Nhà viết kịch Tào Mạt (1930-1993), tên thật là Nguyễn Đăng Thục, quê ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Nội). Ông là nhà viết kịch quân đội nổi tiếng với các vở: "Đường về trận địa", "Bài ca giữ nước", "Nguyễn Viết Xuân"... được dư luận đánh giá cao về nghệ thuật và nội dung nêu cao truyền thống, tinh thần yêu nước, đặc biệt là thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Tài năng của Tào Mạt không chỉ có vậy, ông còn là một nhà Hán học, một nhà thư pháp tài năng. Hồi công tác ở báo Quân đội nhân dân, nhà báo Khánh Vân thường được Tào Mạt qua lại, có kể chuyện: Tào Mạt ứng đối thơ chữ Hán với ông lang Thung bị oan ức sau cải cách ruộng đất 1956. Lần ấy nghe lang Thung tâm sự, Tào Mạt lấy giấy bút viết ngay bài thơ bằng chữ Hán sau:
Hầu vân tiêu như mộng
Xuân lai bất tận tình
Đơn biểu ngâm vũ khúc
Thíp trương tục văn danh
Hồng hộc lai chiêu
Quế táng mãn thất đình
Dạ tàn thiên tất bạch
Hùng tráng hề kê thanh
Nghĩa là: Vân khí tan như chiêm bao. Xuân về nói không hết tình. Giỏ cơm bầu nước hát khúc thắng lợi. Cái tráp, cây gậy lại làm thuốc. Chim hồng hộc về sớm tối. Dâu và quế đầy cửa nhà. Đêm tàn trời ắt sáng. Tiếng gà gáy vang!
Sau đó Tào Mạt lại viết tiếp đôi câu đối:
Vô thíp vô mang, phổ độ quần sinh y bạch thủ
Hữu công hữu lợi, cộng đồng chủng lạc mạc không tôn
Nghĩa là: Không tráp, không túi, cứu giúp mọi người đều nhờ bằng bàn tay trắng. Có công thì có lợi, vui cùng nhân dân, đừng để cái chén bỏ không.
Cũng là cách làm công tác tư tưởng đấy mà sâu sắc và tế nhị xiết bao!
Ông lang Thung liền ứng tác ngay bốn câu:
Khoái tai chân hán tử
Thuyết phá tận nhân tình
Ai quân ca nhất khúc
Đồng khí hề đồng thanh
Nghĩa là: Vui thay, thực là người con trai tuyệt vời. Nói vỡ lẽ hết tình người. Mến anh, ta hát một khúc. Thật là đồng khí đồng thanh.
"Chân hán tử" năm ấy Tào Mạt mới hai mươi sáu tuổi. Sự đánh giá và tiên đoán của vị nho sĩ quả không sai.
LÊ HỒNG THIỆN