Phát biểu của đại biểu Nguyễn Thị Hương Thảo (Hải Dương) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII.
Chúng ta thấy rất rõ những hệ lụy của việc đô thị hóa đối với môi trường, đó là phát sinh một lượng khổng lồ chất thải công nghiệp thông thường và nguy hại, trong khi công tác thu gom và tái chế còn nhiều bất cập. Chương trình phân loại rác thải tại nguồn vẫn chưa được áp dụng và triển khai rộng rãi. Tuy tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị tăng lên nhưng theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn còn khoảng từ 15 - 17% lượng chất thải rắn đô thị bị thải ra môi trường, chỉ có 8 - 12% chất thải rắn đô thị được tái chế.
Trong bản Báo cáo của Chính phủ có đề ra mục tiêu về chỉ tiêu thu gom chất thải rắn đô thị vào năm 2013. Tôi kiến nghị Chính phủ cần quan tâm tới các chỉ số thu gom chất thải tại nông thôn. Bởi mỗi ngày rác thải sinh hoạt phát sinh tại nông thôn xấp xỉ 6,6 triệu tấn/năm, lẫn trong đó có khoảng 240 tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật là chất thải nguy hại.
Bên cạnh đó, công nghệ tái chế rác thải tại các làng nghề phần lớn là thủ công, lạc hậu và hầu hết là thải ra môi trường. Vì thế, hệ quả tất yếu là sẽ gây ra ô nhiễm môi trường.
Trong thời gian qua, các bộ, ban, ngành và các cơ quan hữu quan đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn ô nhiễm môi trường do chất thải, tuy nhiên vẫn còn có những hạn chế. Nguyên nhân có thể kể tới như do công tác quản lý chất thải còn chồng chéo, các thể chế chính sách về quản lý chất thải và rác thải chưa được thực thi hiệu quả. Đặc biệt là năm 2012 là năm đầu tiên có chương trình mục tiêu quốc gia về môi trường làng nghề nông thôn nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân được và rõ ràng đây là một vấn đề nóng nhưng triển khai vẫn nguội. Từ thực trạng trên, tôi xin đề xuất một số giải pháp:
Thứ nhất, Chính phủ cần tăng cường đầu tư cho công tác thu gom vận chuyển và xử lý rác thải, trong đó, chú trọng hơn nữa tới việc giảm thiểu số lượng rác thải, chất thải thông qua sự hợp tác của người dân. Có thể nói thay đổi thói quen của cộng đồng không thể làm trong ngày một, ngày hai, nhưng cần phải thay đổi trong cách tuyên truyền, kiên trì tuyên truyền sâu rộng và tránh việc hô khẩu hiệu, lời lẽ sáo mòn, để người dân thấy được quyền lợi thiết thân của họ. Bắt đầu từ những việc làm đơn giản như tự phân loại rác tại nguồn và sử dụng nguyên liệu xanh. Qua quá trình cộng đồng sẽ bắt đầu tiếp nhận chọn lọc những hành vi tốt trong xã hội, thay vì mất tiền nộp phạt hay nghỉ làm để đi lao động công ích do phạm lỗi vứt rác không đúng nơi quy định. Hoặc việc không thể làm gương cho con cái, họ sẽ thấy được rõ ràng tác hại của ô nhiễm môi trường và cộng đồng sẽ tự ý thức và hình thành những thói quen tốt bảo vệ môi trường. Ngoài ra, có thể tăng cường các buổi ngoại khóa cho học sinh về chủ đề bảo vệ môi trường và tiếp tục tổ chức nhiều hơn nữa các sự kiện có sự tham gia tình nguyện của các nghệ sỹ nổi tiếng tuyên truyền bảo vệ môi trường, bởi họ là những người có sức ảnh hưởng lớn và lan tỏa trong cộng đồng.
Thứ hai, Chính phủ cần có chiến lược phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng tại tất cả các khâu của xử lý chất thải trước khi được thải ra môi trường. Đồng thời, ban hành các cơ chế chính sách, giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa quản lý chất thải, rác thải.
Thứ ba, bổ sung các chế tài mạnh mẽ hơn nữa, xử lý các sai phạm gây ô nhiễm môi trường.