Sáng kiến không chỉ giúp học sinh viết các bài luận bằng tiếng Anh dễ dàng hơn mà còn tạo được tính chủ động, hứng thú học tập của các em.
Cô giáo Nguyễn Quỳnh Phương hướng dẫn học sinh về các mô hình viết tiếng Anh
Sáng kiến “Áp dụng một số mô hình trong việc hướng dẫn học sinh lập dàn ý nhằm phát triển kỹ năng viết trong chương trình tiếng Anh THPT” của cô Nguyễn Quỳnh Phương, giáo viên dạy tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (TP Hải Dương) không chỉ giúp học sinh viết các bài luận bằng tiếng Anh dễ dàng hơn mà còn tạo được tính chủ động, hứng thú học tập của các em.
Trong học ngoại ngữ, việc phát triển đầy đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết đóng vai trò quan trọng. Trong đó viết là quan trọng nhất bởi qua đó có thể đánh giá mức độ tiếp thu bài và khả năng tư duy của học sinh. Nhưng thực tế khả năng viết bài bằng tiếng Anh của nhiều học sinh còn hạn chế như diễn đạt lủng củng, từ ngữ không phong phú, sai ngữ pháp, có thói quen dịch từng từ, từng chữ mà chưa nắm được văn phong tiếng Anh.
Vốn được sang nước ngoài đào tạo, cô Phương thấy phương pháp dạy ngoại ngữ của người nước ngoài có những điểm khác biệt so với cách dạy và học trong nước. Đó là việc áp dụng phương pháp lập dàn ý, sau đó bổ sung, phát triển thêm các ý phụ để bài viết được sinh động, phong phú hơn. Trong quá trình giảng dạy, cô Phương chủ động áp dụng phương pháp này và nhận thấy đã tạo động lực, tính độc lập, sáng tạo trong tư duy của học sinh.
Trong sáng kiến, cô Phương đã đưa ra một số mô hình để học sinh có thể lựa chọn áp dụng. Đó là công thức phác thảo cơ bản; bản đồ hệ thống câu hỏi; hệ thống sơ đồ cấp bậc; biểu đồ xương cá; mô hình đồ họa hình chiếc bánh hamburger. Mỗi mô hình có ưu điểm khác nhau và tùy vào sở thích, chủ đề bài viết mà học sinh có thể lựa chọn mô hình phù hợp. Song các mô hình đều có đặc điểm chung là học sinh phải soạn được các ý chính, ý phụ cho bài viết, từng học sinh hoặc đại diện cho nhóm báo cáo giáo viên, thuyết minh về tổ chức mô hình mà nhóm thiết lập. Các học sinh thảo luận, bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện tổ chức đồ họa về ý của bài viết. Giáo viên sẽ cố vấn, giúp học sinh hoàn chỉnh tổ chức mô hình, từ đó dẫn dắt chốt các ý chính, ý phụ… Trong quá trình xây dựng đề cương, các em sẽ lựa chọn các hình ảnh bằng cách tự vẽ hoặc tìm kiếm trong các phần mềm trên internet phù hợp, làm cho bài viết thêm sinh động, nhiều màu sắc và để cho người nghe, người xem đỡ nhàm chán.
Em Khánh Linh, học sinh lớp 11D1 Trường THPT Nguyễn Văn Cừ cho biết: “Từ khi áp dụng mô hình này, em biết đâu là nội dung chính, nội dung phụ, bài viết cần triển khai như thế nào. Bài em viết cũng logic, không còn thừa, thiếu như trước đây”.
Với những hiệu quả tích cực đó, sáng kiến của cô Phương được Sở Khoa học và Công nghệ trao giấy chứng nhận sáng kiến tiêu biểu năm 2022.
THANH HÀ