Tăng thêm sức mạnh cho đất nước

09/10/2018 10:50

Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước với 100% số phiếu tín nhiệm đã làm nức lòng quân dân cả nước.

Sự quan tâm của nhân dân từ người già đến thế hệ trẻ đã thể hiện thái độ, trách nhiệm của công dân với đất nước và cả sự kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. Ngoài ra, sự kiện này còn thu hút sự quan tâm đặc biệt của truyền thông quốc tế. 

PGS.TS Phạm Đức Bảo, Phó Viện trưởng Viện Chính sách, pháp luật và phát triển thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam nêu quan điểm: Việc Tổng Bí thư nắm giữ cương vị Chủ tịch nước thì sẽ chính danh và phù hợp hơn trong quan hệ quốc tế nhân danh Nhà nước. Vấn đề quan trọng là phải tiếp tục cải cách thể chế để bảo đảm việc kiểm soát quyền lực và thực thi dân chủ trong tổ chức, hoạt động của bộ máy Đảng và Nhà nước. Việc này đáng lẽ ra phải làm từ lâu nhưng vì nhiều lý do nên chưa thực hiện được. Đến nay, các điều kiện đã chín muồi và cơ hội đã cho phép để hiện thực hóa. Trên thế giới, trong số tất cả các nước xã hội chủ nghĩa thì chỉ còn Việt Nam là không nhất thể hóa hai vị trí cao nhất của Đảng và Nhà nước làm một. Các nước như Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba, Lào... đã thực hiện từ lâu.

Không chỉ vậy, các quốc gia tư bản phát triển, các nước đang phát triển, các nước kém phát triển thường thì người đứng đầu đảng cầm quyền đều là người đứng đầu nhà nước (đối với các nước theo hình thức chính thể cộng hòa Tổng thống như Mỹ, Philipines... hay cộng hòa lưỡng tính như Pháp, Nga...) hoặc đứng đầu chính phủ (đối với các nước theo hình thức chính thể cộng hòa đại nghị còn gọi là cộng hòa nghị viện và quân chủ lập hiến như Cộng hòa liên bang Đức, Ấn Độ, Singapore, Italia, Nhật Bản, Thái Lan...). 

Thực tiễn trong từng giai đoạn lịch sử đòi hỏi Đảng ta phải có sự điều chỉnh với những bước đi phù hợp. Tại thời điểm này, khi mà Đảng ta chủ trương đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết gắn với cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước trong điều hành đất nước và việc “nhất thể hóa” đang được thí điểm tại một số địa phương đã đem lại hiệu quả rất tích cực thì việc Tổng Bí thư đồng thời giữ chức Chủ tịch nước là việc làm có cơ sở khoa học, thực tiễn, thể hiện quyết tâm của Đảng trong tiến trình đổi mới.

Chúng ta thực hiện công cuộc đổi mới được trên 30 năm, những thành tựu của đất nước đã chứng minh cho sự lựa chọn của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn. Việc chúng ta tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là một tất yếu khách quan để biến sức mạnh thời đại thành một lợi thế xây dựng đất nước thì việc nói rằng ta học tập mô hình này, cách thức nọ cũng chẳng có gì là lạ. Vấn đề ở chỗ, Đảng ta vẫn nêu cao ngọn cờ độc lập dân tộc, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy, việc Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước không chỉ là công việc của Đảng mà còn là đòi hỏi của thực tiễn công cuộc đổi mới đất nước, là nguyện vọng của quân dân ta và việc này chắc chắn sẽ tăng thêm sức mạnh nội sinh để Đảng, Nhà nước ta tiếp tục lãnh đạo đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên của cuộc cách mạng 4.0, không ngừng khẳng định vị thế trên thế giới và quan trọng hơn là nâng cao đời sống, hạnh phúc của nhân dân. Quân và dân cả nước đang mong chờ kỳ họp Quốc hội tới, các đại biểu Quốc hội thay mặt cử tri cả nước thực hiện tâm nguyện “ý Đảng đã hợp với lòng dân” để cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) thành hiện thực.

NHẬT MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng thêm sức mạnh cho đất nước