Tập trung chống hạn vụ xuân 2010

13/01/2010 14:03

Trước tình hình hạn hán đang đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất vụ xuân, các cấp, ngành, địa phương đang khẩn trương triển khai các biện pháp chống hạn để bảo đảm nước tưới cho hơn 67 nghìn ha diện tích gieo trồng.


Xã Tân Hưng (TP Hải Dương) vớt bèo khơi thông dòng chảy. Ảnh: M.M
Tình hình hạn hán ở các tỉnh miền Bắc, trong đó có tỉnh Hải Dương, đang đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất vụ xuân năm 2010. Trước tình hình trên, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đang khẩn trương triển khai các biện pháp chống hạn để bảo đảm nước tưới cho diện tích gieo trồng khoảng hơn 67 nghìn ha.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống hạn tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành kế hoạch làm thủy lợi đông xuân. Các cấp, ngành của tỉnh đã xây dựng 3 phương án chống hạn để bảo đảm giành thắng lợi cao nhất trong sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, trong trường hợp hạn bình thường, khi mực nước xuống thấp tới mực nước thiết kế kéo dài thì nguy cơ xảy ra hạn khoảng 7.344 ha, trong đó huyện Cẩm Giàng sẽ bị hạn khoảng 1.000 ha; Chí Linh khoảng 1.073 ha. Trong trường hợp này, các huyện cần tiếp tục tích cực nạo vét kênh dẫn, tập trung khơi thông dòng chảy các sông trục để lấy nước đạt hiệu quả cao nhất. Tận dụng đỉnh triều lấy nước sông Thái Bình, sông Luộc vào sông trục nội đồng qua các cống dưới đê. Tận dụng những ngày mực nước cao, mở rộng tối đa diện tích tưới đối với các trạm bơm có điều kiện bơm tưới phục vụ sản xuất. Riêng đối với vùng hồ đập huyện Chí Linh, nếu thời tiết không có mưa hoặc lượng mưa bổ sung không đáng kể, phải thực hiện nạo vét một số tuyến kênh dẫn và đặt một số trạm bơm dầu dã chiến để bơm gạn lòng các hồ: Tường Thôn (Văn An), An Bài (An Lạc), Nghè Kinh (nông trường Chí Linh), Trại Nẻ (Thái Học), Suối Găng, Láng Trẽ. Đồng thời tiến hành nạo vét 9 tuyến kênh dẫn, với khối lượng 9.100 m3. Trong trường hợp hạn bình thường, điện phục vụ tưới nước sẽ tăng 904 nghìn kwh do nước bể hút thấp, cột nước địa hình tăng cao đối với các trạm bơm. Kinh phí chống hạn khoảng gần 1,9 tỷ đồng.

