Giám đốc Sở Y tế cho biết có thông tin phản ánh một vài cơ sở dịch vụ thẩm mỹ có thực hiện các hoạt động xâm lấn cơ thể như tiêm chất làm đầy, điều trị nám...
Đồng chí Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế trả lời chất vấn các đại biểu HĐND tỉnh
Trả lời chất vấn về công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn tỉnh chiều 12.12, đồng chí Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế cho biết các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (spa, thẩm mỹ viện) trên địa bàn tỉnh chủ yếu thực hiện hoạt động xăm, phun, thêu trên da, không được sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.
Loại hình này không phải có giấy phép hoạt động nhưng trước khi hoạt động 10 ngày phải có văn bản thông báo đủ điều kiện hoạt động về Sở Y tế. Người thực hiện kỹ thuật này phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về xăm, phun, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.
Năm 2019, Sở Y tế đã phối hợp với Công an tỉnh tổ chức kiểm tra một số cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra 17 cơ sở cho thấy phần lớn các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ có điều kiện cơ sở vật chất tương đối rộng rãi, sạch sẽ, tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình. Hầu hết các cơ sở có giường, hệ thống máy móc phục vụ chuyên môn, đăng ký kinh doanh đúng ngành nghề và đúng địa chỉ.
Người thực hiện hoạt động thẩm mỹ đa số đều có chứng chỉ, giấy chứng nhận đã qua đào tạo, dạy nghề về lĩnh vực này. Tại thời điểm kiểm tra, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chủ yếu thực hiện các hoạt động chăm sóc da, xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm, không thực hiện việc xâm lấn, can thiệp phẫu thuật đối với khách hàng.
Tuy nhiên, trên thực tế, có thông tin phản ánh một vài cơ sở dịch vụ thẩm mỹ có thực hiện các hoạt động xâm lấn cơ thể như tiêm chất làm đầy, điều trị nám, cắt mí, nâng mũi, cấy chỉ... Tuy nhiên việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở này và tìm được chứng cứ rất khó khăn. Các cơ sở thường che giấu, phủ nhận các hành vi vi phạm, thậm chí gắn camera theo dõi để đối phó với lực lượng chức năng.
Trả lời chất vấn về tình trạng nhiều cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, nhất là các phòng khám chuyên khoa (nhi, phụ sản…) trong đó bác sĩ vừa khám bệnh, vừa kê đơn bán thuốc cho bệnh nhân và với cùng một loại thuốc nhưng mỗi nơi mỗi giá, Giám đốc Sở Y tế cho biết toàn tỉnh có 691 cơ sở hành nghề y, trong đó 38 phòng khám đa khoa, 211 phòng khám chuyên khoa, 250 phòng chẩn trị y học cổ truyền và 191 cơ sở dịch vụ y tế.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã cam kết chỉ bán thuốc cho người bệnh khi có đủ điều kiện theo quy định của Luật Dược và một số văn bản hướng dẫn thi hành luật. Tuy nhiên, một số phòng khám chuyên khoa vẫn còn tồn tại hoạt động bán thuốc chuyên khoa cho người bệnh trong khuôn viên cơ sở khám, chữa bệnh. Sở Y tế đã kiểm tra và nhắc nhở các cơ sở trên khi có nhu cầu bán thuốc cho ngƣời bệnh phải bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự, trang thiết bị, hồ sơ sổ sách... theo quy định.
Sở Y tế đã triển khai thực hiện đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc tăng tỷ lệ tuân thủ việc thực hiện đúng quy định về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú và việc thực hiện bán thuốc kê đơn phải có đơn của bác sĩ (đặc biệt là đơn kê kháng sinh).
Tính đến nay, các nhà thuốc trên địa bàn tỉnh đã thực hiện triển khai kết nối cơ sở bán lẻ thuốc. Đến năm 2020, Sở Y tế sẽ tiếp tục thực hiện triển khai kết nối cơ sơ bán lẻ thuốc cho các quầy thuốc. Việc triển khai kết nối này nhằm quản lý việc bán thuốc theo đơn, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra.
Kết luận nội dung này, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu các cơ sở thẩm mỹ phải hoạt động đúng quy định, làm đẹp nhưng phải bảo đảm an toàn tuyệt đối sức khỏe cho người dân.
Sáng 13.12, HĐND tỉnh tiếp tục làm việc và bế mạc.
NHÓM PV