Tăng cường đối thoại và thi hành án nghiêm túc

31/10/2018 15:06

Án hành chính tăng, tỷ lệ giải quyết thấp, sự vắng mặt của các cấp chính quyền khi tham gia giải quyết các vụ án hành chính rất phổ biến…


Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Lê Minh Chuẩn phát biểu tranh luận

Đây là thông tin được Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đưa ra khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về việc khởi kiện các quyết định hành chính, nhất là những vụ án hành chính liên quan đến đất đai, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 31.10.

Án hành chính tăng, tỷ lệ giải quyết thấp

Theo Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, số lượng án hành chính tăng đều qua các năm, trung bình tăng 11% mỗi năm, chủ yếu liên quan đến đất đai và thường là những vụ kiện rất khó. 

Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết các vụ án này rất thấp, chỉ đạt 39% trong khi Quốc hội yêu cầu là 60%. Tồn đọng của án hành chính rất nhiều, chủ yếu là tại các thành phố lớn, trung tâm công nghiệp và thời gian giải quyết kéo dài.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, bên cạnh hạn chế về phía tòa án thì sự vắng mặt của các cấp chính quyền khi tham gia giải quyết các vụ án hành chính là rất phổ biến. 

Họ thường không có mặt nên phiên tòa phải hoãn. Nếu phải xử vắng mặt, bản án bất lợi cho chính quyền thì chính quyền lại kháng cáo, kháng nghị nên vụ án kéo dài.

Về giải pháp, Chánh án chỉ rõ, Tòa án nhân dân Tối cao đã sắp xếp lại các tòa án chuyên trách, tăng cường cán bộ, nhất là thẩm phán có năng lực cho các tòa án, đề cao trách nhiệm của các thẩm phán khi giải quyết các vụ án hành chính, tăng cường tổng kết xét xử để đào tạo, bồi dưỡng và hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất trong toàn quốc. 

Bên cạnh đó, chính quyền các cấp, UBND các cấp phải chấp hành nghiêm quy định của luật và Chỉ thị của Thủ tướng. 

Theo đó, phải cung cấp đầy đủ tài liệu cho người dân để bảo đảm quyền khởi kiện của họ, tham gia các phiên đối thoại, giải quyết các tranh chấp hành chính, các vụ kiện hành chính trước khi phải xét xử (thường chính quyền không tham gia phiên đối thoại này). 

Các cấp chính quyền phải có mặt tại phiên tòa theo đúng thành phần, đối tượng, đúng yêu cầu của luật pháp. Khi bản án có hiệu lực thì phải thi hành nghiêm túc.

Theo Chánh án, Quốc hội cần tổng kết Luật Hành chính và Luật Tố tụng Hành chính. "Thực tiễn cho thấy, nếu như tất cả các khâu, các cấp đã nỗ lực, mà tình hình không được cải thiện thì có điều gì đó không hợp lý trong quy định của luật. Nhiều địa phương phản ánh là Chủ tịch, nếu như tất cả các vụ án hành chính phải có mặt sẽ không có thời gian làm việc. Tôi đề nghị phải tổng kết lại, nếu như không hợp lý thì cũng cần phải xem xét," Chánh án nêu.

Bản án sai thì dứt khoát phải kháng nghị và sửa

Trả lời đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về thời gian xét xử giám đốc thẩm quá dài, khiến người dân mất hy vọng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, số đơn gửi giám đốc thẩm, tái thẩm những năm gần đây rất nhiều.

Theo quy định, việc xét xử hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm phải chặt chẽ để tránh lên cấp thứ 3, tuy nhiên lượng đơn gửi lên cấp giám đốc thẩm rất cao, khoảng 2.000 đơn trong 2018. 

Trong năm, Hội đồng Thẩm phán đã giải quyết được 53% số đơn (hơn 1.200 đơn giám đốc thẩm, tái thẩm), đây là nỗ lực rất lớn của Hội đồng Thẩm phán.

Theo Chánh án, việc kéo dài lên giám đốc thẩm mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, đây là cơ hội cuối cùng của người dân nên phải xem xét thận trọng. 

Về giải pháp, Chánh án cho rằng phải nâng cao chất lượng xét xử, đội ngũ cán bộ tòa án nhằm hạn chế sai sót dẫn đến kháng nghị, khiếu kiện lên giám đốc thẩm, tái thẩm.

Tranh luận lại với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) chất vấn: "Chánh án thông tin trong 2.000 đơn giám đốc thẩm đã giải quyết được 53%, như vậy so với các nước là rất lớn, khá tốt. Tôi cho rằng chưa thỏa đáng. Bởi vì chất lượng xét xử nước ta khác với nước ngoài. Sai lầm trong xét xử rất khó sửa chữa một cách tuyệt đối. Ví dụ như vụ án ông Vũ Bá Phê (Phú Yên) tranh chấp một con bê, sau đó tòa xử sai khiến ông tự tử. Các cơ quan tư pháp phải tốn kém hàng tỷ đồng cũng không cứu lại được mạng sống của ông Phê. Phía sau mỗi lá đơn là số phận một con người, mỗi gia đình, dòng họ, không đơn giản là giải quyết một nửa là tốt lắm rồi. Tôi thấy rất băn khoăn."

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng tranh luận với Chánh án Nguyễn Hòa Bình về công tác xét xử của tòa án các cấp trong thời gian qua. 

Đại biểu nêu thực tế là khi tòa phúc thẩm xử án có hiệu lực thì sẽ thi hành án và cưỡng chế; sau đó người bị thi hành án đưa đơn lên tòa cấp cao hoặc giám đốc thẩm. Cấp giám đốc thẩm và tòa cấp cao phủ quyết án sơ thẩm và phúc thẩm.

“Người bị thi hành án thiệt hại tài sản rất lớn. Ở Đồng Tháp có người bị cưỡng chế thi hành án, tài sản thiệt hại khoảng 600 triệu đồng từ cách đây 2 năm nhưng không cấp nào, không ai đứng ra bồi thường. Như vậy có oan sai không?” đại biểu Hòa chất vấn.

Trả lời đại biểu Phạm Trí Thức, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, ông hoàn toàn đồng tình với quan điểm sai thì phải sửa, điều đó đã trở thành nguyên lý, đúng trong tất cả các lĩnh vực, kể cả chính trị, kinh tế, xã hội… và vừa qua đã được ghi trong luật “nếu bản án có sai thì dứt khoát phải kháng nghị và phải sửa.”

“Việc tòa án giải quyết 1.200 đơn thì không có nghĩa là chúng ta dừng giải quyết những đơn đã xác định sai. Thực tế trong 1.200 đơn chúng tôi đã giải quyết thì tất cả các vụ án có sai sót đều được kháng nghị và xét xử,” Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nhấn mạnh.

Liên quan ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa về một vụ án cụ thể, Chánh án khẳng định lại, nếu bản án kể cả đã thi hành án mà xác định sai thì vẫn phải sửa để đảm bảo quyền lợi của người dân. 

“Trong bản án cụ thể này, xin phép đại biểu chúng tôi sẽ lấy lại hồ sơ, xem vụ án đã đúng hay chưa. Quá trình xem xét lại, những sai sót, hậu quả của giai đoạn trước sẽ được giải quyết trong bản án cuối cùng. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại và sẽ có trả lời cho đại biểu,” Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường đối thoại và thi hành án nghiêm túc