Thôn Trại Sen, xã Văn An (Chí Linh) vừa xây dựng 250m kênh dẫn nước kiên cố, kinh phí đầu tư 200 triệu đồng do nhân dân đóng góp, kịp thời phục vụ sản xuất chiêm xuân. Ảnh: Nguyễn Văn Hinh
Trường hợp hạn nghiêm trọng, bên cạnh các phương án điều hành như chống hạn bình thường, các địa phương phải thực hiện nạo vét khẩn cấp ngoài kế hoạch một số sông trục dẫn, đồng thời bổ sung thêm chi tiết các biện pháp đã nêu cụ thể trong kế hoạch phòng, chống hạn của từng huyện. Trong trường hợp xảy ra hạn nghiêm trọng, mực nước sẽ xuống thấp dưới mực nước thiết kế đến 30 cm và kéo dài nhiều ngày, nguy cơ toàn tỉnh sẽ xảy ra hạn hơn 15 nghìn ha. Khi ấy, huyện Cẩm Giàng sẽ phải đóng cống Đầu, cống Đền Bia và sử dụng trạm bơm Tiên Kiều để bơm cấp nguồn vào trung thủy nông Tiên Kiều - Cống Đầu; khu vực Cẩm Định sẽ phải sử dụng trạm bơm Cầu Ghẽ bơm cấp nguồn; khu vực Thạch Lỗi sử dụng trạm bơm Cầu Ghẽ, trạm bơm Kim Quan để tưới hỗ trợ; khu vực Cẩm Điền lắp đặt điểm bơm dã chiến tại bể hút trạm bơm Cẩm Điền để bơm. Đối với huyện Thanh Miện, hầu hết các khu vực sẽ phải lắp đặt các trạm bơm dã chiến để bơm hỗ trợ. Đối với các trạm bơm có khó khăn về nguồn nước ở huyện Gia Lộc, sẽ phải lắp đặt bổ sung các điểm bơm dã chiến giáp sông trung thủy nông để bơm cấp nguồn. Huyện Bình Giang sẽ phải sử dụng một số điểm bơm dã chiến lấy nước từ sông Bắc Hưng Hải và sông trung thủy nông để tưới bổ sung. Riêng khu vực Láng Trẽ (Chí Linh), khi mực nước sông Đông Mai xuống thấp phải đặt điểm bơm dầu ở Cầu Ô lấy nước sông Đông Mai cấp 1 và lắp đặt tiếp điểm bơm dầu tại cống Nghè Ngo, cống Anh Tiêu để bơm cấp 2. Các huyện thuộc vùng triều như Ninh Giang, Tứ Kỳ, Kim Thành... cần tranh thủ các con triều để lấy nước trực tiếp từ sông ngoài, lấy nước ngược qua hạ lưu, chủ động bơm tưới và trữ nước trong đồng, khi cần thiết phải sử dụng và lắp đặt thêm các trạm bơm dã chiến bơm gạn các kênh trục lớn để lấy nước. Cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ độ mặn để lấy nước vào đồng, bảo đảm chất lượng, trong trường hợp độ mặn vượt mức cho phép phải tạm dừng lấy nước, chỉ sử dụng lượng nước chứa trên kênh trục để tưới, khi độ mặn giảm thấp sẽ tích cực lấy nước tối đa vào đồng để tưới và dự trữ cho các đợt tiếp theo. Trong trường hợp này cần hơn 1,87 triệu kwh điện tăng thêm để phục vụ bơm nước, nạo vét khẩn cấp hơn 194 nghìn m3, sử dụng hơn 79,5 nghìn lít dầu đi-ê-den... với tổng kinh phí tăng thêm là hơn 10 tỷ đồng.

Hạn đặc biệt nghiêm trọng xuất hiện khi mực nước tiếp tục xuống thấp hơn nữa, nguy cơ toàn tỉnh sẽ xảy ra hạn hán khoảng hơn 23,5 nghìn ha. Khi đó, hầu hết các huyện như: Cẩm Giàng, Thanh Miện, Gia Lộc, Bình Giang, Chí Linh sẽ phải bố trí, lắp đặt thêm các trạm bơm dã chiến. Các huyện thuộc vùng triều cần tiếp tục lắp đặt thêm các trạm bơm dã chiến để bơm nước ngoài sông trục. Trong trường hợp này, sẽ cần hơn 2,3 triệu kwh điện, nạo vét khẩn cấp hơn 259 nghìn m3 đất... kinh phí tăng thêm sẽ là hơn 13,4 tỷ đồng.

Tình hình hạn hán vẫn diễn biến phức tạp khi lịch đổ ải và gieo trồng vụ chiêm xuân đang đến rất gần, các địa phương cần khẩn trương thực hiện các phương án chống hạn thích hợp. Đặc biệt là tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí. Cần bám sát diễn biến của thời tiết, khí tượng - thủy văn để kịp thời ứng phó, tất cả vì mục tiêu giành vụ xuân năm 2010 thắng lợi.

VŨ ÚY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tập trung chống hạn vụ xuân 2010