Hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, cô Nguyễn Thị Bắc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Hưng (Cẩm Giàng) đạt nhiều thành tích bằng sự tận tụy với nghề.
Dù làm công tác quản lý nhưng cô giáo Nguyễn Thị Bắc vẫn tranh thủ tham gia hướng dẫn học sinh
Năm 1991, sau khi học xong THPT, cô về quê xã Ngọc Liên công tác tại nhà trẻ thôn. "Ngày đó mỗi người được chia 140 kg thóc cho 6 tháng làm việc nên bám nghề chỉ do lòng đam mê", cô Bắc nói.
Vừa làm vừa học suốt trong các năm 1995-1998 và 2005-2009, cô đã hoàn thành các khóa trung cấp, rồi Khoa Giáo dục mầm non của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nỗ lực phấn đấu, từ giáo viên, cô được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng (năm 2003) và Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Ngọc Liên (năm 2010). Tháng 9.2022, cô được điều chuyển sang làm Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Cẩm Hưng ngay sau khi Trường Mầm non xã Ngọc Liên đón xong chuẩn quốc gia mức độ II.
Giáo viên mầm non là người thầy đầu tiên dạy trẻ những bài học đầu đời, đóng vai trò quan trọng trong việc ươm mầm nhân cách của trẻ. Cô giáo mầm non như một chiếc cầu nối từ khi các em còn bé đến lúc đi học lớp 1, đòi hỏi giáo viên liên tục tự học, tự trau dồi năng lực, kỹ năng bản thân. Ngoài kiến thức thì điều quan trọng nhất phải có tình yêu con trẻ, chịu khó, bền bỉ, nhẫn nại để dạy dỗ, uốn nắn, chăm sóc trẻ. Đó là những điều mà cô Bắc luôn nhắc bản thân và sẻ chia cùng các đồng nghiệp trong trường.
“Khi là cán bộ quản lý thì dù ở hoàn cảnh nào cô Bắc cũng luôn gương mẫu, năng động, sáng tạo, đi đầu trong các phong trào, hết lòng vì công việc, tạo niềm tin với mọi người”, cô giáo Hoàng Thị Thơm, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Hưng cho biết.
Trong quá trình giảng dạy và làm công tác quản lý, cô đã có nhiều sáng kiến được Hội đồng sáng kiến của nhà trường cùng các cấp công nhận. Tiêu biểu như các sáng kiến, kinh nghiệm nâng cao chất lượng giáo dục thể chất cho trẻ mầm non; tổ chức bán trú trong trường mầm non; huy động trẻ ra lớp...
Để Trường Mầm non xã Ngọc Liên có thể đạt chuẩn quốc gia mức độ II, cô giáo Bắc cùng tập thể vận động giải phóng mặt bằng mở rộng khuôn viên trường; cụ thể hóa các kế hoạch thu hút xã hội hóa giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình, mô hình trường chuẩn quốc gia. Tổ chức nhiều hội thi và phong trào để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng cùng quan tâm phát triển giáo dục mầm non…
Trường Mầm non xã Cẩm Hưng tổ chức nhiều hoạt động bồi dưỡng, phát huy năng lực, phẩm chất của trẻ
Bên cạnh sự miệt mài, tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”, cô giáo Bắc cũng luôn làm tốt vai trò, trách nhiệm của một Bí thư Chi bộ, đại biểu HĐND xã Ngọc Liên từ năm 2003 đến nay. Cô luôn quan tâm tới các hoạt động công đoàn, công tác nữ công để chăm lo đời sống, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho giáo viên, người lao động trong trường; thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ đồng nghiệp hoàn cảnh khó khăn… Bên cạnh đó, cô là người vợ đảm đang, người mẹ mẫu mực, luôn đi đầu trong phong trào thi đua “giỏi việc trường, đảm việc nhà”...
Với những nỗ lực, cố gắng đó, cô giáo Nguyễn Thị Bắc đã nhiều năm đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, cán bộ quản lý giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, được các cấp, ngành tặng bằng khen, giấy khen.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Giàng Phạm Thị Oanh cho biết với lòng yêu nghề, mến trẻ, tâm huyết, tận tụy, chịu khó tìm tòi, say mê sáng tạo, cô giáo Nguyễn Thị Bắc đã góp phần không nhỏ vào thành tích chung của các Trường Mầm non xã Ngọc Liên, xã Cẩm Hưng và có nhiều cống hiến cho ngành giáo dục huyện.
TL