Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, tại phiên họp thứ 23 diễn ra vào chiều 12.5.
Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, việc xây dựng Luật nhằm góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư.
Dự thảo Luật có 3 điều. Cụ thể, Điều 1 sửa đổi 13 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019. Tập trung vào 2 nhóm nội dung: Cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử; xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Điều 2 sửa đổi 7 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), tập trung vào 2 nhóm nội dung: Tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam; Quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Điều 3 của dự thảo Luật là về hiệu lực thi hành.
Thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật với những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn như trong Tờ trình của Chính phủ.
Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật về xuất nhập cảnh hiện hành góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước; Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh cho phù hợp với thực tiễn hiện nay; tạo điều kiện thuận lợi, thu hút hơn nữa người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam…
Về hồ sơ dự án Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, Chính phủ đã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các tài liệu có trong hồ sơ cơ bản đầy đủ, nhiều tài liệu được chuẩn bị công phu, chi tiết, có chất lượng; đủ điều kiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội.
Sau nghe các ý kiến thảo luận, kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo luật trong thời gian ngắn, Ủy ban Quốc phòng, An ninh đã thẩm tra đúng theo quy định của pháp luật. Hồ sơ dự án luật cơ bản đúng theo quy định của pháp luật, phù hợp chủ trương đường lối của Đảng, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất với các quy định khác của pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần làm rõ tính cấp thiết của việc sửa đổi luật; nghiên cứu, bổ sung một số quy định chuyển tiếp để không bị vướng mắc trong thực thi. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện dự án luật.
Theo VGP