Tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc

04/05/2023 09:00

Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, phát huy, từ đó góp phần tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự ổn định, phát triển của đất nước.

Tang cuong dong thuan xa hoi, cung co khoi dai doan ket toan dan toc hinh anh 1

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Đại đoàn kết dân tộc là đường lối cơ bản, nhất quán của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng.

Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VII) ngày 17.11.1993 về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12.3.2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai thắng lợi Chương trình phối hợp thống nhất hành động hằng năm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, phát huy, từ đó góp phần tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự ổn định, phát triển của đất nước.

Đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết ngay từ khi Nghị quyết 07-NQ/TW và Nghị quyết 23-NQ/TW được ban hành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tất cả các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức các hội nghị phổ biến Nghị quyết. Đây là việc làm thể hiện tính chủ động, tinh thần trách nhiệm cao của Mặt trận nhằm phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân, các cá nhân tiêu biểu, có uy tín, các chức sắc tôn giáo và hệ thống Mặt trận trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ động kiến nghị, tham gia với Đảng, Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về các vấn đề có liên quan đến việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đời sống của đông đảo nhân dân, để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc đấu tranh với các hành động xuyên tạc các vấn đề về tôn giáo, dân tộc, nhân quyền của các thế lực thù địch nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta.

Xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đoàn kết tất cả các giai tầng trong xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy truyền thống yêu nước, lấy mục tiêu xây dựng đất nước làm động lực và sự tương đồng để tập hợp các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chú trọng tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong tổ chức của mình vào trong mái nhà chung của Mặt trận. Các giai tầng trong xã hội Việt Nam gồm: giai cấp công nhân và nông dân, đội ngũ trí thức, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, đội ngũ doanh nhân, người cao tuổi…

Các giai cấp, tầng lớp trên được tập hợp trong các tổ chức của mình như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Doanh nhân Việt Nam, Hội Người cao tuổi… Tất cả các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp trên đều là thành viên tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bên cạnh đó, công tác vận động đồng bào tôn giáo của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội có nhiều đổi mới, ngày càng phong phú, thiết thực, linh hoạt, phù hợp với các tôn giáo, các địa phương.

Công tác vận động đồng bào các dân tộc thiểu số, vận động tập hợp, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài được Mặt trận các cấp thực hiện hiệu quả.

Đặc biệt, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư hàng năm là một trong những hình thức hoạt động rất quan trọng nhằm tập hợp các tầng lớp dân cư ở cơ sở tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sau gần 20 năm triển khai, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy rất quan tâm chỉ đạo sát sao và thực sự đã trở thành ngày hội của toàn dân, là hình thức tập hợp, biểu dương khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Những kết quả đạt được đã thể hiện rõ ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc của Ngày hội. Mặt khác, thực tiễn cho thấy chủ trương đề ra và việc chỉ đạo thực hiện Ngày hội là hoàn toàn đúng đắn, hợp lòng dân, đáp ứng được yêu cầu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.

Khắc phục những phong trào mang tính hình thức, thiếu bền vững

Đánh giá cao những kết quả trong thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TW và Nghị quyết 23-NQ/TW, tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Nhật, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, quá trình thực hiện hai Nghị quyết này còn một số hạn chế nhất định cần sớm khắc phục trong thời gian tới.

Điển hình như công tác tuyên truyền, phổ biến các mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ở một số địa phương, nhất là ở cấp huyện và cấp cơ sở có lúc, có nơi còn hạn chế.

Ở một số cuộc vận động và phong trào thi đua, việc tập hợp, đoàn kết nhân dân còn mang tính hình thức, phong trào thiếu bền vững, chưa phát huy được tính sáng tạo, tính tự quản của nhân dân. Việc xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội chưa chủ động, kịp thời, thiếu trọng tâm, trọng điểm, còn hình thức...

Khẳng định quá trình triển khai thực hiện hai Nghị quyết của Đảng là quá trình luôn luôn kiên trì đặt Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và mọi hoạt động của Mặt trận trong tổng thể công cuộc đổi mới, đồng hành cùng toàn dân tộc, từ dân tộc, vì dân tộc, do dân tộc và cho dân tộc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, để thực hiện những tư tưởng đổi mới nêu trong hai Nghị quyết, phải tạo cơ sở pháp lý cần và đủ để thực hiện những tư tưởng đó trong cuộc sống. Do đó, Mặt trận đã đề xuất và cùng tham gia xây dựng Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 1999) và sửa đổi (năm 2015), sửa đổi Hiến pháp (năm 2013), tạo điều kiện pháp lý cơ bản cho việc thực hiện hai Nghị quyết trên.

Về kinh nghiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TW và Nghị quyết 23-NQ/TW, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hậu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tự đổi mới về tư duy, phong cách và tổ chức cán bộ, vượt qua những lực cản và truyền thống của lịch sử.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chuyển từ chỗ là tổ chức hiệu triệu, huy động xã hội, động viên phong trào, nay đã tăng thêm chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, từ đó phát huy tối đa vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Đề xuất một số giải pháp để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, Tiến sỹ Nguyễn Văn Pha, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc về nguyên tắc phải trên cơ sở lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, nhưng đồng thời phải tính đến lợi ích thiết thực, chính đáng của các giai tầng xã hội, các dân tộc, tôn giáo.

Do đó, cần thay đổi phương thức tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết, vì hiện nay phương thức chủ yếu vẫn chỉ là tuyên truyền, vận động chung và tổ chức các cuộc họp, hội nghị với sự tham gia của số ít các cá nhân tiêu biểu; chưa có nhiều hình thức để lắng nghe được đầy đủ nhất tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của nhân dân.

Đồng thời, hoạt động tham gia xây dựng pháp luật của Mặt trận cần được đổi mới, song song với việc nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội, trong đó tập trung vào việc phản biện theo hướng hạn chế các chuyên đề cụ thể, chỉ nên định hướng chung về nội dung để tránh khuôn mẫu, xa rời thực tiễn.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc