với thời gian để tăng sức sản xuất, bảo đảm cung ứng đủ lượng hàng hóa cho khách hàng trong dịp Tết.
Các hộ ở thôn Đông Thôn, xã Quốc Tuấn (Nam Sách) đang tập trung làm hương để bán trong dịp Tết
Sôi độngNhững ngày này, không khí làm việc ở làng nghề hương Đông Thôn, xã Quốc Tuấn (Nam Sách) rất khẩn trương. Khắp làng rộn ràng tiếng máy nghiền, trộn nguyên liệu để làm hương bán Tết. Bà Nguyễn Thị Vĩnh, chủ cơ sở hương Đức Thọ, Hội trưởng Hiệp hội Làng nghề của thôn cho biết: Người Đông Thôn sử dụng hương liệu tự nhiên để làm hương, chủ yếu bằng cây lá và thuốc bắc, hoàn toàn không dùng bất cứ một loại hóa chất nào. Làm hương liên quan đến tâm linh, nên người làm nghề không được phép làm cẩu thả, gian dối. Mỗi mẻ hương trước khi đóng thành phẩm đều được đốt thử để kiểm tra chất lượng, hương phải cháy đều, cháy hết và có mùi thơm đặc trưng... "Hiện đang là thời điểm sản xuất sôi động nhất của làng nghề để đáp ứng nhu cầu mua hương cúng lễ cuối năm và đón xuân mới của người dân. Mỗi ngày nhà tôi làm ra 40 vạn nén hương, tăng gấp đôi so với ngày thường. Để kịp giao hàng cho các đại lý, tôi cũng đã thuê 20 lao động làm việc cả ngày lẫn đêm và 11 chiếc máy làm hương cũng đang hoạt động hết công suất", bà Vĩnh nói.
Những ngày cuối năm việc chế tác bạc ở Châu Khê, xã Thúc Kháng (Bình Giang) cũng sôi động không kém. Chị Nguyễn Thị Chiến, một trong những tiểu thương chuyên gom sản phẩm bạc ở đây cho biết: "Nhu cầu mua hàng bạc mỹ nghệ những ngày áp Tết của người dân tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường. Vì thế cả làng dồn sức làm từ mấy tháng nay". Sản phẩm bạc Châu Khê luôn có mặt trong nhiều cửa hàng kinh doanh mỹ nghệ lớn của Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh vào dịp Tết.
Quan tâm chất lượng sản phẩmCơ sở đúc đồng Nguyễn Thượng Sách ở xã Văn Tố (Tứ Kỳ) đang tập trung sản xuất bộ sưu tập trống đồng, tượng đồng và nhiều sản phẩm tái hiện văn hóa Việt như chùa Một Cột, Khuê Văn Các, tượng Thánh Gióng, rồng thời Lý, nhất là đồ thờ gia đình thuần Việt theo đơn đặt hàng. Ông Nguyễn Thượng Sách, chủ cơ sở cho biết: “Tôi vừa đầu tư hơn 2 tỷ đồng mua máy móc để hoàn thiện công nghệ đúc chân không với nhiều ưu điểm. Nhờ công nghệ này mà chúng tôi tạo ra sản phẩm có độ chính xác cao, chất lượng tốt”.
Để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh và nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ Tết, nhiều hộ ở làng nghề bánh đa Lộ Cương đã đầu tư các loại máy tráng bánh, máy thái mới, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời quan tâm chọn loại gạo chất lượng để tạo ra bánh đa có độ trắng và mềm hơn so với những ngày thường trong năm. Bởi theo tư duy của người làng nghề này thì bánh đa có đắt hơn một chút nhưng ngon người tiêu dùng vẫn chấp nhận. Do đó để phục vụ người tiêu dùng dịp Tết, chất lượng bánh đa luôn được đặt lên hàng đầu. Sản phẩm bánh đa Lộ Cương đang được tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh và một số tỉnh lân cận với 2 loại bánh trắng và bánh màu.
Dịp Tết thường mang lại thu nhập cao cho nhiều người dân làng nghề. Tuy nhiên, do đa phần các làng nghề ở tỉnh ta có quy mô nhỏ, khả năng tài chính hạn hẹp, chủ yếu là nguồn vốn tự có nên dễ bị ảnh hưởng khi thị trường biến động, nhất là dịp Tết. Các sản phẩm của nhiều làng nghề năng lực cạnh tranh còn yếu. Các dự án hỗ trợ xử lý môi trường, đầu tư hạ tầng kỹ thuật làng nghề chủ yếu được lồng ghép thông qua các chương trình khác nhau nên khó tập trung đầu tư đồng bộ. Do đó, để đáp ứng sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm trong dịp Tết của người tiêu dùng và cạnh tranh với sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ Trung Quốc cũng không dễ, đòi hỏi các làng nghề phải chú trọng cải tiến mẫu mã sản phẩm phù hợp; coi trọng chất lượng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Không vì nhu cầu tăng cao dịp này mà tăng giá hay trà trộn hoặc bán sản phẩm kém chất lượng để đánh lừa người tiêu dùng. Có như vậy mới giữ được uy tín và thương hiệu. Bên cạnh đó, để khắc phục khó khăn, tạo thuận lợi cho làng nghề sản xuất, tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng cho những làng nghề làm các sản phẩm phục vụ Tết. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu. Sở Công thương xây dựng hệ thống thông tin về sản phẩm làng nghề, cung cấp rộng rãi trên các báo chí, trang tin điện tử của tỉnh. Về lâu dài cần khuyến khích phát triển mô hình doanh nghiệp tại làng nghề làm đầu mối hỗ trợ cung cấp nguyên liệu đầu vào, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ sản xuất. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm những cơ sở làm ăn chộp giật, ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín của làng nghề dịp này. Hy vọng với sản lượng tiêu thụ dịp Tết tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường, người dân làng nghề trong tỉnh sẽ có thêm thu nhập để có một cái Tết đủ đầy.
THÀNH LONG