Tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn

08/12/2010 09:21

Công tác khuyến công tập trung vào các hoạt động đào tạo, truyền nghề, gắn với giải quyết việc làm cho gần 330.000 lao động nông thôn, góp phần thực hiện chủ trương “ly nông không ly hương”, xoá đói giảm nghèo.

Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị định 134/2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn (còn gọi là hoạt động khuyến công) và 2 năm thực hiện Quyết định số 136/2007 của Thủ Tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2012, sản xuất công nghiệp nông thôn trên phạm vi cả nước đã có sự tăng trưởng nhanh, đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương, tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa tỷ trọng công nghiệp nông thôn trong giá trị sản xuất công nghiệp của toàn ngành, còn nhiều vấn đề phải giải quyết.

Ý nghĩa và hiệu quả

Trong giai đoạn 2005 - 2009, nguồn kinh phí từ ngân sách bố trí cho hoạt động khuyến công quốc gia và địa phương gần 392 tỷ đồng, bình quân mỗi tỉnh là 1,2 tỷ đồng/năm. Công tác khuyến công đã tập trung vào các hoạt động đào tạo, truyền nghề, gắn với giải quyết việc làm cho gần 330.000 lao động nông thôn, góp phần thực hiện chủ trương “ly nông không ly hương”, xoá đói giảm nghèo cho bà con, đặc biệt ở những vùng kinh tế khó khăn.

Đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp  

Hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn xác định hướng đầu tư đúng, có hiệu quả thông qua chương trình đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho hơn 17.000 lượt chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý của các cơ sở công nghiệp nông thôn. Tổ chức đào tạo, tập huấn về khởi sự doanh nghiệp cho gần 10.000 học viên có nhu cầu thành lập doanh nghiệp. Chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật đã giúp cho hơn 1.000 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) ứng dụng công nghệ mới, máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất.

Bên cạnh hỗ trợ sản xuất sản phẩm công nghiệp, hoạt động khuyến công đã thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Trong 5 năm qua, giá trị xuất khẩu tiểu thủ công nghiệp của cả nước tăng hơn 20%, đến năm 2009 đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, mặc dù nguồn kinh phí đầu tư trong thời gian qua còn rất khiêm tốn, nhưng công tác khuyến công đã đóng góp lớn vào phát triển công nghiệp của cả nước nói chung và CNNT nói riêng, hình thành được bộ máy làm công tác khuyến công từ Trung ương đến địa phương.

“Các Sở Công thương đều có trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, nòng cốt để thực hiện NĐ134 và QĐ 136. Hầu hết các mục tiêu đã thực hiện được. Mỗi đề án hỗ trợ vài chục triệu đồng, lớn nhất là 200 triệu đồng, nhưng đối với bà con có ý nghĩa rất lớn, giúp họ vượt qua khó khăn” - ông Vượng nói.

5 năm qua, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước bình quân đạt 13,7%/năm, riêng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn tăng 17,6%/năm. Đến năm 2009, số lao động làm việc trong các sơ sở công nghiệp thôn thôn chiếm gần 55% tổng số lao động toàn ngành công nghiệp.

Tập trung thực hiện 4 nội dung cơ bản

Tuy vậy, theo đánh giá của Cục Công nghiệp địa phương - Bộ Công thương, cơ quan đầu mối triển khai NĐ 134 và QĐ 136, đã qua hơn 5 năm thực hiện, nhưng nhận thức trong một bộ phận cán bộ các cấp, ngành và của xã hội về vấn đề này chưa thực sự đầy đủ, toàn diện. Chính vì vậy, sự quan tâm chỉ đạo cũng như đầu tư cho chương trình khuyến công còn hạn chế, chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn.

Một số chính sách khuyến công quy định tại NĐ 134 chưa thực hiện được nhiều, như chính sách đất đai, ưu đãi đầu tư, chính sách khoa học công nghệ. Mặt khác, các chính sách này đã có cơ chế và kênh tổ chức thực hiện riêng theo các văn bản quy phạm pháp luật khác, không thuộc hệ thống tổ chức bộ máy khuyến công.

Ông Trần Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Nam Định nêu dẫn chứng: “Để xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, phải xin xác nhận của Sở Khoa học và Công nghệ. Nhưng sang làm việc với Sở này, họ cho biết, không có chức năng nhiệm vụ nên không làm. Để đơn giản, việc này nên để Sở Công thương chủ động làm…”.

Quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án khuyến công từ việc đăng ký kế hoạch đến thẩm định xét giao kế hoạch vẫn gặp nhiều khó khăn, lúng túng và tốn nhiều thời gian. Quy mô của một số đề án khuyến công còn nhỏ, chưa có nhiều đề án có sức lan toả lớn, thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của khu vực và các địa phương.

Ông Lê Trọng Cẩm, Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Thanh Hoá nêu một số trở ngại: “Hiện nay khó khăn trong việc hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp, tiếp cận nguồn vốn, vấn đề đào tạo nhân lực, tiêu thụ sản phẩm… Phát triển CNNT thì phải có doanh nghiệp hạt nhân, được đầu tư thêm vốn, môi trường kinh doanh, thuế, nhân lực… cùng thực hiện nhiều giải pháp thì mới có hiệu quả”.

Ngoài ra, cũng phải kể đến nguyên nhân về năng lực thực hiện đề án khuyến công ở một số trung tâm khuyến công địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Định mức hỗ trợ kinh phí khuyến công ở một số nội dung còn thấp. Đến nay, vẫn có địa phương chưa bố trí ngân sách cho hoạt động này. Đến hết năm 2009, tỷ trọng CNNT trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 25%, thấp hơn mức đề ra là 28-30%.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững CNNT, cần tập trung thực hiện 4 nội dung cơ bản trong khuyến công, đó là: Phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu; Hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp làng nghề để tạo mặt bằng cho các cơ sở sản xuất và giảm ô nhiễm môi trường; Tăng cường xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ mới; Tích cực triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp và lựa chọn hướng đầu tư phát triển cho các cơ sở sản xuất ở nông thôn.

(Nguồn: VOV)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn