Để giúp cây lúa phát triển sau suốt thời gian dài vừa qua gặp phải thời tiết rét đậm, rét hại, nông dân có thể sử dụng chế phẩm bón gốc và bón lá để kích thích bộ rễ phát triển, ra lá và đẻ nhánh.
Mặc dù cấy được gần 2 tháng, nhưng ruộng lúa của người dân thôn Chằm,
xã Phương Hưng (Gia Lộc) vẫn còn nguyên cây mạ. Ảnh: Vị Thủy
Bà Trương Thị Nhượng ở thôn Hữu Chung, xã Hồng Quang (Thanh Miện) chỉ tay xuống ruộng lúa đã ngả sang màu vàng than thở: “Vụ này nhà tôi cấy 8 sào, gặp phải đợt rét kỷ lục vừa rồi nên toàn bộ diện tích mạ dược bị chết, tôi phải chuyển sang cấy mạ sân và gieo vãi. Gần 2 tháng rồi mà cây lúa không đẻ nhánh được. Thậm chí, lúc cấy thế nào giờ vẫn còn nguyên thế đó. Theo thông báo của HTX, tôi không dám bón phân, đạm mà chỉ tát nước để giữ chân ruộng”. Chỉ tay ra những ruộng lúa xung quanh, bà Nhượng nói: “Anh xem, lúa của các hộ khác cũng tương tự như lúa nhà tôi, rất nhiều ruộng lúa bị vàng đầu lá. Chỉ ruộng nào được cấy bằng mạ dược thì cây lúa mới có màu xanh. Ruộng nào cấy bằng mạ sân hoặc gieo vãi lúa chưa hề đẻ nhánh, cây lúa vẫn giống như cây mạ”.
Nông dân Ninh Giang tập trung chăm sóc lúa xuân. Ảnh: Ngọc Thủy
Gia đình bà Nguyễn Thị Hương ở xã Tân Hương (Ninh Giang) cấy 2 sào lúa, bằng các giống Khang dân, 13/2 và P6. Do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại khi lúa đang ở giai đoạn phát triển nên gần 1 sào cấy giống lúa 13/2 của gia đình bà đã bị đỏ đầu lá, cây lúa vẫn như cây mạ, không thể đẻ nhánh được. Bà đã phải tỉa dặm mấy lần nhưng cây lúa vẫn còn rất thưa, nhiều khoảnh ruộng có biểu hiện bị chết. Theo khuyến cáo của HTX, đợi vài ngày nữa nắng ấm lên bà sẽ phun một vài loại thuốc kích thích cho lúa phát triển.
Tiến sĩ Lê Đình Sơn, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT) cho rằng, lúa gieo thẳng sinh trưởng chậm hơn lúa cấy mạ sân và lúa cấy mạ sân sinh trưởng chậm hơn lúa cấy mạ dược. Hai giống 13/2 và BTS7 bị ảnh hưởng nặng nhất. Một số diện tích đang bị nghẹt rễ và vàng lá sinh lý. Hiện tại, thời tiết đang ấm dần và nông dân đang tích cực chăm sóc lúa. Nhưng vì tâm lý sốt ruột, nên việc chăm sóc chưa hợp lý. Nhiều hộ nông dân bón đạm urê vượt so với quy trình, thậm chí có những hộ sử dụng 1 lọ Neb26 + 2kg urê cho 1 sào lúa. Một số hộ dùng chất kích thích không theo chỉ dẫn... Điều này khiến chi phí tăng cao và không an toàn cho cây lúa ở giai đoạn sau. Để khắc phục tình trạng cây lúa sinh trưởng chậm do thời tiết, Sở NN&PTNT yêu cầu nông dân cần tập trung bón thúc ngay, bón đủ lượng và phải bảo đảm cân đối NPK, nhất là kali cho tất cả các trà, giống lúa theo quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn. Những chân ruộng không đủ phân chuồng và phân vi sinh bón lót thì có thể bón tăng thêm NPK, nhưng vẫn phải bảo đảm cân đối, nhất là không được thiếu kali. Với lúa gieo thẳng giống 13/2, BTS7 sinh trưởng và phát triển chậm, bị nghẹt rễ, vàng lá thì có thể bón bổ sung thêm 2 - 3 kg urê/sào, nhưng phải bón kèm thêm 1 - 1,5 kg kali. Tuyệt đối không bón nhiều đạm khiến lúa bị lốp và sâu bệnh gây hại nặng. Đối với chân ruộng chua, trũng, lúa sinh trưởng kém cần khẩn trương bón phân chuồng hoai mục (nếu có) hoặc phân lân, phân vi sinh kết hợp làm cỏ sục bùn tạo độ thoáng khí cho rễ lúa phát triển. Nông dân có thể sử dụng chế phẩm bón gốc và bón lá để kích thích bộ rễ phát triển, ra lá và đẻ nhánh. Đồng thời, việc cung cấp nước cho các chân ruộng cần chú ý không để úng hoặc hạn gây ảnh hưởng xấu đến tốc độ đẻ nhánh và tỷ lệ nhánh hữu hiệu của cây lúa.
SONG THỦY