Tập trung diệt chuột bằng thuốc vi sinh

07/03/2014 04:10

Những năm gần đây, tình trạng chuột phá hoại lúa ngày càng gia tăng là một trong những nguyên nhân khiến năng suất lúa của huyện Thanh Miện không đạt kế hoạch đề ra.


Năm 2013, ở nhiều xã, thị trấn trong huyện đã có không ít diện tích bị mất trắng do chuột phá hoại. Do vậy, việc diệt chuột ngay từ đầu vụ chiêm xuân được huyện đặc biệt quan tâm.

Ngay sau khi gieo cấy xong lúa chiêm xuân với tổng diện tích trên 7.200 ha, huyện Thanh Miện đã khẩn trương chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện các biện pháp diệt chuột. Năm nay, nhờ sử dụng thuốc vi sinh Cat 0,25 WP do UBND tỉnh hỗ trợ nên việc diệt chuột ở các địa phương trong huyện đều cho hiệu quả rõ rệt. Ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Lê Hồng cho biết: Năm 2013, do chuột phá lúa nên HTX phải đền bù 35 triệu đồng cho bà con. Do đó, vụ chiêm xuân này HTX chỉ đạo các tổ diệt chuột bằng mọi biện pháp, tập trung vào 3 đợt chính (đổ ải, sau gieo cấy và trước khi lúa làm đòng). Ngay sau khi nhận được trên 50 kg thuốc Cat 0,25 WP, xã đã phân phối cho các tổ diệt chuột, hướng dẫn kỹ thuật cách đặt mồi, đặt bả... Ngày nào Ban quản trị HTX cũng thăm đồng để nắm bắt tình hình. Có những khu đồng ở các thôn Ba Hai, Quốc Tuấn, Đông Hoành Bồ… trước đây vụ nào cũng phải cắm cờ, căng ni-lông, đặt bẫy mà lúa vẫn xác xơ thì nay chưa có dấu hiệu bị chuột cắn phá.

Diệt chuột bằng bả sinh học không phải là biện pháp mới ở Thanh Miện. Trái lại, các địa phương trong huyện thực hiện từ nhiều vụ trước. Tuy nhiên, trước đây nhiều tổ dịch vụ ở các HTX thường mua phải thuốc kém chất lượng nên chuột ăn không chết. Vụ chiêm xuân này, ngoài việc tiếp nhận 758 kg thuốc do tỉnh hỗ trợ, một số HTX trực tiếp mua thuốc diệt chuột của Trung tâm Khuyến nông tỉnh với giá 3,5 triệu đồng/kg.

Việc sử dụng thuốc diệt chuột chất lượng đã mang lại hiệu quả song khi cây lúa bước vào giai đoạn đứng cái, phân hóa đòng chuột không ăn mồi mà sẽ chuyển sang ăn lúa. Do đó, biện pháp diệt chuột thủ công đã được các cơ quan chức năng của huyện Thanh Miện sớm tính đến. Nhằm chi trả ngày công cho những người tham gia diệt chuột, một số HTX Dịch vụ nông nghiệp như Ngũ Hùng, Cao Thắng… đã xây dựng lại đề án thu phí dịch vụ đánh bắt diệt chuột tăng từ 5-10 nghìn đồng/sào/vụ so với trước; số người diệt chuột tại mỗi tổ cũng chỉ còn 2 người so với từ 3-4 người trước đó. “Từ mức phí 12 nghìn đồng/sào/vụ kể từ vụ mùa năm 2013, phí dịch vụ diệt chuột tại xã Cao Thắng đã tăng lên 18 nghìn đồng/sào/vụ. Nhờ đó, người diệt chuột đã nâng cao trách nhiệm với công việc. Vụ mùa năm 2013, tỷ lệ chuột cắn phá lúa ở xã rất thấp, số xã viên nhận tiền đền bù chỉ đếm trên đầu ngón tay”, bà Phạm Thị Nguyệt, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Cao Thắng cho biết.

Việc tăng phí diệt chuột ở nhiều xã là giải pháp phù hợp đang được áp dụng ở Thanh Miện nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về tinh thần, trách nhiệm của các tổ, đội. Các biện pháp phát quang bờ, bụi rậm, dọn mương máng đến soi đèn, săn đuổi, đặt bẫy, cạm… đều được họ tích cực thực hiện. Nhiều tổ còn sáng tạo ra cách đánh bắt diệt chuột hiệu quả như sử dụng lò hun bằng khói cao su. Vào đợt ra quân, bất chấp sáng, trưa, chiều, tối, những người diệt chuột đều có mặt trên khắp các cánh đồng. “Khi nhận nhiệm vụ diệt chuột chúng tôi luôn xác định rõ trách nhiệm để tìm ra nhiều kinh nghiệm đánh bắt. Mặc dù tổ chỉ có 2 người song nhờ kết hợp nhiều biện pháp và phối hợp chặt chẽ với các xã viên nên nhiều vụ qua nhiều gia đình không phải mất công, mất tiền mua ni-lông che chắn ruộng để phòng, chống chuột”, bà Đỗ Thị Mây, Tổ trưởng Tổ diệt chuột thôn Văn Khê (xã Cao Thắng) chia sẻ.

HOÀNG NẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tập trung diệt chuột bằng thuốc vi sinh