Tăng cường điều trị người nghiện bằng Methadone

04/10/2015 04:14

Sau 4 năm triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone ở Trung tâm Y tế huyện Kim Thành, có những thanh niên đã từ bỏ được ma túy.




Người nghiện điều trị bằng Methadone ở Trung tâm Y tế huyện Kim Thành


Anh Bùi Thanh G. (sinh năm 1988) ở xã Kim Xuyên nghiện ma túy từ năm 2009. Nhiều lần thấy con vật vã trong cơn nghiện, bố mẹ đã phải xích G. lại hoặc nhốt chặt trong phòng. Năm 2011, G. được gia đình cho đi cai nghiện ở Chí Linh. Sau 8 tháng trở về, G. đã cai được nghiện và sức khỏe khá hơn. Nhưng không lâu sau, vì buồn chán chuyện gia đình, G. lại tái nghiện. Tháng 8-2014, G. được gia đình giới thiệu đến Trung tâm Y tế huyện Kim Thành để uống Methadone. Nhờ tuân thủ phác đồ điều trị, sức khỏe của G. đã bình thường trở lại. Anh không còn thèm ma túy như trước đây. Vừa qua, anh đã xin được việc làm, lái tắc xi cho một công ty ở thị trấn Phú Thái. G. cho biết: “Uống Methadone tôi tỉnh táo hơn, không còn cảm giác thèm ma túy như trước đây. Hiện tại, tôi chỉ muốn tự kiếm tiền để hằng ngày trả chi phí uống thuốc, dành dụm cho bố mẹ và thay đổi cuộc sống. Nghĩ lại, tôi thấy thật lãng phí thời gian bị nghiện ngập, trở thành gánh nặng cho gia đình”.

Cũng điều trị bằng Methadone ở Trung tâm Y tế huyện Kim Thành được hơn 2 năm nay, Ngô Văn C. (sinh năm 1990) ở xã Phạm Mệnh (Kinh Môn) đang quyết tâm từ bỏ con đường nghiện ngập để làm lại cuộc đời. Sau khi đi nghĩa vụ quân sự về, C. đi làm ở Quảng Ninh và giao du với những bạn bè xấu nên sa vào ma túy. Khi phát hiện con trai mắc nghiện, gia đình đã đăng ký cho C. điều trị bằng Methadone. Đến nay, C. đã từ bỏ được ma túy, sức khỏe cải thiện rõ rệt và đang làm thợ hàn tại xưởng cơ khí của anh chị, phụ giúp bố mẹ việc nhà.

Cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đặt tại Trung tâm Y tế huyện Kim Thành bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân từ cuối năm 2011. Lúc đầu, cơ sở điều trị cho hơn 300 người nghiện ma túy nhưng hiện tại chỉ còn 170 người, trong đó có khoảng 70 người ở các huyện khác như Nam Sách, Thanh Hà và ở một số tỉnh, thành phố khác như Quảng Ninh và Hải Phòng. Bác sĩ Đoàn Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kim Thành, Trưởng cơ sở điều trị Methadone cho biết: “Sau khi điều trị, khoảng 70% số bệnh nhân không tái nghiện và khoảng 50% có công việc ổn định".

Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone hướng đến mục tiêu không chỉ giúp bệnh nhân cai nghiện mà còn giúp họ hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, do việc tuyên truyền điều trị Methadone ở Kim Thành còn gặp nhiều khó khăn nên cơ sở tiếp nhận được ít bệnh nhân. Các trường hợp bị nghiện thường mang tâm lý lo ngại khi công khai tình trạng nghiện và tiếp xúc với cộng đồng. Bên cạnh đó, người bị nghiện chưa nhận thức được tầm quan trọng và tính nhân văn từ việc điều trị thay thế bằng Methadone nên chưa tích cực tham gia. Do đó, đội ngũ y, bác sĩ của trung tâm đã phải đến vận động các trường hợp bị nghiện trên địa bàn huyện để họ hiểu và tham gia điều trị. Trung tâm Y tế huyện cũng chỉ đạo các trạm y tế mỗi tháng vận động từ 5-7 trường hợp mắc nghiện đăng ký điều trị Methadone; phối hợp với Đài Phát thanh huyện tăng cường thông tin về ý nghĩa và hiệu quả của việc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động nên ngày càng có nhiều bệnh nhân tự nguyện đăng ký điều trị.

Theo các bác sĩ, việc điều trị bằng Methadone đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì mới đem lại hiệu quả. Hằng ngày, bất kể nắng mưa, ngày lễ, Tết, bệnh nhân đều phải đến uống thuốc. Hơn nữa, khi uống Methadone, bệnh nhân sẽ gặp phải một số hiện tượng như táo bón, tiết mồ hôi, đau bụng, buồn nôn... Khi đến cơ sở điều trị, bệnh nhân được kiểm tra sức khỏe, làm các xét nghiệm theo dõi thường xuyên và tư vấn, giải đáp những thắc mắc trong quá trình điều trị cũng như những tâm tư, nguyện vọng trong cuộc sống đời thường. Nhiều bệnh nhân còn tích cực tham gia sinh hoạt các nhóm, câu lạc bộ phòng chống HIV/AIDS...

Trước đây bệnh nhân đến uống thuốc đều được miễn phí, nhưng khoảng 2 năm trở lại đây phải đóng một phần kinh phí điều trị do chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone bị cắt giảm kinh phí. Điều này khiến cho việc điều trị của trung tâm cũng như người nghiện có nhu cầu uống thuốc gặp không ít khó khăn. Để nhiều bệnh nhân được tiếp cận với chương trình này rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương trong hỗ trợ kinh phí điều trị cũng như tuyên truyền, vận động người nghiện tích cực tham gia.    

MINH NGUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường điều trị người nghiện bằng Methadone