Nhiều năm qua, việc người dân xã Tân Trường (Cẩm Giàng) bỏ ruộng hoang đi làm công nhân trở nên phổ biến vì sản xuất nông nghiệp không mấy hiệu quả.
Đến nay, gia đình anh Bùi Văn Sơn (thứ hai từ phải sang) ở thôn Chi Khê thuê lại hơn 16 ha
ruộng hoang để gieo cấy lúa, mỗi năm thu lãi gần 200 triệu đồng
Trước thực tế đó, xã đã có những giải pháp phù hợp để khắc phục tình trạng ruộng hoang.
Năm 2015, xã Tân Trường có 5,5 ha ruộng bỏ hoang tại 9 thôn, nhiều nhất là thôn Chi Khê và Tràng Kỹ. Xác định xóa ruộng hoang là một nhiệm vụ trọng tâm nên cấp ủy, chính quyền xã đã chủ động nắm bắt nguyện vọng của người dân để đưa ra các biện pháp khả thi. Một trong những biện pháp đó là giao nhiệm vụ cho các đoàn thể chính trị - xã hội vận động người dân tiếp tục canh tác. Đối với những hộ không còn nhu cầu sử dụng thì sẽ giao cho các hộ khác thuê ruộng.
Trước năm 2015, gia đình anh Bùi Văn Sơn (40 tuổi, ở thôn Chi Khê) chỉ có vài sào ruộng cấy lúa. Do hiệu quả kinh tế thấp nên có thời điểm vợ chồng anh muốn bỏ ruộng để đi làm công nhân. Được sự động viên của chính quyền và một số đoàn thể địa phương, anh Sơn thuê lại đất của người dân không có nhu cầu để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn. Xã cũng tạo điều kiện cho gia đình anh vay vốn để mua sắm máy móc, giống, phân bón. Nhờ đó, diện tích gieo cấy lúa của gia đình anh tăng dần. Đến nay, gia đình anh đã canh tác hơn 16 ha ruộng với các giống lúa chất lượng cao như Bắc thơm 7, TBR 225... Anh Sơn cho biết: “Gắn bó với đồng ruộng từ nhỏ, khi thấy ruộng bị bỏ hoang lãng phí nên vợ chồng tôi quyết định thuê lại để cấy. Bây giờ việc đồng áng cũng thuận tiện hơn nhiều do sản xuất nông nghiệp đều bằng máy móc, đường giao thông nội đồng, thủy lợi được bảo đảm. Ngoài ra, xã cũng hỗ trợ về giống, phân bón, thủy lợi phí với mức 100.000 đồng/sào/vụ". Bình quân mỗi năm gia đình anh Sơn thu lãi gần 200 triệu đồng từ cấy lúa.
Nhận thấy việc gieo cấy lúa quy mô lớn mang lại thu nhập ổn định, nhiều hộ dân đã quay lại với ruộng đồng. Một số gia đình cũng nhận lại ruộng bỏ hoang để canh tác.
Theo ông Vũ Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Tân Trường, để xóa ruộng hoang, xã đã xây dựng cơ cấu giống lúa hợp lý, mang lại hiệu quả kinh tế khá. Việc dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hộ trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, xã đã hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa trên tổng diện tích 239 ha.
Với nhiều biện pháp hiệu quả, đến nay, Tân Trường chỉ còn hơn 1 ha ruộng bỏ hoang, tập trung ở 2 thôn Chi Khê và Tràng Kỹ. Thời gian tới, xã quyết tâm không để mảnh ruộng nào hoang hóa. Từ đầu năm 2016, xã đã vận động 2 hộ trồng thí điểm hơn 1 mẫu cam. Nếu hiệu quả, mô hình này sẽ được nhân rộng cho các hộ dân khác trồng và phủ kín ruộng hoang trong năm nay.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng, xã Tân Trường là một điển hình trong xử lý ruộng bỏ hoang vì có những cách làm phù hợp, đáng để các địa phương khác học tập.
ĐỨC TÂM