Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phát triển nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh vùng miền, tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Thống Nhất
Sáng 26-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đồng chí Nguyễn Anh Cương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hải Dương.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của ngành nông nghiệp trong năm qua khi phải đối mặt với nhiều biến động nhưng vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Thủ tướng Chính phủ khẳng định nông nghiệp, nông thôn là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, đóng góp lớn cho an sinh xã hội của đất nước. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nhiều mô hình mới, cách làm hay xuất hiện, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ những yếu kém của ngành nông nghiệp hiện nay. Đó là thực trạng ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ, khó đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hóa tập trung; hoạt động của các HTX dịch vụ nông nghiệp còn nhiều bất cập; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn yếu kém; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa được kiểm soát; quản lý vật tư nông nghiệp chưa hiệu quả; xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh...
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương chủ trì tại điểm cầu Hải Dương
Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố tạo mọi điều kiện để phát triển nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh vùng miền, tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Chú trọng giá trị, chất lượng nông sản chứ không chạy theo số lượng; tập trung phát triển ngành chế biến nông sản; quan tâm đầu tư vào lâm nghiệp, thủy sản, tránh lãng phí tiềm năng ở lĩnh vực này. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, các địa phương cần tổ chức lại sản xuất, linh hoạt chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, lựa chọn hình thức sản xuất phù hợp nhưng vẫn phải bảo đảm an ninh lương thực. Các địa phương cần có tầm nhìn chiến lược, xây dựng nền nông nghiệp thông minh với giá trị sản xuất cao, hướng đến mô hình "nông nghiệp - du lịch". Các tỉnh, thành phố xây dựng kịch bản đối phó với thiên tai, hạn chế tối đa ảnh hưởng của thiên tai tới sản xuất nông nghiệp; hiện đại hóa hạ tầng nông nghiệp, nông thôn nhằm nâng cao năng lực phòng chống thiên tai.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hải Dương, năm 2016, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh đạt 17.155 tỷ đồng (tăng 1,8% so với năm 2015), giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 136,3 triệu đồng (tăng 1,1 triệu đồng/ha). Toàn tỉnh có 98 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2017, Hải Dương phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 1,7% và thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
PV