Ngày 10.5, bà Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1957, ở thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo, Tứ Kỳ) đã tặng Bảo tàng tỉnh 9 chiếc bát có in dấu ấn lịch sử trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Bà Nguyễn Thị Hà ở thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo là chủ nhân của bộ bát
Số hiện vật trên do mẹ bà là cụ Nguyễn Thị Nhạn để lại. Gia đình bà đã từng dùng những chiếc bát này từ năm 1968 đến năm 2001. 9 bát sứ có kích thước đều nhau, trong đó 4 chiếc in hình ảnh 2 cô gái đội mũ tai bèo, một người tay cầm cờ giải phóng giơ cao (nửa đỏ, nửa xanh, giữa in ngôi sao vàng 5 cánh), một người tay ôm súng trong tư thế hơi cúi khom sẵn sàng chiến đấu, phía sau lưng 2 cô gái là chiếc xe tăng được vẽ nhỏ. Bên cạnh hình ảnh trên là dòng chữ in hoa “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta” trên thân bát. Những chiếc bát in nội dung trên như một lời hịch cổ vũ đồng bào, chiến sĩ cả nước, đặc biệt là đồng bào miền Nam đồng loạt đứng lên đánh thắng kẻ thù. 3 chiếc bát in hình ảnh anh Giải phóng quân đầu đội mũ tai bèo, tay cầm súng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, vai đeo ba lô và lá ngụy trang, phía sau anh là lá cờ giải phóng tung bay phấp phới trong gió. Bên cạnh hình ảnh anh Giải phóng quân là hai dòng thơ của nhà thơ Tố Hữu:
“Hoan hô anh giải phóng quân
Kính chào anh, con người đẹp nhất”
Hình ảnh những chiếc bát bà Hà tặng Bảo tàng tỉnh
Hai bát in số “5.8.64 và 25.8.1968”, “3000”, bên cạnh số là hình ảnh tên giặc Mỹ quỳ gối, giơ tay xin hàng. Với hình ảnh này, chúng ta hiểu được đó là mục tiêu phấn đấu của quân và dân ta lập chiến công tiêu diệt được 3.000 máy bay Mỹ từ 5.8.1964 - 25.8.1968.
Qua kiểu dáng, họa tiết có thể thấy đây là bát do Nhà máy Sứ Hải Dương sản xuất. Họa tiết trên bát do các họa sĩ của nhà máy vẽ, trong đó có họa sĩ Hoàng Minh Cao. Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Nhà máy Sứ Hải Dương in dấu ấn lên sản phẩm bằng các mốc lịch sử chiến thắng giặc Mỹ. Kết thúc chiến tranh, Nhà máy Sứ Hải Dương lại in hoa văn họa tiết đời thường, không in dấu ấn lịch sử nữa.
Bà Hà sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bố mẹ bà đều tham gia hoạt động cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Anh trai bà tham gia kháng chiến chống Mỹ và hy sinh năm 1967 tại chiến trường miền Nam. Bản thân bà Hà là một trong những công dân tích cực xây dựng làng nghề thêu ren cổ truyền ở xã Hưng Đạo.
Những hiện vật trên có ý nghĩa giá trị giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ về tinh thần quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ xâm lược của quân, dân Hải Dương nói riêng và cả nước nói chung.
HOÀNG THỊ HƯƠNG