Tăng cường kiểm định chất lượng, phân loại các trường đại học

06/06/2018 14:03

So với thế giới thì chất lượng đại học của Việt Nam đạt thấp. Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường kiểm định chất lượng, phân loại trường đại học...


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
làm rõ 5 vấn đề bức xúc của ngành giáo dục. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sáng 6.6, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã giải đáp nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội liên quan đến thực trạng và các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông. 

Chất lượng giáo dục đại học còn thấp 

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho biết kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước và tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá 7/10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, trong đó có sự phát triển đặc biệt ấn tượng của hệ thống giáo dục Trung Quốc và Việt Nam. Vui mừng với sự đánh giá này của Ngân hàng Thế giới, tuy nhiên đại biểu vẫn băn khoăn về giáo dục đại học. 

Trong báo cáo của Bộ cũng đã tự nhận chất lượng giáo dục đại học chưa thực sự cao, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng còn hạn chế. Thực tế là, Việt Nam có gần 300 trường đại học nhưng chỉ có 5 trường có tên trong bảng xếp hạng châu Á.

“Bộ trưởng có ý kiến gì về đánh giá của Ngân hàng Thế giới? Nền giáo dục đại học của chúng ta thực sự đứng ở đâu trong bảng xếp hạng của khu vực, của châu Á và thế giới? Bộ trưởng có giải pháp gì để nâng cao thứ hạng của giáo dục đại học Việt Nam,” đại biểu chất vấn. 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn thừa nhận về chất lượng giáo dục đại học, có một số trường, một số nhóm ngành tốt, nhưng về cơ bản, giáo dục đại học Việt Nam còn thấp, chưa đạt yêu cầu thị trường lao động, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Nguyên nhân là do chương trình đào tạo còn lạc hậu, vẫn chủ yếu là do thầy cô giáo xây dựng dựa trên hiểu biết, tính toán chứ chưa nghiên cứu xây dựng căn cứ vào nhu cầu của thị trường. 

Bộ trưởng chỉ rõ so sánh với các nước trên thế giới, nhìn chung tỷ lệ tiến sỹ ở các trường đại học rất cao (khoảng 40-50%), thậm chí 60-70%; trong khi đó, ở Việt Nam mới chỉ từ 22-23%. Ngoài ra, cơ sở vật chất chưa đủ điều kiện cơ bản để nghiên cứu chất lượng cao; học phí còn rất thấp so với các nước. Với chi phí như vậy thì chất lượng đại học rất khó mong đợi được cao. 

Từ thực tế này, người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo cho biết tới đây sẽ phân loại các trường đại học chứ không bình quân, dàn trải mà sẽ cơ cấu lại, những trường chất lượng cao thì giữ lại, những trường chất lượng thấp thì phải nâng cao chất lượng, thậm chí xem xét giải thể. 

Tự chủ là một trong những "điểm nghẽn" khiến các trường không phát huy được sự chủ động, sáng tạo, nội lực của mình; vì thế tâm điểm của Bộ sẽ thực hiện hiệu quả tự chủ đại học. 


Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Mai Thị Phương Hoa chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Bộ trưởng thông tin thêm, so với thế giới thì chất lượng đại học của Việt Nam đạt thấp. Tới đây, Bộ sẽ tăng cường kiểm định chất lượng, phân loại trường đại học, đồng thời tham mưu Chính phủ đầu tư vào những trường trọng điểm, những ngành xuất sắc. 

Liên quan đến vấn đề phân loại trường đại học, nhiều đại biểu đặt câu hỏi: Đối với các trường đại học hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt có nhiều khoa, ngành trong nhiều năm không chiêu sinh được đủ số lượng sinh viên để giảng dạy, Bộ trưởng sẽ giải quyết như thế nào? 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, qua rà soát, Bộ đã bước đầu phân loại được các trường không đạt chuẩn, chất lượng kém. Các trường này phải có lộ trình nâng cao chất lượng, nếu không nâng cao được phải có phương án sáp nhập hay chia tách, không để tình trạng nợ chuẩn chất lượng. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành một số thông tư, trong đó có thông tư về siết chặt đào tạo tiến sĩ. 

Đào tạo gắn với nhu cầu, thị trường lao động 

Nêu thực trạng ngày càng nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam chọn nước ngoài du học trong khi trong nước có nhiều trường tốt, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải pháp thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. 

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định đây là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, không chỉ về kinh tế mà còn là vấn đề văn hóa, đạo đức. Đây cũng là xu hướng ở các nước đang phát triển khi nhiều gia đình gửi con em mình đến các nước phát triển để nhận những điều kiện giáo dục tốt hơn. 

Bộ trưởng khẳng định: Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến giáo dục, coi là quốc sách hàng đầu và đã dành 20% ngân sách để đầu tư; cùng với đó còn có sự tham gia đóng góp của xã hội, doanh nghiệp rất lớn.

Theo thống kê, hằng năm, số học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập, nghiên cứu ở dạng học bổng, không học bổng rất lớn với số chi vào khoảng 3-4 tỷ USD. Bộ đã tham mưu Chính phủ có chính sách khuyến khích xã hội hóa, hiện nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư vào giáo dục theo chuẩn quốc tế. 

Bộ trưởng chỉ rõ ngân sách nhà nước tập trung cho giáo dục phổ cập, vùng khó khăn; còn giáo dục chất lượng cao thì nhà nước vẫn có trách nhiệm, nhưng rất trông đợi vào đầu tư của tư nhân với chương trình học tiên tiến, kiểm định chất lượng dạy, học ngay từ đầu. 

Theo Bộ trưởng, giải pháp này sẽ tăng đóng góp của khu vực tư nhân trong giáo dục chất lượng cao, giảm áp lực cho nhà nước. 


Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đào Tố Hoa chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) nêu thực trạng 200.000 sinh viên thất nghiệp gây bức xúc trong xã hội và lãng phí nguồn lực, đồng thời đề nghị Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho biết giải pháp của ngành trong thời gian tới. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định để giải quyết căn cơ tình trạng thất nghiệp phải nâng cao chất lượng đào tạo của các trường. Theo đó, chất lượng phải được chuẩn kiểm định quốc tế và thị trường, phải có sự phối hợp giữa đào tạo với thị trường lao động. 

Bộ trưởng cho biết mới đây, Bộ đã ban hành quy chế cho một số ngành như công nghệ thông tin và du lịch, đào tạo gắn liền với thị trường lao động. Qua đó, mở rộng và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo. 

Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; từng trường đại học phải chủ động nghiên cứu thị trường trước khi mở các chương trình đào tạo. Các trường phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình trước yêu cầu của thị trường lao động và trước người học; “tránh tình trạng khi tuyển sinh thì hứa hẹn rất nhiều, nhưng khi học xong thì không có trách nhiệm gì.”

Về phía Bộ, sẽ đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát “mặc dù trường tự chủ tuyển sinh, nhưng không có nghĩa muốn mở ngành nào thì mở mà phải gắn với thị trường và đảm bảo chất lượng,” Bộ trưởng khẳng định và cho biết sẽ công khai, minh bạch kết quả kiểm tra, sắp xếp lại các trường tuyển sinh cũng như đào tạo chất lượng không tốt.

Đẩy mạnh hướng nghiệp và tự chủ đại học 

Nhằm làm rõ thêm phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trả lời, làm rõ thêm 5 vấn đề bức xúc, nổi cộm của ngành giáo dục, gồm: Phổ cập mầm non và các vấn đề tiêu cực, nhất là bạo hành trong cơ sở mầm non; tình trạng 200.000 cử nhân thất nghiệp; công tác phân tích, định hướng cho ngành, nghề cho học sinh; chất lượng đào tạo, đặc biệt là ở bậc giáo dục đại học; vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. 

Về vấn đề phổ cập giáo dục mầm non và bạo hành trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non ở một số nơi, Phó Thủ tướng cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân liên quan tới chất lượng đào tạo giáo viên mầm non. Dẫn số liệu hiện nay có khoảng hơn 60% giáo viên mầm non có trình độ từ cao đẳng trở lên, trên 30% có trình độ trung cấp, Phó Thủ tướng cho rằng việc nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non trong các trường sư phạm là rất quan trọng. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm liên quan trong việc kiểm tra, xét cho mở trường và các nhóm lớp độc lập. 

Bên cạnh đó, do độ bao phủ của bậc mầm non còn thấp, chỉ 27,7%, một số cơ sở giáo dục có xu hướng chọn đối tượng dễ chăm sóc nên không nhận trẻ từ đủ 3 tháng tuổi dù luật đã quy định. Từ thực trạng này, Phó Thủ tướng cho rằng cần phát triển nhanh các trường, cụm lớp độc lập đủ điều kiện. Phó Thủ tướng mong muốn chính quyền tại các địa phương chung tay để cùng thực hiện tốt hơn vấn đề này, đặc biệt những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp nhằm giảm bớt nỗi lo và khó khăn cho công nhân. Ngoài việc lập trường công, rất cần mô hình nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ một phần cho trường tư mở địa điểm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Đối với các giáo viên có bạo hành với trẻ em, Phó Thủ tướng cương quyết đề nghị trong mọi trường hợp phải đưa ra khỏi ngành, bởi “không thể vì một số cá nhân gây ảnh hưởng chung đến toàn ngành”. 

Liên quan tới thực trạng 200.000 người có trình độ đại học bị thất nghiệp hoặc không tìm được việc làm phù hợp, chiếm tỷ lệ khoảng trên 4%, Phó Thủ tướng cho rằng, con số này ở nhiều nước trên thế giới trung bình là khoảng 7%. Do đó, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “chúng ta yêu cầu cứ học đại học trở lên phải có việc 100% là không đúng”, đây là “việc bình thường ở thế giới, chính việc đó thúc đẩy cạnh tranh và vươn lên của các cơ sở giáo dục”, Phó Thủ tướng khẳng định. 

Để khắc phục tình trạng này, Phó Thủ tướng cho rằng, đầu tiên phải thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, đẩy mạnh hướng nghiệp ngay từ trung học cơ sở. Sau khi phân luồng, trong quá trình học nghề học sinh sẽ tiếp tục được học văn hóa song song, nên không cần lo lắng sẽ có tình trạng học sinh vì học nghề sớm mà thiếu kiến thức văn hóa. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng đào tạo đại học, đẩy mạnh tự chủ, tăng cường kiểm định, xếp hạng đại học; thông qua phân tích số liệu tuyển sinh các năm để có định hướng cho học sinh về những ngành nghề có tương lai việc làm tốt hơn. Phó Thủ tướng cho biết, các nhóm ngành đào tạo có tỷ lệ sinh viên ra trường không tìm được việc làm cao nhất là: Nhóm ngành đào tạo khoa học, giáo dục và nhóm liên quan đến các dịch vụ xã hội (19%), nhóm ngành về môi trường, pháp luật (17%). 

Làm rõ hơn các ý kiến của đại biểu về vấn đề chất lượng đào tạo, đặc biệt là chất lượng giáo dục đại học, Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian vừa qua; đồng thời cho rằng việc Việt Nam đẩy mạnh tự chủ, nghiên cứu và đặt ra các chương trình quyết liệt để đổi mới giáo dục đại học trong 3 năm vừa qua là điều rất đáng mừng, hướng tới đặt mục tiêu sau 3 năm tới Việt Nam có ít nhất một trường nằm trong top 1.000 của thế giới. 

