Tăng năng suất lao động để tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng

22/10/2016 12:55

Sáng 22-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về các vấn đề tái cơ cấu thu chi ngân sách gắn với bảo đảm an toàn nợ công, thúc đẩy hiệu quả của tái cơ cấu nền kinh tế.



Các đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương tại phiên thảo luận tổ chiều 22-10. Ảnh: TTXVN


Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) cho rằng trong 10 năm qua (2006 - 2015), cùng với quá trình đổi mới và phát triển kinh tế, năng suất lao động của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm. Tuy nhiên, năng suất lao động của nước ta hiện nay vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, khoảng cách tuyệt đối đang tăng lên. Đáng chú ý, nếu so với Trung Quốc và Ấn Độ, năng suất lao động vủa Việt Nam tăng chậm hơn.


Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do quy mô của nền kinh tế còn nhỏ, điểm xuất phát thấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; lao động trong khu vực nông nghiệp và lao động trong khu vực phi chính thức còn cao, trong khi năng suất của người lao động lại rất thấp. Doanh nghiệp trong nước trình độ về khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế, quản trị doanh nghiệp, sử dụng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực còn nhiều bất cập. Tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư, yếu tố lao động, trong đó dựa vào chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Tăng trưởng GDP dựa trên tăng việc làm không bền vững.Dư địa trong việc tăng lao động của Việt Nam đang giảm nhanh chóng, do nguồn lao động giá rẻ đã được khai thác tối đa thời gian qua. Tăng trưởng GDP dựa vào tăng trưởng năng suất lao động là một thách thức nhưng đó là hướng đi lâu dài, tạo ra tiềm năng để tăng trưởng bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ trình ra Quốc hội xem xét quyết định nhiều nội dung quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội; trong đó có nội dung về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Đây là một nội dung rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định tới phát triển kinh tế của đất nước trong những năm tới. Một trong những giải pháp đột phá, có tính chất chiến lược là chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang chủ yếu phát triển theo chiều sâu, dựa trên năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Để nâng cao năng suất lao động cho toàn nền kinh tế, tôi đóng góp một số ý kiến sau:

Một là, Chính phủ và các bộ ngành có liên quan cần đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng các chính sách nhằm nâng cao năng suất lao động.Trong đó nghiên cứu bổ sung các chỉ tiêu phản ánh về năng suất, chất lượng, hiệu quả như tốc độ tăng năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 5 năm tới. Đẩy mạnh quản trị của nhà nước đối với phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường vai trò của cơ chế thị trường, giảm bớt sự can thiệp của nhà nước vào thị trường. Phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho tất cả các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, phù hợp với cam kết quốc tế.

Hai là, đẩy mạnh tái cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Cần phải tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin. Đặc biệt, cần tạo cơ chế thuận lợi hơn nữa nhằm khuyến khích tích tụ tập trung ruộng đất, liên kết, hợp tác thu hút, mạnh doanh nghiệp vào đầu tư vào địa bàn nông thôn để chuyển nhanh lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp và dịch vụ có năng suất cao hơn.

Ba là, chú trọng chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành theo hướng từ sản xuất, phục vụ dựa vào sức lao động sang dựa vào công nghệ, từ sản xuất có giá trị gia tăng thấp sang sản xuất có giá trị gia tăng cao. Chuyển lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực có năng suất lao động cao hơn.

Bốn là, cần coi giải pháp nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ và có hiệu quả các tiến bộ về khoa học và công nghệ là giải pháp căn cốt, đột phá, lâu dài và chủ yếu trong số các giải pháp nhằm tăng năng suất lao động. Chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư với rất nhiều thay đổi có tính cách mạng về tư duy và phương thức phát triển dựa trên nền tảng của thành tựu mới về khoa học và công nghệ. Trong bối cảnh đó, cần tăng cường đầu tư đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư cho khoa học và công nghệ. Phát triển đầy đủ, thị trường khoa hoc và công nghệ. Gắn kết chặt chẽ giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học, các trường đại học với các doanh nghiệp nhằm thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.

Năm là, giải pháp về chất lượng nguồn nhân lực là không thể thiếu trong các giải pháp tăng năng suất lao động. Hiện nay chúng ta đang có quá nhiều bất cập về nguồn nhân lực, cả về trình độ, kỹ năng lao động, kỷ luật lao động, cơ cấu lao động. Tôi đề nghị cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới, căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng mở và hội nhập quốc tế. Trước hết, cần xem xét, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch, gắn với giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học, các trường nghề; khắc phục tình trạng nhiều lao động có trình độ đại học, trên đại học phải lao động với các kỹ năng giản đơn, trong kho thiếu trầm trọng lao động có tay nghề cao trong các ngành công nghiệp, dịch vụ có năng suất cao. Cần nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương, tiền công gắn với cơ chế thị trường, nhằm tạo động lực cho người  lao động tăng năng suất lao động.

(0) Bình luận
Tăng năng suất lao động để tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng