Đến nay, dù tỉnh ta chưa có người nào bị nhiễm Covid-19 song nguy cơ lây nhiễm còn cao.
Phóng viên Báo Hải Dương đã phỏng vấn ông Nguyễn Đình Thực, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về giải pháp trước mắt để phòng chống Covid-19.
- Từ khi bắt tay vào triển khai công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đến nay, có điều gì chúng ta thực hiện chưa tốt hoặc cần phải rút kinh nghiệm, thưa ông?
- Đó là sự việc cháu bé người Trung Quốc (10 tuổi) trên đường đi du lịch có biểu hiện bất thường nên phải vào cơ sở y tế trong tỉnh dịp Tết vừa qua. Quá trình tiếp nhận cháu bé, cấp cứu xử lý tốt.
Tuy nhiên, lúc đó các y, bác sĩ, nhân viên không nghĩ đến trường hợp cháu bé có thể mắc Covid-19 nên công tác bảo hộ chưa được thực hiện chặt chẽ dẫn đến việc phải cách ly nhiều người. Kịch bản xây dựng các tình huống phòng chống dịch bệnh của tỉnh ta cũng chưa có tình huống này.
Rất may mắn là cháu bé này âm tính với Covid-19. Tuy nhiên, đây cũng là một lần diễn tập thực sự quý báu với ngành y tế. Từ vụ việc này, ngành y tế đã có chỉ đạo sát sao, cụ thể về các tình huống xử lý khi xảy ra dịch bệnh và phát hiện người nghi ngờ mắc bệnh.
- Theo ông, công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay cần lưu ý điều gì?
- Đây là bệnh mới nổi, lúc đầu chủng mới của virus Corona còn chưa có tên gọi, những hiểu biết đầy đủ về virus này như độc lực, đường lây, mức độ nguy hiểm còn chưa rõ ràng. Vì vậy, quá trình triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh là áp dụng kinh nghiệm trong những đợt phòng chống dịch bệnh như SARS (năm 2003), dịch sởi (năm 2014), sốt xuất huyết (năm 2017), vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Thời điểm sau Tết cổ truyền được đánh giá là lúc tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao nhất vì có hơn 2.000 người Trung Quốc, trong đó có những người ở tỉnh Hồ Bắc quay trở lại tỉnh ta làm việc.
Việc phối hợp để kiểm soát dịch từ cửa khẩu, sân bay, công an tỉnh và các địa phương, Ban Quản lý các khu công nghiệp… rất tốt. Đến nay, chỉ còn hơn 200người đang cách ly tại cơ sở lưu trú ở cộng đồng. Sức khỏe của các trường hợp này đều ổn định.
Hiện nay, ngoài tập trung quản lý, giám sát các trường hợp đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch thì có diễn biến mới đó là phải tăng cường giám sát, quản lý di biến động của người dân từ tỉnh Vĩnh Phúc, đặc biệt là ở huyện Bình Xuyên (nơi có xã Sơn Lôi là tâm dịch ở Việt Nam) đến Hải Dương.
Ngành y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường giám sát, phối hợp với lực lượng công an, các trường học trong tỉnh, các khu công nghiệp rà soát, thậm chí đến từng gia đình để nắm bắt di biến động của người dân, chú ý những người đến từ vùng dịch để theo dõi, giám sát những trường hợp này.
Giao cho y tế địa phương trao đổi, yêu cầu các trường hợp này hạn chế đi lại, tiếp xúc, tự theo dõi sức khỏe. Nếu là những người trở về từ những xã có dịch ở huyện Bình Xuyên thì theo dõi, giám sát tại cơ sở lưu trú hoặc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh. Những trường hợp khác trở về từ Vĩnh Phúc sẽ thực hiện giám sát tại cộng đồng. Nếu phát hiện thấy dấu hiệu bất thường như sốt, ho, khó thở phải thực hiện ngay biện pháp cách ly.
Theo báo cáo của các địa phương, đến nay có 7 người đi từ Vĩnh Phúc về Hải Dương, trong đó có 1 người đi qua xã Sơn Lôi (trường hợp này đã có kết quả xét nghiệm âm tính).
- Ông nhận định thế nào về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới?
- Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, đặc biệt trong điều kiện thời tiết mùa này thì chỉ cần một mầm bệnh là có thể lây lan rộng. Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, không được chủ quan, lơ là. Việc tăng cường giám sát đối với những trường hợp ở vùng tâm dịch trở về sẽ gặp nhiều khó khăn nếu người dân cố tình giấu diếm.
Do đó, tất cả người dân, gia đình có người thân đến từ vùng dịch cần chủ động khai báo với chính quyền địa phương và cơ sở y tế để hướng dẫn kịp thời. Nếu làm tốt được điều này thì dịch bệnh Covid-19 khó có thể xâm nhập vào tỉnh ta.
- Xin cảm ơn ông!
HUYỀN TRANG (thực hiện)