Để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, Phó Thủ tướng khẳng định có nhiều giải pháp để phân định các nhiệm vụ trong đổi mới này, trong đó có công tác đổi mới: Hệ thống, khung trình độ, chương trình sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy gắn với giáo viên, phương pháp kiểm định, đánh giá và thi cử, vấn đề về cơ sở vật chất, đổi mới quản lý nhà nước và quản trị các trường, các cơ sở giáo dục. Hướng tới việc đổi mới toàn diện, Phó Thủ tướng yêu cầu cần khắc phục điểm yếu cố hữu trong giáo dục từ phổ thông đến đại học, đó là thói quen "nhồi nhét" kiến thức và không khuyến khích sáng tạo cá nhân của cả học sinh và giáo viên. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, vấn đề hệ thống đào tạo thiếu liên thông, câu chuyện cố chạy theo bằng cấp, nặng về chỉ đạo hành chính, không khuyến khích tự chủ trong các trường đại học… cũng cần nhanh chóng thay đổi. 

Chủ động khắc phục tình trạng thiếu giáo viên 


Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thay mặt cho Bộ Nội vụ làm rõ thêm một số vấn đề của các đại biểu quan tâm. 

Về vấn đề hợp đồng đối với giáo viên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Thời gian qua nhiều địa phương và các cơ sở giáo dục công lập thực hiện số lượng hợp đồng để làm công tác chuyên môn rất lớn, một số đơn vị biên chế được giao chưa sử dụng hết nhưng vẫn tiếp tục thực hiện cho được hợp đồng. Do đó, cần chấm dứt tình trạng tự duyệt biên chế hoặc giao biên chế cao hơn so với biên chế của cơ quan có thẩm quyền giao hoặc thẩm định; rà soát, sắp xếp lại ngay trong năm 2018. Để thực hiện nghiêm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị cần đánh giá lại năng lực đối với các giáo viên thực hiện hợp đồng. 

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có quy định gián tiếp quản lý trong các cơ sở giáo dục, ưu tiên những người làm chuyên môn, nghiệp vụ phải chiếm tỷ lệ trên 65%, bởi hiện nay nhân sự làm công tác hành chính, quản lý chuyên môn chiếm tỷ lệ còn khá lớn. Bộ trưởng cũng đề nghị cần sắp xếp, tính toán lại định mức trong các trường trên cơ sở số lớp trong trường, số giờ dạy của giáo viên. 

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tại những địa phương tăng dân số cơ học, bên cạnh việc nghiên cứu bổ sung biên chế để tránh trường hợp thiếu giáo viên hoặc thiếu người phục vụ trong các trường học. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết Bộ Nôi vụ sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế để xem xét lại những trường hợp địa phương tăng dân số cơ học, không thể tự cân đối, không để “người bệnh không có thầy thuốc, học sinh không có giáo viên giảng dạy”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh. 

Hiện nay, vấn đề tuyển dụng đối với giáo viên mầm non đang được thực hiện theo quy định về tuyển dụng của công chức, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Trong Quyết định số 60 ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ về chính sách đối với giáo viên mầm non trong giai đoạn 2011-2015: "Giáo viên trong đó bao gồm cả hiệu trưởng, hiệu phó làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non, kể cả công lập và dân lập được nhà nước hỗ trợ ngân sách để các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện trả lương cho giáo viên mầm non theo thang bảng lương quy định, được tham gia đóng bảo hiểm xã hội, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và các chế độ chính sách khác như giáo viên mầm non có cùng trình độ đào tạo đang làm việc hợp đồng tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập". Bộ trưởng khẳng định đây là chính sách rất mở cho giáo dục mầm non. Trong Thông tư liên tịch 09 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ ngày 11/3/2013 cụ thể hóa về chính sách này đã thể hiện rõ, bổ sung thêm các khoản về chính sách đối với giáo viên mầm non. Nghị định số 06 của Thủ tướng Chính phủ ngày 5/1/2018 Chính phủ cũng đã quy định về chính sách đối với giáo viên mầm non. Những đối tượng này nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện sẽ được ký hợp đồng lao động và xếp lương là chức danh giáo viên mầm non ở hạng 4 và hưởng chế độ chính sách quy định như giáo viên mầm non ở cơ sở giáo dục mầm non công lập.

TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường kiểm định chất lượng, phân loại các trường đại học