Tạo sân chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế

20/05/2019 14:33

Theo đài RFA, tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu vấn đề bất bình đẳng trong đối xử kinh tế tư nhân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Tôi đề nghị sắp tới, nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân...

“Đừng kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng. Tôi đề nghị sắp tới, nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân...”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói. RFA nhấn mạnh đây là một phát biểu đáng chú ý của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bước tiến đối với tình hình kinh tế tư nhân

Từ Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là một bước tiến đối với tình hình kinh tế tư nhân hiện nay và có thể thấy Việt Nam đang hướng đến cơ chế không phân biệt đối xử, môi trường cạnh tranh bình đẳng. Ông nói: “Cách đặt vấn đề của Tổng Bí thư cho thấy sự tiếp tục thay đổi trong đánh giá vai trò kinh tế tư nhân. Cách đây 5 năm, chính Đảng Cộng sản đã công nhận kinh tế tư nhân là động lực phát triển quan trọng. Mấy năm vừa rồi, kinh tế tư nhân có khởi sắc nhưng cơ chế vẫn bị phân biệt đối xử, chưa bảo đảm các điều kiện phát triển thuận lợi, nên Tổng Bí thư thấy cần tiếp tục giải tỏa, không nên kỳ thị”.

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra ngày 2 - 3.5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng thừa nhận còn nhiều rào cản, vướng mắc về mặt thể chế và pháp luật trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp tư nhân.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tình hình kinh tế tư nhân trong nước tuy còn nhiều khó khăn, nhưng đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Cụ thể, số liệu thống kê hiện nay cho thấy có khoảng 700.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động ở Việt Nam, chưa tính khối đầu tư nước ngoài cũng là một bộ phận của kinh tế tư nhân. Bà nói: “Những năm gần đây, một số tập đoàn kinh tế tư nhân ngày càng phát triển rộng lớn và hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Nếu ban đầu chủ yếu là bất động sản thì bây giờ, họ đang hoạt động trong nhiều ngành công nghiệp, nông nghiệp, các dịch vụ, giáo dục, y tế, kể cả tham gia đầu tư vào những ngành lớn như ô tô, bắt đầu sản xuất cả điện thoại di động, các sản phẩm công nghệ cao. Tôi nghĩ đó là biểu hiện sự phát triển lớn mạnh của kinh tế tư nhân Việt Nam”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ riêng trong năm 2018, có đến 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó gần 128.000 công ty là doanh nghiệp tư nhân.

Theo số liệu của cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, tính từ năm 2010 đến nay, nền kinh tế tư nhân đóng góp trên 43% GDP cả nước.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng trong khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam, khoảng 97% là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, phát triển không bằng những doanh nghiệp tư nhân lớn. Bà giải thích: “Số lượng rất đông nhưng năng lực vẫn còn thiếu về nhiều mặt. Một trong những lý do là việc tiếp cận nguồn lực gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như tài chính, tín dụng, đất đai, các nguồn lực khác hoặc đầu tư mua sắm công, doanh nghiệp tư nhân rất khó tiếp cận mảng kinh tế công đó. Ngay cả thông tin hay nguồn nhân lực chất lượng, khu vực tư nhân vẫn khó khăn hơn so với khu vực nhà nước hoặc đầu tư nước ngoài”.

Doanh nghiệp tư nhân ngày càng lớn mạnh

Vấn đề Chính phủ Việt Nam hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhà nước luôn là vấn đề được các chuyên gia kinh tế đưa ra trong những năm qua. Xác nhận thực tế này vẫn tồn tại trong môi trường kinh doanh hiện nay, bà Phạm Chi Lan cho biết: “Cho đến thời gian gần đây, doanh nghiệp nhà nước vẫn nhận được nhiều sự ưu ái, hỗ trợ của nhà nước. Tất nhiên bây giờ, khi đầu tư, nhà nước chỉ đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước vì nhà nước rút khỏi mảng thị trường mà tư nhân làm. Thay vào đó, khi nào cần thì nhà nước lại áp dụng cơ chế hợp tác công - tư theo dạng TPP để có những dự án nhà nước và tư nhân đều bỏ vốn cùng nhau làm”. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc tạo ra sự cân bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cần được Chính phủ Việt Nam quan tâm và thiết lập rõ ràng hơn.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhận xét: “Tuy những bước cải cách của Việt Nam đang diễn ra khó khăn, đặc biệt là thủ tục trói buộc doanh nghiệp hiện nay, hiệu quả làm việc của bộ máy nhà nước, cơ chế phân bổ nguồn lực còn nhiều vấn đề, nhưng rõ ràng, nỗ lực đang có kết quả tích cực, tuy chậm. Tôi cho rằng nó bảo đảm cho một sự thay đổi không thể đảo ngược được. Đó là điều rất đáng hy vọng”.

Cũng tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ kỳ vọng doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ phát triển và vươn ra thị trường thế giới.

Tại Diễn đàn giới chức Nhà nước Việt Nam cũng nhắc lại mục tiêu đặt ra đến năm 2020 sẽ có 1 triệu doanh nghiệp tư nhân và cố gắng nâng tỷ trọng đóng góp lên đến 50-60% GDP. Từ năm 1996, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu giảm số doanh nghiệp nhà nước giảm số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ từ 12.000 xuống còn khoảng 100 doanh nghiệp vào năm 2020. Tuy nhiên, theo một bài phân tích mới đây của nhà báo David Hutt trên tờ Asia Times, số doanh nghiệp nhà nước vào năm ngoái ở Việt Nam vẫn còn khoảng 500. Các doanh nghiệp nhà nước được cho là ngốn nhiều tiền, ít sinh lãi, trong khi lại có cơ chế quản lý yếu kém.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương 10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng không quên nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Ông đặt câu hỏi: “Kinh tế nhà nước có mặt tốt, nhưng vừa qua có rất nhiều thất thoát. Tuy nhiên, từ chỗ thất thoát như vậy mà dẫn đến coi nhẹ kinh tế nhà nước, chuyển tất cả sang kinh tế tư nhân thì có đúng không?”.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo sân chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế