Việc tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động hằng ngày của các cơ quan, đơn vị, gắn với các hoạt động cải cách hành chính (CCHC), góp phần tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả công việc.
|
Đào tạo tin học và quản trị mạng ở Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh |
Thời gian qua, các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh ta tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động hằng ngày của đơn vị, gắn với các hoạt động cải cách hành chính (CCHC), góp phần tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả công việc.
TP Hải Dương hiện sử dụng phần mềm quản lý văn bản trong xử lý công việc hằng ngày. Việc ứng dụng phần mềm này giúp lãnh đạo thành phố quản lý được đầu việc của cấp dưới và theo dõi tiến trình xử lý công việc đang diễn ra. Ngoài ra, thành phố cũng đang triển khai ứng dụng nhiều loại phần mềm khác như quản lý địa chính, tiếp nhận giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, quản lý cấp phép xây dựng… Từ tháng 5-2010 đến nay, thành phố đang vận hành thử nghiệm bộ phận “một cửa hiện đại”, giải quyết 93 thủ tục hành chính của 5 lĩnh vực: tài nguyên - môi trường, tài chính - kế hoạch, quản lý đô thị, chính sách và người có công, tư pháp. Thông qua hoạt động của bộ phận “một cửa hiện đại” tạo điều kiện để công dân từng bước chủ động thực hiện việc tra cứu thông tin hướng dẫn về thủ tục hành chính, nhận thông tin tư vấn, tra cứu kết quả thụ lý hồ sơ, gửi hồ sơ hành chính qua mạng máy tính.
Tại thị xã Chí Linh, việc ứng dụng CNTT trong CCHC được thực hiện khá bài bản. Thị xã đã xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT đến năm 2015 với các chỉ tiêu như xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu hệ thống; hệ thống bảo mật chuyên dụng cho toàn bộ hệ thống mạng CNTT của thị xã... Đơn vị cũng đang tích cực vận hành hệ thống thông tin Tin học hóa dịch vụ công phục vụ giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” tại UBND thị xã.
Sở Giáo dục và Đào tạo đưa gần 30 thủ tục hành chính đạt mức độ 2 công khai trên mạng, trong đó có phần mềm "Hệ thống tra cứu điểm thi" cung cấp thông tin cho học sinh và người dân. Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung nghiên cứu xây dựng hệ thống xếp hàng tự động phục vụ công dân đến giao dịch giải quyết thủ tục hành chính; các hệ thống ki-ốt điện tử để người dùng có thể biết các thông tin về hoạt động của sở và các dịch vụ tiện ích cho công dân…
Tỉnh ta hiện đã xây dựng được 11 mạng diện rộng (mạng WAN), hơn 2.000 mạng cục bộ (mạng LAN), trên 1.000 máy chủ và 20 nghìn máy trạm phân bổ rộng khắp trong các cơ quan Đảng, quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân. 100% số các xã, phường, thị trấn đều được trang bị máy tính theo chương trình quản lý ngân sách xã và chương trình mục tiêu. Tỷ lệ cán bộ, công chức có máy tính đạt 80%. Tất cả các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh có mạng nội bộ và kết nối in-tơ-nét. Các cơ quan Đảng đã đưa vào sử dụng các phần mềm quản lý công văn đi, đến, trao đổi thông tin Lotus Note, lưu giữ văn bản, quản lý tài chính kế toán, thi đua khen thưởng, quản lý cán bộ, công chức, xây dựng trang web nội bộ phục vụ lãnh đạo điều hành; xây dựng các kho cơ sở dữ liệu như văn kiện Đảng bộ tỉnh; cơ sở dữ liệu mục lục hồ sơ, văn bản pháp quy, công sản, cơ sở dữ liệu báo cáo thực hiện thu, chi ngân sách; cơ sở dữ liệu quản lý cán bộ, đảng viên... Tất cả các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã triển khai hệ thống thư điện tử; một số cán bộ, công chức sử dụng thành thạo hệ thống thư điện tử công vụ hằng ngày, từng bước thay thế văn bản giấy phục vụ công tác quản lý, điều hành. Hầu hết các đơn vị hưởng ngân sách được cài đặt phần mềm quản lý kế toán, quản lý công sản. Tháng 6-2010, Cổng thông tin điện tử tỉnh được chính thức vận hành.
Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT tại các cơ quan Nhà nước ở tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế và chưa theo kịp tốc độ CCHC. Tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử trong công việc đạt thấp và văn bản được trao đổi qua hệ thống thư điện tử cũng hạn chế; chưa tận dụng được thông tin trên in-tơ-nét; hầu hết mạng LAN chưa được đầu tư nâng cấp phù hợp với cơ cấu tổ chức và chưa phát huy được hiệu quả; chưa quan tâm đến việc đầu tư phần mềm ứng dụng và tin học hóa các dịch vụ công. Trang thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương còn ít, chủ yếu mới dừng lại ở mức độ cung cấp thông tin, giới thiệu một chiều, chưa có tương tác với độc giả và các dịch vụ trực tuyến với công dân; công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT chưa toàn diện và triệt để ở các vị trí công việc, nhất là đào tạo CNTT cho đội ngũ cán bộ là lãnh đạo, quản lý; thiếu đội ngũ kỹ sư CNTT có trình độ; nhiều đơn vị còn lúng túng trong việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch đầu tư về CNTT, nhất là ở các huyện....
Nhằm tăng cường hơn nữa việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý Nhà nước, thời gian tới, các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, thị xã cần nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT. Hằng năm, các địa phương nên chủ động, ưu tiên bố trí vốn cho ứng dụng và phát triển CNTT. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực CNTT, nhất là đội ngũ kỹ sư. Bên cạnh đó, phải chú ý vấn đề an toàn và an ninh thông tin trong triển khai ứng dụng CNTT. Các đơn vị, địa phương nên nghiên cứu những mô hình thành công đã và đang được triển khai tại những đơn vị, địa phương khác trong cả nước để vận dụng vào tình hình thực tế của địa phương, đơn vị mình.
NGỌC QUẾ