Với hình thức đăng ký trực tuyến trên website, các doanh nghiệp chỉ cần điền thông tin của doanh nghiệp rồi chờ ngày được cung cấp hợp đồng sử dụng điện...
Việc cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng giúp doanh nghiệp sớm có nguồn điện để đi vào sản xuất, kinh doanh
Thực hiện Thông tư 33 của Bộ Công thương về cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương (gọi tắt là Công ty Điện lực Hải Dương) đã có nhiều giải pháp phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khi đăng ký sử dụng nguồn điện do đơn vị cung cấp.
Công ty CP Thép Hòa Phát (Kinh Môn) đang gấp rút triển khai giai đoạn 3 của dự án. Dự kiến, cuối năm nay dự án sẽ đi vào hoạt động, sử dụng 1,9 triệu kWh/ngày. Để đáp ứng được nhu cầu đó, công ty đã phải đầu tư trạm điện 220kV Hải Dương 2 và đường dây mạch kép 110kV từ trạm điện 220kV Hải Dương 2. Công ty đã ký thỏa thuận đấu nối máy biến áp T3 với Công ty Điện lực Hải Dương. Ông Đồng Xuân Văn, Trưởng Phòng Thiết bị điện công ty cho biết: "Trước khi đến Công ty Điện lực Hải Dương nộp hồ sơ, chúng tôi đã liên hệ trước qua điện thoại và được nhân viên Phòng Giao dịch khách hàng hướng dẫn nhiệt tình nên hồ sơ được chuẩn bị đúng yêu cầu, không phải bổ sung thêm gì. Sau đó, cán bộ ngành điện chủ động liên hệ với chúng tôi để hoàn thành các bước tiếp theo... Việc làm này giúp chúng tôi giảm rất nhiều thời gian đi lại cũng như tiết kiệm được các chi phí khác". Ông Văn cũng cho biết thêm, so với những lần xin thủ tục cấp điện trước đây thì đây là lần làm thủ tục đơn giản nhất, không phải chờ đợi lâu cũng như không phải bổ sung thủ tục gì.
Đang ngồi chờ làm thủ tục xây dựng trạm biến áp, anh Nguyễn Tuấn Anh, đại diện Công ty CP Dinh dưỡng An Phú, phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) cho biết: "Tôi vào website của Công ty Điện lực Hải Dương thấy việc hướng dẫn các thủ tục rất cụ thể, rõ ràng nên cứ thế làm theo. Hôm nay mang hồ sơ xuống đây, nhân viên bảo đã đủ, không phải thêm giấy tờ gì nữa nên chỉ vài hôm nữa là chúng tôi được xem xét, cấp phép xây dựng trạm".
Ngay sau khi có Thông tư 33, Công ty Điện lực Hải Dương đã thành lập Ban chỉ đạo về cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng. Công ty liên hệ với Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư đăng công khai trên website của các đơn vị này các thông tin, biểu mẫu về trình tự, thủ tục cấp điện. Công ty giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ mua điện và trả lời giải đáp thắc mắc của khách hàng cho Phòng Giao dịch khách hàng. Tại các phòng giao dịch ở các địa phương cũng niêm yết công khai trình tự, thủ tục cấp điện để khách hàng tiện theo dõi. Để thực hiện tốt việc cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, công ty còn bố trí thêm nhân lực, vật lực. Nếu có việc, cán bộ, nhân viên của các bộ phận liên quan phải làm việc thêm giờ, thứ 7, chủ nhật. Kho của đơn vị luôn có đầy đủ vật tư để lắp đặt, cấp điện cho khách hàng. Công ty cũng phân cấp việc tiếp nhận hồ sơ mua điện để tránh chồng chéo và giảm tải công việc. Theo đó, công ty tiếp nhận hồ sơ của khách hàng sử dụng điện từ 2.000 kWh trở lên, Điện lực TP Hải Dương và Điện lực Chí Linh tiếp nhận hồ sơ của khách hàng sử dụng điện từ 1.000 - 2.000 kWh, các điện lực còn lại tiếp nhận hồ sơ khách hàng sử dụng điện dưới 1.000 kWh.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên khi bước vào thực hiện Thông tư 33, Công ty Điện lực Hải Dương không gặp nhiều trở ngại. Anh Nguyễn Công Hoan, cán bộ Phòng Giao dịch khách hàng cho biết: "Khách hàng chỉ cần sử dụng 1 trong 3 hình thức như qua điện thoại, website và email là chúng tôi sẽ hướng dẫn cụ thể, chi tiết giấy tờ, thủ tục để mua điện. Sau đó khách hàng sẽ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trước khi mang xuống phòng giao dịch. Sau khi nhận hồ sơ của khách hàng, chúng tôi gửi đến Phòng Kinh doanh để phòng này và Phòng Kỹ thuật chủ động trả lời khách hàng. Theo quy định sau 3 ngày phải trả lời xong thỏa thuận đấu nối, sau 6 ngày xong thỏa thuận thiết kế, sau 10 ngày nghiệm thu và đóng điện, 2 ngày còn lại là việc ký kết hợp đồng bán điện".
Ông Phạm Nguyên Ban, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Điện lực Hải Dương cho biết: "Nếu trước đây, từ khi khách hàng có hồ sơ đăng ký sử dụng điện đến lúc được đấu nối phải mất từ 60 - 72 ngày, thậm chí còn lâu hơn nữa thì sau khi thực hiện cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng đã giảm xuống chỉ còn 18 ngày. Việc cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng liên quan đến nhiều ngành, cấp chính quyền... nên đơn vị phải đẩy mạnh việc cải cách các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi thì mới đẩy nhanh được việc cấp điện cho doanh nghiệp".
Ngày 10-10-2014, Bộ Công thương ban hành Thông tư 33/2014/TT-BCT quy định một số nội dung rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng. Cụ thể, thời gian đấu nối vào lưới điện trung áp xuống còn từ 36-41 ngày. Trong đó, thời gian thực hiện của đơn vị điện lực là 18 ngày, với 5 bước: tiếp nhận hồ sơ; khảo sát hiện trường; thỏa thuận đấu nối; thỏa thuận thiết kế và nghiệm thu đóng điện, ký kết hợp đồng mua bán điện.
|
NGỌC THỦY